Đến năm 2030, 100% học sinh TP.HCM biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ

Bích Thanh
Bích Thanh
09/10/2024 08:31 GMT+7

UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2030, 100% học sinh TP.HCM biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, trường tiểu học tiên tiến, chất lượng cao của Q.1, TP.HCM giao lưu cùng học sinh Trường tiểu học New Town (Singapore) vào đầu tháng 9

ẢNH: HẠNH TRẦN

Theo đó, giáo dục TP.HCM đặt mục tiêu đổi mới, phát triển toàn diện học sinh, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT, nguồn nhân lực chất lượng cao... Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu môn học; có tầm nhìn, tư duy phát triển; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, mô phạm, đồng thời là tấm gương về giá trị đạo đức lối sống cho giáo viên, học sinh noi theo.

Đặc biệt, TP.HCM chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nghề nghiệp của nhà giáo đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới; góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Ngoài ra, định hướng đào tạo con người có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030

Giáo dục TP.HCM chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, năng lực chuẩn quốc tế, xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, khu vực ASEAN và tiến đến đào tạo công dân toàn cầu...

TP.HCM cũng đặt ra tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng và phát triển giáo dục TP văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tiếp thu văn minh của thế giới. TP là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc. Ngành GD-ĐT TP thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, học tập bằng ngoại ngữ

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong chiến lược phát triển GD-ĐT, TP.HCM đặt ra nhiệm vụ cụ thể: Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia: 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập.

Mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; TP có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; 100% trường học trên địa bàn TP phấn đấu xây dựng trường học thông minh.

Đảm bảo sĩ số ở các bậc học từ 30-35 học sinh/lớp. 100% trường tiểu học, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày; có từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức dạy học 2 buổi/ngày; 30% trường tiểu học, THCS và THPT đảm bảo đủ điều kiện tự chủ.

Đặc biệt, 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ). 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế. 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.