Lăng kính bạn đọc

Sớm siết chặt hoạt động đấu giá đất

Trí Minh
(tổng hợp)
05/12/2024 06:05 GMT+7

Qua vụ đấu giá đất bất thường với bước giá 30 tỉ đồng/m2Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh luật, quy định liên quan để đưa hoạt động này vào kỷ cương.

Như Thanh Niên đã thông tin, tối 3.12, một lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết liên quan tới vụ trả giá 30 tỉ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, H.Sóc Sơn), cơ quan công an đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng, gồm: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân.

Theo lời khai, trước khi đấu giá, các đối tượng đã xác định mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2 sẽ có thể bán hưởng chênh lệch được nên để khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc.

Sớm siết chặt hoạt động đấu giá đất- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi đấu giá đất tại H.Sóc Sơn, Hà Nội

Ảnh: Khắc Hiếu

Cụ thể, nếu đến vòng 4 mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng, thì vào vòng 5 nhóm này sẽ đưa ra mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa. Mục đích là không cho lô đất được trúng đấu giá thành công. Với chiêu thức này, có 36/58 lô đất bị các đối tượng nói trên thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 xong bỏ không đấu nữa. Cá biệt có trường hợp của Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, ở H.Đông Anh) trả tới mức 30 tỉ đồng/m2.

Buổi đấu giá do Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Sóc Sơn tổ chức ngày 29.11, đấu giá 58 thửa đất, diện tích từ 90 - 224 m2 ở thôn Đông Lai. Giá khởi điểm gần 2,5 triệu đồng/m2, đấu giá 6 vòng bắt buộc với bước giá mỗi vòng là 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất là hơn 32 triệu đồng/m2; cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2. 36 thửa đất bị nhóm khách hàng trả giá cao bất thường. Cho rằng buổi đấu giá có thể đã bị "phá", chính quyền sở tại đề nghị cơ quan công an làm rõ mục đích của những người này.

Không thể đưa giá cao rồi bỏ

Trước khi công an bắt khẩn cấp 5 người liên quan vụ việc, nhiều bạn đọc (BĐ) bình luận mức giá 30 tỉ đồng/m2 là quá bất thường, phi lý. BĐ Tran Quang đặt câu hỏi: "30 tỉ đồng cho 1 m2 đất, như vậy một lô đất sẽ có giá hàng ngàn tỉ đồng? Tin được không?".

BĐ sZmed quyết liệt: "Để xác định hành động này có phải là phá rối hay không rất dễ. Cơ quan chức năng chỉ cần yêu cầu anh ta chứng minh năng lực tài chính để mua 3 lô đất với giá 30 tỉ đồng/m2. Nếu anh ta không đủ khả năng tài chính (kể cả nguồn thế chấp vay nợ) thì đích thị đây là hành vi phá rối. Không thể chấp nhận hành vi coi thường kỷ cương phép nước muốn làm gì thì làm, gây bức xúc dư luận xã hội".

"Không thể trả giá cao bất thường rồi bỏ cuộc. Cần làm rõ vụ này, có hướng xử lý, để những lần sau không tái diễn việc tương tự nữa", BĐ Diệp Tử Nhi đề xuất.

Quy định chặt chẽ để công bằng

Theo BĐ, thực trạng phá giá, có dấu hiệu tiêu cực trong các phiên đấu giá hiện nay không hiếm. Cho rằng "tình trạng này lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương", BĐ Trường Sơn Nguyễn nêu kiến nghị: "Cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc để xử lý những trường hợp này. Cũng nên rút kinh nghiệm, cần có những biện pháp khắt khe, ràng buộc rõ ràng hơn đối với người tham gia đấu giá. Tránh việc lợi dụng đấu giá để trục lợi cá nhân, phá hoại lợi ích nhà nước, lợi ích của người dân".

Nhiều BĐ nêu ý kiến cần có quy định chặt chẽ trong khâu tổ chức đấu giá, như BĐ 24847: "Lẽ ra trước phiên đấu giá, ngoài phí tham dự, nên yêu cầu người tham gia chứng minh số dư trên tài khoản để hạn chế được những vấn đề như thế này".

Bên cạnh đó, BĐ đề nghị bổ sung, điều chỉnh luật Đấu giá cho phù hợp thực tế. BĐ Light Moon phân tích: "Luật Đấu giá nên bổ sung, điều chỉnh càng sớm càng tốt. Đối tượng đấu giá phải có tài sản đảm bảo quy ra tiền để làm trần bước giá cho cá nhân đó. Vượt trần đấu giá thì nạp thêm tài sản đảm bảo. Trúng đấu giá mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính với sản phẩm đấu giá thì bị tịch thu tài sản đảm bảo, đồng thời hủy kết quả để đấu giá lại như giá khởi điểm. Lấy giá trị cao nhất của phiên đấu giá làm kết quả nếu không ai tham gia trong vòng bổ sung. Vậy thì mới đảm bảo ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi phiên đấu giá đó".

"Đã có nhiều bức xúc về chuyện tiêu cực trong những phiên đấu giá kiểu này rồi. Bây giờ xảy ra việc vô lý với bước giá mấy chục tỉ đồng cho một mét vuông đất, cũng là dịp để cùng xem xét lại thực tế này. Cần đưa ra luật chơi không có kẽ hở để bị lách, người tham gia phải có số vốn nhất định chứ không phải thích thì đấu, thắng thì phải trả tiền chứ không phải chấp nhận bỏ cọc rồi bỏ chạy. Vậy thì mới công bằng được".

Cần xác minh tài sản người tham gia đấu giá, nếu không đáp ứng được thì cần có biện pháp mạnh tay xử lý. Không để tình trạng này tiếp tục diễn ra, sẽ làm khổ những người có nhu cầu thật.

SnA

Cần sửa lại luật Đấu giá ngay và luôn. Cứ sau khi đấu giá thành công, quyết định ký phải đóng 50% giá trúng thầu.

Chuyển Lê Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.