Sơ đồ tư duy Việt Nam - Đánh thức tiềm năng sáng tạo và đổi mới

19/05/2022 09:30 GMT+7

“Không phải chỉ vẽ ra những kiến thức đã đọc, đã học trên sơ đồ tư duy mà quan trọng nhất là các em ứng dụng được vào thực tế, đúng với tinh thần đổi mới dạy và học mà ngành giáo dục đang hướng đến”.

Đó là phát biểu của ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại Hội thảo Phát triển kỹ năng học tập cho học sinh tiểu học thông qua sân chơi “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 17.5. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ GĐ-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và hơn 200 thầy cô giáo cấp tiểu học trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Hội thảo Phát triển kỹ năng học tập cho học sinh tiểu học thông qua sân chơi “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” tại Đà Nẵng

Phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh

Không thể phủ nhận, nền giáo dục Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã có những bước chuyển mình to lớn, đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự tích lũy kho tàng tri thức khổng lồ của loài người, càng đòi hỏi phải kịp thời đổi mới cách tiếp cận, nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo.

Thực tiễn đó cho thấy, một trong những phương pháp đổi mới giáo dục là phải nâng cao năng lực tư duy của người học, và “tạo đột phá” trong đổi mới giáo dục, phù hợp với định hướng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT.

Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã và đang áp dụng nhiều phương pháp giáo dục đổi mới để thích ứng với sự thay đổi về nhu cầu và cách thức học tập hiện nay, khi nhân loại bước sang một giai đoạn phát triển mới, đặt ra những yêu cầu mới về phát triển nhân lực, phát triển con người.

Với mong muốn đồng hành cùng ngành Giáo dục, góp phần lan tỏa những phương pháp giúp đổi mới việc dạy và học, tạo điều kiện phát triển tư duy độc lập, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo đúng tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện, Đài Truyền hình Việt Nam và Viện Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức sân chơi trí tuệ “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” (Vietnam Mindmap Championship 2022) dành cho học sinh các cấp trên cả nước.

Sân chơi trí tuệ “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” - Nơi các em học sinh được tỏa sáng với tư duy hình ảnh

Hội thảo “Phát triển kỹ năng học tập cho học sinh tiểu học thông qua sân chơi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” là một trong các chuỗi sự kiện góp phần lan tỏa phương pháp học bằng cách sơ đồ hóa tư duy đến gần hơn với học sinh và thầy cô trên cả 3 miền của Việt Nam.

Tại hội thảo lần này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT đã có bài tham luận chia sẻ về: Tầm quan trọng của "Phương pháp Tổ chức các hoạt động dạy học hình thành kỹ năng học tập" cho học sinh Tiểu học trong đổi mới giáo dục. Theo đó, giáo viên cần thiết kế các hoạt động dạy học như thế nào để giúp học sinh hình thành và đạt được các năng lực, kỹ năng học tập cần thiết.

“Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã xác định mục tiêu là phải đổi mới căn bản và toàn diện từ mục tiêu, nội dung cho đến phương pháp và hình thức dạy học. Và một trong những điều quan trọng nhất đó là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Chúng ta phải làm sao để ứng dụng sơ đồ tư duy và các công cụ khác giúp việc học của các cháu nhẹ nhàng và thú vị hơn”, Vụ trưởng nhấn mạnh.

Học nhẹ nhàng, nhớ lâu, tư duy hiệu quả

Sơ đồ tư duy (mindmap) là kỹ thuật ghi chép, ghi nhớ giúp người dùng kích thích và vận dụng cả hai bán cầu não. Phương pháp này từ thời điểm xuất hiện đã thúc đẩy làn sóng cách mạng học tập trên thế giới. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, GS Tony Buzan - cha đẻ của sơ đồ tư duy đã có cuộc trò chuyện trên chương trình Người đương thời của Đài THVN. “Niềm đam mê về kỹ năng rèn luyện trí nhớ đã dẫn lối để tôi phát triển được công cụ trí tuệ của mình, đó là sơ đồ tư duy (Mindmap). Cái hay của sơ đồ tư duy là ở chỗ nó giúp bạn có cái nhìn tổng thể, không bỏ sót các ý tưởng”, ông Tozy Buzan chia sẻ trong bài diễn thuyết của mình.

Sơ đồ tư duy không khó, bất cứ ai cũng có thể tạo ra một sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý: Từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lớn lại lan tỏa ra nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận. Sơ đồ tư duy có thể ứng dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào của tư duy, bao gồm trí nhớ, suy nghĩ sáng tạo, lên kế hoạch, ra quyết định, truyền thông...

