Sống ảo, hậu quả thật

28/07/2022 04:25 GMT+7

Nhảy múa trước đầu máy bay đang lăn vào sân đỗ để quay clip; ngồi lên băng chuyền hành lý quay tiktok; cài điện thoại ở cửa sổ ghi hình bên ngoài...

Những trò lố bịch, gây phản cảm và mất an ninh hàng không đang có xu hướng gia tăng.

Trước những hành vi này, Cục Hàng không đã ban hành chỉ thị tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an toàn - an ninh hàng không, đặc biệt trong cao điểm đi lại hè 2022. Theo đó, các trường hợp hành khách vi phạm an ninh hàng không, vi phạm khu vực hạn chế để quay clip đưa lên mạng xã hội nhằm “câu view” có thể bị xem xét xử phạt hành chính, thậm chí cấm bay.

Những vụ việc mới kể trên chưa có án phạt cụ thể vì còn xác minh, làm rõ nhưng nếu chế tài không đủ mạnh, ví dụ như chỉ phạt hành chính bằng tiền thì chắc chắn rất khó để răn đe. Trong khi những hành vi này, trên thực tế không chỉ gây mất an toàn, an ninh hàng không mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh, bộ mặt quốc gia.

Chúng ta đều biết sân bay là cửa ngõ của đất nước. Du khách trong và ngoài nước muốn đến VN hay bất cứ địa phương nào thì nơi họ tiếp xúc đầu tiên chính là sân bay. Ấn tượng đầu tiên của họ về đất nước, con người, dịch vụ, văn hóa... chính là ở các cảng hàng không. Trong bối cảnh chúng ta đang mở cửa đón khách quốc tế, thúc đẩy du lịch và hàng không phục hồi sau hơn 2 năm đóng cửa chống dịch thì việc tạo ấn tượng đẹp ngay khi họ vừa đặt chân tới càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là lý do lãnh đạo chính quyền một số tỉnh, thành còn ra tận sân bay đón khách quốc tế, tặng quà, tặng hoa... Vậy họ sẽ nghĩ thế nào khi thấy hình ảnh một cô gái ngồi hớ hênh trên băng chuyền hành lý hay nhảy múa trước đầu máy bay đang lăn vào bãi đỗ? Phải đặt trong bối cảnh Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cả nước đang nỗ lực tột bậc để phục hồi kinh tế mới thấy hết hậu quả nghiêm trọng của những hành vi nói trên.

Không chỉ sống ảo, còn rất nhiều vấn đề ở nơi “cửa ngõ” của đất nước. Tình trạng chậm trễ chuyến liên tục, bát nháo taxi... được phản ánh rất nhiều nhưng chưa có giải pháp, thậm chí còn gia tăng trong thời gian gần đây. Ùn ứ trên trời, dưới đất... kéo dài suốt năm này qua năm khác chưa được giải quyết thì lại phát sinh nạn sống ảo ở sân bay. Nó cho thấy, vấn đề điều hành, quản lý chính sách đang chạy theo thực tế thay vì mở lối cho phát triển. Tất nhiên, có những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ví dụ quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang chờ sự giải cứu từ dự án nhà ga T3 và sân bay Long Thành. Nhưng hành vi sống ảo gây mất an toàn hàng không hay bát nháo taxi... cần phải được giải quyết nghiêm túc, rốt ráo, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tái diễn.

Được đánh giá là một trong những quốc gia mở cửa thông thoáng nhất trong vấn đề thủ tục liên quan đến dịch tễ, VN đang đứng trước cơ hội lớn để bứt tốc về du lịch, hàng không sau thời gian dài đóng cửa phòng chống dịch. Thế nên đừng để hành vi thiếu ý thức của một số nhỏ người gây ảnh hưởng tới cả một chương trình lớn của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.