Sinh viên muốn nghỉ học sau 5 học kỳ nợ môn liên tục: Chuyên gia khuyên gì?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/04/2023 16:35 GMT+7

Một sinh viên muốn nghỉ học chia sẻ đã trải qua 5 học kỳ nhưng không thể tiếp thu kiến thức, nợ môn liên tục.

Trên trang FPTU HCM Confessions, một sinh viên muốn nghỉ học đã thổ lộ tình trạng học tập không được như ý của mình.

Sinh viên không nêu tên viết: "Mình là nữ hiện đang học học kỳ 5 ngành kỹ thuật phần mềm. Ban đầu mình chọn ngành này vì nghĩ đến sau này ra trường sẽ tốt hơn. Nhưng khi vào học đến bây giờ mình nợ môn liên tục, mình không thể tiếp thu được bài và hiện giờ vẫn chưa code được bài hoàn chỉnh".

Nữ sinh viên cho rằng đang rất buồn và thất vọng về bản thân. "Đôi khi mình muốn nghỉ học hoặc chuyển ngành khác nhưng tới bây giờ số tiền đổ vô không hề ít. Bây giờ mình phải làm sao đây? Mình thấy lạc lõng lắm. Mọi người cho mình lời khuyên với", nữ sinh viên muốn nghỉ học chia sẻ.

Sinh viên muốn nghỉ học do học 5 học kỳ vẫn không thể tiếp thu - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu về ngành nghề tại chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên

H.Đ

Có thể nói, đây là tình trạng của không ít sinh viên tại các trường ĐH. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Đào tạo Trường ĐH FPT phân hiệu TP.HCM, cho biết: "Tại trường, mỗi năm có vài trăm sinh viên chuyển ngành do sau một thời gian học thấy mình không phù hợp với ngành học đã chọn. Việc này là hết sức bình thường do ban đầu khi chọn ngành, có thể các em chưa định hướng rõ mình muốn gì, phải học một vài học kỳ chuyên ngành mới biết mình có điểm mạnh, điểm yếu gì, có yêu thích và phù hợp với ngành đó hay không".

Theo ông Tuấn Anh, thông thường sinh viên sẽ chuyển ngành trong 3 học kỳ đầu, hiếm ai để đến tới học kỳ 4 hay 5 vì như vậy là đã đi qua được nửa chặng đường học ĐH.

"Với ngành kỹ thuật phần mềm mà nữ sinh viên trên đang theo học, đòi hỏi có tư duy logic, kỹ năng tính toán, năng lực về kỹ thuật và quan trọng là phải có sự yêu thích. Học đến học kỳ 5 chứng tỏ bạn rất kiên trì. Tuy nhiên, có 2 hướng xảy ra. Nếu bạn chọn ngành vì nghĩ sau này ra trường có việc làm tốt mà không có sự yêu thích và không có các tố chất phù hợp, thì không nên cố thêm mà rất lãng phí thời gian và tiền bạc. Bạn nên chuyển sang một ngành khác, không bao giờ là muộn. Trường sẽ tạo điều kiện cho em chuyển sang một ngành mà em cảm thấy yêu thích và phù hợp hơn, do điểm chuẩn tất cả các ngành vào trường là như nhau".

Trong trường hợp sinh viên vẫn yêu thích ngành này nhưng cảm thấy khó tiếp thu kiến thức, ông Tuấn Anh khuyên sinh viên nên gặp một giảng viên để chia sẻ. Bằng kinh nghiệm của mình, giảng viên sẽ có những định hướng và tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp nhận và có hỗ trợ như cử giảng viên phụ đạo thêm ở những môn mà sinh viên cảm thấy khó.

Không nên chọn ngành theo bạn bè, hãy chọn ngành mình thích

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, lưu ý: "Khi đăng ký ngành học, các em phải xác định mục tiêu mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào? Trước hết xác định nghề, công việc mình muốn làm thông qua một số công cụ trắc nghiệm ngành nghề. Tiếp đến là tìm hiểu học các ngành nào có thể làm nghề đó để hình dung sự tương thích của bản thân với ngành học".

Bên cạnh đó, tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng ngay từ đầu bạn trẻ hãy cân nhắc thật kỹ lĩnh vực ngành nghề mà mình yêu thích là gì chứ không nên chọn theo bạn bè, cũng không nên chọn vì thấy nó là ngành 'hot'. "Quan trọng nhất là các em yêu cái gì thì chọn cái đó, tiếp đến là dựa vào khả năng, tố chất của mình có phù hợp hay không", tiến sĩ Cẩm Vân cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.