Sợ thất nghiệp còn hơn sợ dịch Covid-19

18/03/2020 00:00 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, có gần 10.000 lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đã cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc.

Hàng ngàn lao động mất việc do Covid-19

Mặc dù Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch Covid-19, nhưng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội những ngày này vẫn tấp nập người lao động đến đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). 8 giờ sáng, bộ phận 1 cửa mới bắt đầu làm việc nhưng từ 6 - 7 giờ sáng, NLĐ đã đến xếp hàng chờ lấy số, để tránh phải chờ đợi lâu trong giờ “cao điểm”.
Sau hơn 2 tiếng chờ đợi, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (46 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. “24 năm làm công nhân may mặc, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như lúc này. Công ty không có nguyên liệu sản xuất, ít việc nên cắt giảm lương từ 7 triệu xuống còn 4 triệu/tháng. Chồng tôi làm cơ khí, từ tết đến giờ cũng nghỉ ở nhà. Cả gia đình 4 miệng ăn trông chờ hết vào khoản lương ít ỏi của tôi. Tôi đành phải xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp BHTN, nếu không những ngày tới gia đình tôi lấy gì để sống?!”, chị Liên chia sẻ.
Do đang trong thời gian dịch bệnh, trường học đóng cửa nên anh Lê Đức Hà (43 tuổi, kỹ sư xây dựng, nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải đưa cả con gái đi theo đến TTDVVL đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Anh Hà bộc bạch: “Dự án của tôi kết thúc đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội. Thời gian này tôi ở nhà trông con. Tôi cũng đã lên mạng đăng ký ứng tuyển vào một số đơn vị, nhưng do dịch bệnh họ cũng ngại chưa gọi đi phỏng vấn. Dịch bệnh thế này chẳng ai muốn đến chỗ đông người làm gì, nhưng nếu không đi làm hồ sơ thì không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp”.
Chị Đặng Thị Thu Hiền (quê Phú Thọ), nhân viên lễ tân một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cũng nằm trong số nhân viên bị cắt giảm nhân sự, cho biết: “Công suất thuê phòng thấp, chủ khách sạn chỉ giữ lại vài nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo trì, còn lại cho nghỉ hết. Tôi tính đăng ký xong BHTN rồi về quê chờ hết dịch mới quay lại Hà Nội”, chị Hiền cho hay.

Số người đăng ký thất nghiệp còn tăng

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc TTDVVL Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lĩnh vực ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng như: du lịch, vận tải, chế biến, dệt may, da giày, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống…”, ông Thành thông tin.
Tổng hợp số liệu trong tháng 2 tại TTDVVL Hà Nội, trong số 4.037 NLĐ đăng ký hưởng BHTN, có hơn 200 lao động thất nghiệp vì DN phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất; tái cơ cấu ở hơn 80 DN.
Dù chưa có hiện tượng thất nghiệp nhiều tại một vài đơn vị do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc TTDVVL Hà Nội, với tác động của dịch Covid-19, trong thời gian tới, số lao động mất việc trong các DN sản xuất, lưu trú sẽ tăng.
“Theo quy định, NLĐ có khoảng thời gian 3 tháng đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những LĐ mất việc trong tháng 1, tháng 2 đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ và có thể lo ngại dịch bệnh nên chưa đến trung tâm để đăng ký. Qua theo dõi thị trường lao động thời gian qua, một số DN mới cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh thu nhập của người lao động, chứ chưa có ý định sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, dự báo trong quý 2, số lao động đăng ký thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 20 - 30%. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án để hỗ trợ tích cực nhất cho NLĐ”, ông Thảo cho hay.
Để hỗ trợ NLĐ trong thời điểm khó khăn này, ông Thảo cho biết, theo luật Việc làm, khi NLĐ thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được trợ cấp nếu tham gia đóng BHXH từ 12 - 36 tháng sẽ được hỗ trợ 3 tháng. Mỗi năm tăng thêm sẽ được tăng thêm 1 tháng với mức bình quân 60% của tháng lương tối thiểu. Đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để NLĐ trang trải trong thời gian thất nghiệp.
Ngoài kinh phí hỗ trợ hàng tháng, NLĐ còn được nhân viên TTDVVL tư vấn hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề. Ông Thảo cho biết: “Khi NLĐ đến với TTDVVL khai báo tình trạng thất nghiệp, các cán bộ trung tâm tư vấn cụ thể vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm trước khi thất nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tư vấn cho NLĐ hướng đến các ngành nghề khác”.
Trước tình hình số lượng NLĐ đến đăng ký thất nghiệp gia tăng, để phòng tránh dịch bệnh, ông Thảo cho biết TTDVVL đang nghiên cứu trang bị máy đo thân nhiệt kiểm soát toàn người đến đăng ký thất nghiệp, tìm việc làm và khách đến TTDVVL trong thời gian dịch bệnh.
1.027 người mất việc vì dịch Covid-19
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong tháng 2, dựa trên báo cáo của 22 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Số lao động bị mất việc do dịch Covid-19 là 1.027 người, chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một vài ngành khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.