Kể từ thời điểm đó, nhu cầu tìm hiểu về sơ đồ tư duy cùng các công cụ tư duy khác trong làn sóng cách mạng học tập đã lan tỏa rộng hơn, tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức của người dạy và học về cách tiếp cận sơ đồ tư duy. Hiện nay, nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng Sơ đồ tư duy cho việc đổi mới việc dạy và học, và đã nhận được nhiều phản ứng tích cực về tính hiệu quả.

Đối với các thế hệ học sinh hiện nay, việc học và phải xử lý, ghi nhớ quá nhiều dữ liệu cùng một lúc đã trở thành nỗi lo lắng, sợ hãi khiến tâm lý các em dễ căng thẳng, mệt mỏi và não bộ dễ quá tải. Đó cũng chính là lý do, việc đổi mới dạy học, ứng dụng sơ đồ hóa tư duy trong việc giúp các em học sinh hệ thống kiến thức đang trở thành giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đổi mới trong cách dạy là nên gợi mở để người học chủ động và độc lập suy nghĩ, chứ không phải “mớm” sẵn hay “đóng khung” các kiến thức.

Sơ đồ tư duy giúp học sinh học được cách khái quát hóa và đơn giản mọi vấn đề, xác định được đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ, các từ ngữ dùng để diễn đạt nội dung cần ghi nhớ phải đơn giản dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thuộc, tạo tâm lý hứng thú và vui vẻ khi ghi nhớ kiến thức.

Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong - Viện phó Viện Kỷ lục Việt Nam - Chủ tịch Tổ chức Trí nhớ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Tại hội thảo, Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong - Viện phó Viện Kỷ lục Việt Nam đã có bài chia sẻ lý do vì sao Sơ đồ tư duy được xem là một công cụ về phát triển tư duy và vẽ Sơ đồ tư duy là kỹ năng cần thiết cho học sinh, cũng như kinh nghiệm về sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học.

Theo nghiên cứu, thông tin hình ảnh đi vào não nhanh hơn gấp 60.000 lần thông tin dạng văn bản. Từ 4-10 tuổi, trẻ đã bắt đầu tư duy bằng hình ảnh và chúng ta cần tiếp tục phát huy tư duy đó của các con. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của văn bản. Việc kết hợp giữa hình ảnh và văn bản, mức độ hấp thụ sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó 90% thông tin mà não bộ xử lý thực sự là hình ảnh, kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong cho biết.

Cũng tại hội thảo, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh: “Không phải chỉ vẽ ra những kiến thức đã đọc, đã học trên sơ đồ tư duy mà quan trọng nhất là các em ứng dụng được vào thực tế, đúng với tinh thần đổi mới dạy và học mà ngành giáo dục đang theo đuổi”.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022”, ngày 16.5 vừa qua, School Tour “Cùng VTV7 tiến về phía trước” đã ghé thăm trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Đây là chuỗi chương trình giao lưu của VTV7 đến trực tiếp nhiều ngôi trường trên các tỉnh, thành phố.

Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong giao lưu cùng học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) tại chương trình “Cùng VTV7 tiến về phía trước”

Tại đây, các bạn học sinh không chỉ được tư vấn định hướng nghề nghiệp, trang bị các kỹ năng “vàng” mà học sinh cần có trong thế kỷ 21 mà đặc biệt là được tham gia Minigame “Cùng vẽ mindmap - 5 phút thuộc bài” với thông điệp “Học nhẹ nhàng - Nhớ Lâu - Tư duy hiệu quả”, qua đó tiếp cận được cách học nhanh, nhớ lâu với sơ đồ tư duy và lan tỏa cuộc thi “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” đến với học sinh THPT trên toàn quốc.

“Dưới góc nhìn của một giáo viên, tôi nhận thấy sơ đồ tư duy (mindmap) là một phương pháp học tập thực sự hiệu quả, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách có chọn lọc, có hệ thống và rất cô đọng”, thầy Nguyễn Quốc Khánh - Giáo viên bộ môn Toán, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ.

Hiện nay, Ban tổ chức cuộc thi “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” đang triển khai nhanh chóng việc tìm kiếm đội chơi tài năng, các cá nhân xuất sắc. Đồng thời, tiếp tục triển khai tổ chức các buổi hội thảo tập huấn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành 3 miền cùng các chuỗi sự kiện đi kèm để đưa phương pháp dạy và học bằng sơ đồ tư duy đến gần hơn với các trường học trên cả nước.

Cuộc thi “Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022” do Viện Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thí sinh có thể đăng ký tham gia từ ngày 15.5 đến hết ngày 20.10.2022. Vòng Chung kết và lễ trao giải cuộc thi dự kiến diễn ra vào tháng 12.2022, thí sinh sẽ thi trực tiếp và chương trình được phát sóng truyền hình. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 3 tỉ đồng dành cho 36 giải cá nhân và 20 giải đồng đội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.