Sở GD-ĐT TP.HCM nêu những lý do ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục

Bích Thanh
Bích Thanh
11/10/2024 16:31 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những đề xuất gửi Bộ GD-ĐT về việc triển khai các hoạt động giáo dục cho năm học 2024-2025.

Ngày 11.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã báo cáo với với Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị, triển khai các nhiệm vụ năm học và đưa ra đề xuất cho thời gian thực hiện sắp tới.

Sở GD-ĐT TP.HCM nêu những lý do ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục- Ảnh 1.

Học sinh THCS tại quận Bình Tân khai giảng năm học mới. Quận Bình Tân là một trong những địa phương của TP.HCM gặp áp lực về sĩ số lớp học

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thiếu giáo viên, chưa đủ các phòng chức năng...

Theo Sở GD-ĐT, hiện nay, TP.HCM vẫn còn một số quận, huyện: quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh… tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày chưa đạt 100% do chưa đảm bảo điều kiện 1 phòng học/ ớp, trường chưa có đủ các phòng chức năng theo quy định. Một số trường, sĩ số học sinh còn quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu giáo viên nhiều môn, bộ môn nên phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy chủ yếu tập trung các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật do không có nguồn giáo viên dự tuyển.

Theo Sở GD-ĐT, địa phương còn gặp khó khăn trong việc phát triển đội ngũ giáo viên các môn tin học, công nghệ và nghệ thuật. Việc đầu tư trong phát triển hệ thống trường, lớp tại một số quận, huyện nhất là các quận huyện có dân số đông hiện nay đang gặp khó khăn.

Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa gặp khó khăn về phương án bố trí thời gian thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của học sinh tham gia với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.

Giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống nên đa số các cơ sở giáo dục phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện. Việc có thêm các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa góp phần giáo dục toàn diện học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này là hoạt động tự nguyện có sự tham gia đóng góp của người học nên còn những quan điểm khác nhau khi triển khai hoạt động này.

Một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin của các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho phụ huynh học sinh đã gây ra một số nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, thực tế… cho học sinh.

Giải pháp của TP.HCM

Với những hạn chế tồn tại nêu trên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay đã phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn hoàn thiện đề án thu hút giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên.

Sở GD-ĐT TP.HCM nêu những lý do ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục- Ảnh 2.

Tiết học về kỹ năng sống của học sinh quận 10, TP.HCM

ẢNH: PHÒNG GD-ĐT

Sở phối hợp với sở, ban, ngành và UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 4.500 phòng học hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học trên một vạn dân, chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước. Từ đó tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh tại lớp, tăng chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, khi triển khai các chương trình giáo dục, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường cần có sự phối hợp, đồng thuận và giám sát từ phụ huynh học sinh, đảm bảo chủ trương xã hội hóa giáo dục được thực hiện chặt chẽ và đúng theo quy định của pháp luật.

Những đề xuất với Bộ GD-ĐT

Cũng trong báo cáo công tác kiểm tra đầu năm học, Sở GD-ĐT đề xuất với Bộ GD-ĐT hướng dẫn thống nhất về việc xác định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường và thẩm quyền ban hành mức thu đối với các dịch vụ giáo dục khác ngoài học phí không phải là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục để các địa phương có cơ sở thực hiện.

TP.HCM đề xuất Bộ chỉ đạo giao việc xây dựng, lựa chọn chương trình nhà trường cho hội đồng trường, vì đây là hình thức thu hộ, chi hộ, không phải là khoản kinh phí chi từ ngân sách.

Chỉ đạo cụ thể việc tổ chức dạy học chương trình nhà trường bên cạnh việc thực hiện chương trình GDPT 2018 sao cho linh hoạt, giao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng và hội đồng trường.

Đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, hướng dẫn về công tác quản lý dạy thêm học thêm được điều chỉnh theo định hướng mới của Chương trình GDPT 2018 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho TP thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án theo định hướng giáo dục thông minh, chuyển đổi số và đạt chuẩn quốc tế ở một số nội dung, lĩnh vực GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.