Số trường học mở cửa đón học sinh đang giảm dần

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/11/2021 07:30 GMT+7

Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương mở cửa lại trường với mong muốn học sinh được học trực tiếp, nhưng quyền quyết định thuộc về địa phương nên số trường mở cửa đón học sinh đang giảm dần khi diễn biến dịch phức tạp.

Từ đầu tháng 11, tăng số địa phương đóng cửa trường

Theo kế hoạch thời gian năm học, thời điểm này đang ở tuần 10 trong 18 tuần thực học của học kỳ 1. Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 28 tỉnh thành đang tổ chức cho học sinh (HS) học trực tiếp toàn bộ hoặc kết hợp nhiều hình thức; 35 tỉnh thành chủ yếu dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 1 - 15.11.

Ba Vì là huyện duy nhất tại Hà Nội được mở cửa trường. Theo đó, học sinh lớp 9 tại 30 trường của huyện đi học trực tiếp từ 8.11

đậu TIẾN ĐẠT

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho HS đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh. Trên thực tế số địa phương có thể cho toàn bộ HS đến trường học trực tiếp đã có biến động theo chiều hướng giảm nhiều từ đầu tháng 11 đến nay. Nếu như trong tháng 10 cả nước còn 23 tỉnh, thành cho 100% HS đến trường thì đến tháng 11 nhiều địa phương trong số đó đã phát sinh các ổ dịch mới, có F0 ngoài cộng đồng và trong trường học nên dù không đóng cửa trường học cả một tỉnh, thành nhưng nhiều địa bàn cấp huyện, xã đã quyết định tạm dừng cho HS đến trường.

Nhiều tỉnh, thành từ đầu năm học đến nửa cuối tháng 10 đã cho toàn bộ HS đi học trực tiếp nhưng từ đầu tháng 11 đã phải đóng cửa không ít trường học để phòng ngừa dịch bệnh, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Giang, Lai Châu, Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sơn La…

Covid-19 sáng 10.11: Cả nước 984.805 ca nhiễm, 842.800 ca khỏi | Hà Nội ghi nhận kỷ lục dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, nơi vốn có 100% trường tổ chức dạy học trực tiếp, cho hay đến nay tình hình dịch bệnh phức tạp nên tỉnh có 142 trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến, 145 trường kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, còn 77 trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Tại TP.Hải Phòng, từ sáng 8.11, HS Trường THCS Hồng Bàng và Trường tiểu học Nguyễn Huệ tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Trước đó, từ tối 7.11, Phòng GD-ĐT Q.Kiến An thông báo toàn bộ các trường học (từ mầm non đến THPT) trên địa bàn quận cho HS nghỉ ở nhà vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh Lai Châu cũng quyết định cho gần 13.000 HS tạm thời nghỉ học tập trung tại trường từ ngày 8 - 14.11 để dạy và học trực tuyến. Tại tỉnh Điện Biên, Phòng GD-ĐT H.Điện Biên cho biết toàn huyện có gần 30 HS và 1 giáo viên mắc Covid-19. Có khoảng 1.500 em trong diện F1, F2 và trong khu phong tỏa, trong đó có khoảng 700 HS thuộc diện F1. Phòng GD-ĐT H.Điện Biên đã cho hơn 25.000 HS trên toàn huyện tạm dừng đến trường từ ngày 6.11 cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Quảng Ninh, vốn được xem là địa bàn “vùng xanh” nhiều tháng qua nhưng đến đầu tháng 11 đã xuất hiện các ca bệnh và ổ dịch mới nên tỉnh này đã buộc phải cho toàn bộ HS TP.Uông Bí và HS tiểu học, THCS của 3 xã: Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Hoàng Quế (TX.Đông Triều) chuyển sang học trực tuyến; trẻ mầm non ở các địa bàn này tạm dừng đến trường.

Các tỉnh khác, dù luôn lọt vào “bảng vàng” của Bộ GD-ĐT khi cho HS đến trường từ đầu năm học và kéo dài đến cuối tháng 10, như Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai thì đến đầu tháng 11 cũng đã buộc phải cho HS ở một số địa bàn được xem là “ổ dịch” tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.

Hà Nội ghi nhận kỷ lục 222 ca Covid-19 một ngày, cao nhất trong đợt dịch thứ tư

Mỗi nơi mỗi kiểu xử lý khi có F0

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Bộ GD-ĐT ra văn bản hướng dẫn, đề nghị địa phương mở cửa trường nhưng việc triển khai hướng dẫn này tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Việc cho HS đi học trở lại ở TP.Hà Nội nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cả Bộ GD-ĐT suốt từ đầu năm học đến nay. Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã từng phải lên tiếng “thúc giục” Hà Nội cho HS ở các trường ở “vùng xanh” đến trường. Tuy nhiên, sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, quyết định rồi rút lại, đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ quyết định cho HS lớp 9 ở H.Ba Vì đến trường từ ngày 8.11. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, lý do chọn Ba Vì vì đây là huyện “vùng xanh” có công tác phòng chống dịch tốt; hầu hết các xã đang ở cấp độ 1 về dịch bệnh. UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo địa bàn cấp xã nào có F0 trong cộng đồng, dù không phải là trong trường học thì cũng chưa tổ chức dạy học trực tiếp.

Một số địa phương khác thì tỏ ra mạnh dạn, quyết liệt hơn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi xuất hiện trường hợp F0 đã thực hiện khoanh vùng hẹp; không phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng. Có nơi dù có F0 trong trường học nhưng chỉ dừng hoạt động để tiến hành truy vết, khử khuẩn trong khoảng 1 - 2 tuần, sau đó lại mở cửa trường đón HS trở lại.

Quy định ra vào trường nghiêm ngặt khi học sinh trở lại trường

đậu tiến đạt

Nên phong tỏa khu vực hẹp thay vì toàn trường

Để HS được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong cuộc họp ngày 8.11 với các sở GD-ĐT trên toàn quốc đã đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128.

Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho HS, kể cả trẻ mầm non, được đi học trực tiếp. Khi HS quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em.

Mỗi nơi có một cách làm khác nhau nên nhiều địa phương kiến nghị cơ quan chuyên môn về phòng dịch là Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 để thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Giải đáp các vấn đề này, tại cuộc họp chiều 8.11 với các sở GD-ĐT về việc mở cửa trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có vi rút chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. 105/134 quốc gia theo đó đã mở cửa trường học.

Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, ông Tuyên khẳng định có thể chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

Hơn 10.000 trường học “trắng” y tế học đường

Bộ GD-ĐT cho biết tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp; trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%. Trong khi đó, một số địa phương lại coi giáo viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin là tiêu chí mở cửa trường.

Tổ chức dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của y tế học đường là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ trưởng GD-ĐT gửi Quốc hội nêu rõ: “Hơn 10.000 trường học, bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế trường học và kinh phí chi cho công tác y tế trường học còn hạn chế, không đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền và phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.