Sinh viên tử vong do cúm A/H5N1: Người dân TP.HCM cần làm gì để phòng tránh bệnh?

Duy Tính
Duy Tính
24/03/2024 10:08 GMT+7

Bệnh cúm A/H5N1 không có vắc xin phòng ngừa, do vậy người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc để phòng chống bệnh cúm A/H5N1 nguy hiểm.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 23.3, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, nam bệnh nhân B.T.Đ (21 tuổi, ngụ TX.Ninh Hòa, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.Nha Trang, Khánh Hòa) mắc cúm A/H5N1 và đã tử vong. Những người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân đều được cách lý, theo dõi.

Liên quan đến bệnh cúm A/H5N1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng vừa có những thông tin và khuyến cáo về căn bệnh nguy hiểm này.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã có những biện pháp kiểm soát căn bệnh này xâm nhập khi có ca bệnh cúm A/H5N1 và tử vong ở Campuchia.

Sinh viên tử vong do cúm A/H5N1: Người dân TP.HCM cần làm gì để phòng tránh bệnh?- Ảnh 1.

Cúm gia cầm là căn bệnh nguy hiểm, người dân cần cảnh giác

DUY TÍNH

Cúm A/H5N1 là gì?

Theo HCDC, cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do vi rút cúm chủng H5N1 gây ra. Cúm A/H5N1 có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm.

Vi rút cúm A/H5N1 thỉnh thoảng vẫn lây nhiễm cho con người từ động vật. Tuy nhiên bệnh vẫn rất khó lây nhiễm từ người sang người. Cúm A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, có khả năng gây ra các biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở người.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh.

Không có bằng chứng về việc bệnh có thể lây lan sang người thông qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ cũng như việc lây truyền từ người sang người.

Triệu chứng cúm A/H5N1 ở người ra sao?

Theo HCDC, các triệu chứng của nhiễm cúm A/H5N1 có thể bao gồm: sốt (thường sốt cao, số hơn 38°C), khó chịu, ho, đau họng, đau cơ.

Các triệu chứng khác như: đau bụng, đau ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn tới tử vong.

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng cúm A/H5N1. Việc tiêm ngừa vắc xin cúm phòng các chủng vi rút cúm A, B khác không có tác dụng phòng chống lại cúm chủng A/H5N1. Tuy nhiên, tiêm phòng cúm mùa chính là biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm tránh sự tiếp xúc giữa vi rút cúm A/H5N1 với các loại vi rút cúm khác.

"Cần sử dụng các sản phẩm từ gia cầm và các loài chim khác chỉ an toàn khi được chế biến và nấu chín đúng cách. Vì vi rút "nhạy cảm" với nhiệt độ. Nhiệt độ thường khi nấu ăn sẽ tiêu diệt được vi rút", HCDC thông tin.

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm tử vong: Có thể lây từ chim hoang dã!

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

  1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.