Sớm hỗ trợ cụ thể lao động quay trở lại làm việc

Kim Lan
Kim Lan
13/02/2022 07:11 GMT+7

Nhiều gói hỗ trợ công bố đầu năm 2022 đang khiến các lao động nhập cư tại nhiều thành phố lớn cảm thấy đáng trông chờ khi quay trở lại làm việc.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ LĐ-TB-XH cho biết năm 2022 dự kiến sẽ có 5 chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN). Trong đó, gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng sẽ được dành hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm trong 3 tháng. NLĐ trở lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi. Bên cạnh đó, NLĐ sẽ được vay vốn để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng.

NLĐ trở lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền nhà ở, cho vay giải quyết việc làm. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Changshin VN (tại Đồng Nai) làm việc ngày 8.2

Lê Lâm

Mong quy trình đừng quá phức tạp

Trước những thông tin phấn khởi về các chính sách hỗ trợ mới, nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên nhận xét đây là mới thực sự là “hỗ trợ thiết thực” vì nhiều gia đình lao động nhập cư tại các thành phố lớn đều “đối diện với nỗi lo an cư vốn bấp bênh, trước khi nhìn xa hơn về giấc mơ lập nghiệp”. BĐ Minh Nghĩa nhận xét xu hướng nhiều DN hiện đang tập trung đầu tư vào các khu nhà trọ giá rẻ cho công nhân cũng chính là giải pháp cho “nỗi lo an cư” của NLĐ. “Cứ hỗ trợ thiết thực và sát sườn như vậy thì không lo NLĐ không gắn bó với DN”, BĐ Minh Nghĩa chia sẻ thêm.

Theo Tổng cục Thống kê, hết năm 2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu NLĐ trở về các tỉnh, thành do dịch Covid-19. Trong số này, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP.HCM và gần 600.000 người từ các tỉnh phía nam, hơn 676.000 người từ các địa phương khác.

Tuy nhiên, cũng có không ít BĐ lo lắng những chính sách hỗ trợ này lại... “nằm quá lâu trên giấy”. BĐ Mr Zero đặt câu hỏi: “Có chắc là sớm nhận được không, hay chờ mãi như mấy đợt trước?”. Cùng băn khoăn này, BĐ Phong Nguyễn nêu: “Trình tự xác minh, cấp tiền hỗ trợ như thế nào, có sự khác nhau gì giữa NLĐ trong KCN so với những người làm ngoài KCN cũng ở trọ? Cần phải thực hiện gấp, chứ như các đợt hỗ trợ vừa rồi, quy trình thẩm định quá phức tạp, cuối cùng cũng chẳng nhận được luôn, thành ra tiền hỗ trợ không kịp thời và không phù hợp nữa”.

Liên quan tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh thông tin: “Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ LĐ-TB-XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 15.2, chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua, về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022”.

Công nhân Công ty CP in số 7 (KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) trong ca làm việc ngày 8.2

Ngọc Dương

Lao động trên chính quê nhà

Nhiều BĐ nhận xét các gói hỗ trợ đều nhằm kéo NLĐ an tâm trở lại làm việc sau một năm xao xác vì dịch bệnh, khiến không ít NLĐ trả nhà trọ, gói ghém về quê nhà. Đề cập đến dòng chảy lao động giữa nông thôn và các thành phố lớn, BĐ Nguyễn Hoàng Lan cho rằng “đang có một nghịch lý” cần giải quyết mà các chính sách “níu chân” NLĐ chỉ giải quyết được phần ngọn. “Gần nhà tôi có vài xưởng may gia đình do các bạn từ các tỉnh lên mở, may đồ công nghiệp, xong lại đem về quê bỏ mối. Tôi cứ nghĩ các bạn này làm ăn nhỏ lẻ, tại sao họ không thể mở xưởng ở quê, vừa giúp người địa phương có việc làm ngay trên quê hương, giúp họ đỡ phải ra thành phố lớn rồi ở trong các căn trọ ọp ẹp 10 m2, làm lương cũng ít ỏi, cũng chẳng đóng bảo hiểm”, BĐ Nguyễn Hoàng Lan nêu.

Một quyết định rất được lòng NLĐ và các DN của Bộ LĐ-TB-XH.

phunghoang1060

Rất hay. Hy vọng là gói hỗ trợ đến kịp thời, đến đủ, đến đúng đối tượng được hưởng.

NPhong

Hy vọng được nhận gói hỗ trợ sớm.

Hau Nguyen

Để hồi phục thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 và giảm tỷ lệ thất nghiệp, báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách an sinh, bố trí công ăn việc làm và thu hút lại lao động thời gian tới. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các ngành nghề từ thành phố lớn về các địa phương để tạo việc làm cho NLĐ.

BĐ Nguyễn Hoàng Lan tiếp tục nêu: “Thiết nghĩ các chính quyền địa phương nên xem xét thế mạnh vùng nguyên liệu của địa phương và đối tác thương mại của vùng để hỗ trợ người địa phương tiếp cận mở các DN ngay trên chính quê nhà, chứ không phải chỉ có một lựa chọn khả dĩ là tiến về các thành phố lớn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.