Sở GD-ĐT TP.HCM nêu giải pháp nào đổi mới bồi dưỡng học sinh giỏi?

Bích Thanh
Bích Thanh
16/08/2023 15:27 GMT+7

Ngày 16.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức lễ tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi năm học 2022-2023. Tại đây, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã chỉ ra những hạn chế và tồn tại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nói về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi? - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM trao bằng khen cho học sinh giỏi

BẢO CHÂU

Theo đó, TP.HCM tuyên dương khen thưởng 431 học sinh giỏi và 27 giáo viên có những đóng góp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Trong số học sinh giỏi của TP.HCM được tuyên dương dịp này có Trần Nguyễn Thanh Danh, lớp 12 Toán, Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM xuất sắc đoạt huy chương đồng kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 2023 tổ chức tại Nhật Bản vừa qua.

Ngoài ra còn có đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật "Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở" của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt giải đặc biệt tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc tế REGENERON ISEF 2023… Bên cạnh đó, có 98 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bậc THPT…

Đánh giá về kết quả học sinh giỏi cấp quốc gia nói trên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay hầu hết các đội tuyển đều có kết quả đạt và vượt chỉ tiêu. Một số môn học có truyền thống đạt kết quả cao vẫn duy trì vững chắc như hóa học, tiếng Anh, toán, tin học, vật lý. Đội tuyển lịch sử đã có sự bứt phá thành công với 5/6 học sinh đều đạt giải; môn tiếng Anh có 2 học sinh xuất sắc giành giải nhất.

Phát biểu tại lễ tuyên dương, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, bày tỏ sự vui mừng trước những thành tích mà học sinh và giáo viên thành phố đã đạt được. Lãnh đạo thành phố ghi nhận công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi của thành phố luôn tích cực đổi mới, không ngừng sáng tạo, đổi mới đúng trọng tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Bà Lệ đã bày tỏ xúc động khi có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và các cuộc thi học sinh giỏi, trở thành niềm tự hào của gia đình và nhà trường, làm rạng danh thành phố... Bà Lệ biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của học sinh và các thế hệ thầy cô đã tích cực tham gia công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Theo bà Lệ, hiện nay, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khát vọng lớn lao, xuất hiện nhiều công nghệ mới, tác động sâu rộng đến nền kinh tế, mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục cần tiếp tục phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành giáo dục cũng cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tiếp tục thực hiện đổi mới, giúp học sinh phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân, phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và đất nước.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nói về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi? - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ ra những hạn chế trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

BẢO CHÂU

Những hạn chế trong bồi dưỡng học sinh giỏi

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, ông Bảo Quốc cũng nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại của TP.HCM. Cụ thể, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 vẫn chưa có sự đồng đều giữa các bộ môn. Kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố ở một số đơn vị chưa bền vững hoặc chưa có sự đồng đều giữa các đơn vị. Bên cạnh những đơn vị đạt được thành tích cao còn nhiều đơn vị chưa đạt hoặc đạt được rất ít giải, thành tích thấp, nhất là các trường ở vùng ven, ngoại thành. Có những đơn vị ở khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng số lượng và chất lượng giải còn hạn chế, chưa khẳng định được vị thế của mình.

Đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi ở một số đơn vị còn thiếu, nhiều môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều giáo viên trẻ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi lần đầu nên còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm dạy bồi dưỡng... Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học tập, kinh phí đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh còn hạn chế.

Giải pháp cần thực hiện

Từ đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong những năm học tiếp theo, ngành giáo dục thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp như: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; chính sách đãi ngộ, thu hút trong việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên giỏi; khuyến khích giáo viên giỏi, học sinh giỏi phát huy năng lực, sở trường. Cán bộ quản lý và giáo viên, bằng sự tâm huyết, tận tình của người thầy, tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi, truyền cảm hứng, khích lệ, động viên học sinh dự thi vào ngành sư phạm để tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Khuyến khích, động viên các giáo viên có chuyên môn giỏi, yêu nghề, tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho công tác đào tạo học sinh nói chung và bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức dạy và học, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học. Nâng cao chất lượng dạy học theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học ngay ở những tiết học bình thường trên lớp, tổ chức hướng dẫn học sinh về nhà tự học và học tập theo nhóm, đặc biệt đối với đối tượng là học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu.

Người phụ trách chuyên môn các bậc học của TP.HCM cũng nhấn mạnh, thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ thi học sinh theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng khiếu để chủ động trong việc tuyển chọn, ôn luyện, bồi dưỡng, tập huấn các đội tuyển học sinh giỏi.

Các trường cần thường xuyên rà soát, thay thế những nội dung lạc hậu, không còn phù hợp và kịp thời cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với đặc trưng bộ môn và đáp ứng yêu cầu thời đại. Tập trung đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các cấp học.

Ông Quốc cho rằng, các trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi. Đồng thời cần xác định là những trường trọng điểm chất lượng cao, đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.