So kè chiến đấu cơ Mỹ - Trung ở Biển Đông

25/07/2020 08:29 GMT+7

Bên cạnh tàu chiến, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tăng cường hoạt động của lực lượng máy bay chiến đấu ở Biển Đông .

Hôm qua (24.7, theo giờ Việt Nam), website của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) đưa tin 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer thuộc không quân nước này ngày 21.7 đã cất cánh từ đảo Guam để thực hiện sứ mệnh hoạt động ở Biển Đông.

Cuộc cạnh tranh mới

Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo tối 20.7 đưa tin một lữ đoàn thuộc Chiến khu nam (Trung Quốc) đã tổ chức cuộc diễn tập trên với chiến đấu cơ đa nhiệm JH-7 từ ngày 15 - 16.7. Cuộc diễn tập có nội dung tấn công mục tiêu trên biển và triển khai chiến đấu cơ đến một đảo ở Biển Đông trong lúc chiến đấu cơ và chiến hạm Mỹ tập trận ở khu vực. Tuy nhiên, bản tin trên không nói các chiến đấu cơ JH-7 đến nơi nào ở Biển Đông. Mới đây, truyền thông quốc tế cũng đăng tải hình ảnh cho thấy sự hiện diện của máy bay tiêm kích J-11B trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép.

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở vịnh Bắc bộ ?

Thông qua Twitter, Hoàn Cầu thời báo tối 23.7 thông tin quân đội Trung Quốc thông báo diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu từ ngày 25.7 - 2.8. Bán đảo Lôi Châu nằm ở cực nam tỉnh Quảng Đông, phía tây hướng ra vịnh Bắc bộ và phía đông hướng ra Biển Đông. Ngoài ra, Cục Hải sự Bắc Hải (Trung Quốc) ngày 23.7 thông báo hai cuộc diễn tập quân sự sẽ được tổ chức ở vịnh Bắc bộ từ ngày 25 - 28.7. 
Minh Trung
Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định sau các diễn biến trên mặt biển, Mỹ - Trung dường như đang cạnh tranh cả trên không.
Cụ thể hơn, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson) nhận định sự hiện diện của máy bay tiêm kích J-11B tại đảo Phú Lâm và thông tin máy bay tiêm kích - ném bom JH-7 tập trận, thể hiện khả năng sức mạnh tấn công của Trung Quốc nhằm vào tàu chiến Mỹ đang được triển khai ở Biển Đông.
Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Xét về khía cạnh chính trị, việc Trung Quốc điều động máy bay JH-7 tập trận mang thông điệp Bắc Kinh đang củng cố khả năng triển khai chiến đấu cơ xuất kích từ đảo Hải Nam để tấn công các tàu chiến ở các vùng biển lân cận. Kết hợp cùng với hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có lẽ Bắc Kinh sẽ nỗ lực phát triển khả năng tác chiến của không quân tại đây”.

Trung Quốc khó giữ ưu thế ngắn hạn

Theo ông Nagao, so sánh tương quan và chỉ bàn đến sức mạnh chiến đấu cơ hiện đại gồm thế hệ 4 và 5, thì Trung Quốc có khoảng 1.300 máy bay. Còn Mỹ ở khu vực thì với 3 tàu sân bay ở Thái Bình Dương mang theo khoảng 150 máy bay tiêm kích F/A-18, và tàu tấn công đổ bộ chở 7 chiếc F-35. Tính thêm 130 máy bay chiến đấu mà Mỹ đang triển khai ở các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam, Washington có tổng số khoảng 300 máy bay chiến đấu có thể nhanh chóng hiện diện ở Biển Đông.

Úc đệ trình lên LHQ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 23.7, Phái đoàn thường trực Úc tại LHQ đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ  để bày tỏ lập trường của nước này liên quan một loạt công thư của Trung Quốc và công hàm của Malaysia gửi đến Ủy ban Giới hạn thềm lục địa về Biển Đông. 
Theo đó, chính phủ Úc bác bỏ mọi tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Úc cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, cũng như tuyên bố quyền và lợi ích hàng hải đã được thiết lập qua thời gian dài thực tiễn lịch sử tại Biển Đông. Phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo UNCLOS năm 2016 đã kết luận các yêu sách này không phù hợp với UNCLOS.
Liên quan công thư ngày 17.4 của Trung Quốc trong đó tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) đã được thừa nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế; chính phủ Úc tuyên bố không chấp nhận. 

Ngọc Mai
“Nên xét về tương quan 2 bên thì Trung Quốc có ưu thế trong ngắn hạn. Nhưng ưu thế này của Bắc Kinh cũng có thể mất đi nếu các bên trong khu vực ủng hộ Washington. Cụ thể hơn, Mỹ có những đồng minh và đối tác trong khu vực như Nhật Bản (có khoảng 300 máy bay chiến đấu), Úc (có khoảng 100 máy bay chiến đấu) và Ấn Độ (có khoảng 600 máy bay chiến đấu)… Không những vậy, Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với Tokyo ở biển Hoa Đông, với New Delhi ở biên giới Ấn - Trung. Nên thực tế, Trung Quốc cũng phải dàn trải sức mạnh không quân ra nhiều hướng”, TS Nagao phân tích và cho rằng: “Toàn bộ lực lượng không quân của Mỹ có đến khoảng 3.000 chiến đấu cơ, nên xét về dài hạn thì Trung Quốc khó có thể so bì, nhất là khi Washington có thể điều động các oanh tạc cơ từ bên kia Thái Bình Dương để hướng về Bắc Kinh như những lần triển khai gần đây”.

Vai trò của các nước Đông Nam Á

Phân tích về tương quan hai bên, cựu đại tá Schuster đánh giá: “Xét về so sánh chiến lược thì Trung Quốc chiếm ưu thế khi có lực lượng đồn trú thường trực, nhưng lại có nhược điểm là hạ tầng ở Hoàng Sa và Trường Sa chưa đủ sức hỗ trợ lâu dài. Trong khi đó, Mỹ có thể phát huy ưu thế từ tàu sân bay có tính cơ động cao, đồng thời có thể tận dụng hạ tầng của các đồng minh trong khu vực mà điển hình là Philippines”.
“Thời gian qua, tàu chiến Mỹ thường xuyên viếng thăm các đối tác trong khu vực, nhưng sẽ càng có ý nghĩa hơn khi máy bay chiến đấu Mỹ cũng có hoạt động tương tự. Với cách này, Washington sẽ gửi thông điệp có sức mạnh lớn hơn khi thể hiện ưu thế cả trên biển lẫn trên không”, ông Schuster đề xuất.
Tương tự, TS Homles phân tích thêm: “Mỹ chiếm ưu thế về việc mỗi tàu sân bay có thể mang theo đến 80 máy bay nhiều loại (bao gồm cả máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay tiếp vận...), nhưng toàn bộ lực lượng khó có thể tác chiến hiệu quả nếu thiếu sự hỗ trợ từ các căn cứ trên đất liền lân cận. Trung Quốc thì lại có ưu thế với các cơ sở mà nước này thiết lập ở các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép - NV). Nhưng hạ tầng của các cơ sở này cũng khá hạn chế. Chính vì thế, giữa Mỹ và Trung Quốc, các đối tác ở Đông Nam Á ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho bên nào thì bên đó chiếm ưu thế toàn diện”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.