Sinh viên mới tốt nghiệp ĐH ở Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất nghiệp

16/12/2022 14:10 GMT+7

Hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Thậm chí, có người sở hữu bằng thạc sĩ vẫn chưa chắc tìm được việc làm.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tăng

Tờ South China Morning Post ngày 16.12 dẫn lại các số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị ở Trung Quốc tăng lên 5,7% trong tháng 11, cao nhất trong 6 tháng qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên từ 16-24 tuổi vẫn ở mức cao, 17,1% (giảm nhẹ so với mức 17,9% hồi tháng 10).

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc dự báo số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học (ĐH) bước vào thị trường lao động trong năm 2023 sẽ ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Trung Quốc sẽ có 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp ĐH vào năm 2023, tăng 820.000 so với năm 2022.

Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc

AFP

Chưa kể, số lượng du học sinh tốt nghiệp ĐH trở về nước cũng sẽ góp phần khiến cho thị trường việc làm Trung Quốc ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Có bằng thạc sĩ chưa chắc xin được việc làm

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, anh Vergil Yin, vừa tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh quốc tế trong nước, cho biết anh đang phải cạnh tranh với nhiều ứng viên tốt nghiệp từ các trường ĐH ở nước ngoài trong những vòng phỏng vấn.

Theo anh Yin, số lượng vị trí việc làm cần tuyển giảm, trong khi số lượng người xin việc tăng cao.

“Một số công ty chần chừ không đưa ra quyết định tuyển dụng để chờ những ứng viên tốt hơn. Ở một số công ty môi giới, ngay cả khi được nhận vào làm, sinh viên mới tốt nghiệp phải làm thực tập sinh trong khoảng 6 tháng và cũng không có gì đảm bảo để trở thành nhân viên chính thức”, anh Yin chia sẻ.

Giá trị bằng thạc sĩ cũng được cho là bị hạ thấp trong mắt nhà tuyển dụng. Anh Yin cho hay: “Trước đây, nhiều vị trí đòi hỏi ứng viên phải có bằng thạc sĩ từ ĐH hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tuyển ứng viên với bằng cử nhân ĐH để thay thế, miễn là họ có kinh nghiệm”.

Một số du học sinh trở về nước cũng chưa chắc tìm được việc làm. Zheng Sihan, đang học chương trình thạc sĩ ở Hồng Kông, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán ở Canada, tôi trở về Trung Quốc đại lục tìm việc làm nhưng không tìm được công việc phù hợp nên quyết định học cao học. Tìm việc làm ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn theo từng năm".

Năm tới, cô Zheng sẽ hoàn thành chương trình thạc sĩ và không có ý định tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung Quốc.

Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 10 tuyên bố tăng cường nhiều biện pháp hỗ trợ trong nỗ lực giải quyết tình trạng cứ mỗi 5 sinh viên tốt nghiệp thì có 1 người thất nghiệp.

Chẳng hạn, Bộ có kế hoạch thực hiện cuộc khảo sát quốc gia với hàng triệu sinh viên năm cuối cùng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu việc làm và kế hoạch tuyển dụng trong vòng 2-3 năm tới.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.

Ngoài ra, Bộ này tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của những người lao động làm việc tự do (freelancer).

Theo báo cáo hồi tháng 3 của công ty chuyên về khai phá dữ liệu iiMedia Research, năm 2021, Trung Quốc có hơn 200 triệu người là freelancer, trong đó 16% là sinh viên mới tốt nghiệp.

Theo tờ South China Morning Post, các nhà phân tích dự báo thị trường lao động sẽ không có nhiều cải thiện dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ĐH trong vòng 2-3 năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.