Sống căng thẳng càng cần B12

09/12/2011 10:35 GMT+7

Hao mòn là nét nổi bật của tuổi già. Cơ thể người cao tuổi vì thế khó tránh thiếu nước, đạm, sinh tố, khoáng tố…

Hao mòn là nét nổi bật của tuổi già. Cơ thể người cao tuổi vì thế khó tránh thiếu nước, đạm, sinh tố, khoáng tố…

Theo bản tin còn nóng hổi của tạp chí Natur & Medizin ở CHLB Đức, khiếm khuyết B12 là tình trạng đáng nói ở người bước qua tuổi 60 vì cứ 3 người thì một phải lãnh hậu quả nghiêm trọng do thiếu sinh tố này. Tình trạng này càng nhanh chân hơn nữa, nghĩa là xuất hiện thậm chí ở người trẻ hơn nhiều, trong trường hợp ăn chay trường vì sinh tố B12 thường phải được cung cấp qua thịt cá.

Sinh tố B12 không chỉ quan trọng vì góp phần trong tiến trình tạo mới hồng huyết cầu. Sinh tố này cần thiết cho cấu trúc khỏe mạnh của tế bào và là chất bảo vệ cấu trúc của dây thần kinh. Thiếu B12, vì thế, là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng hệ thần kinh, từ đau nhức cho đến phân liệt cá tính. Quan trọng không kém nữa là tác động trên chức năng tư duy do vai trò ổn định dẫn truyền thần kinh của B12. Đi xa hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tác dụng thoái hóa homocystein, chất dẫn đường cho tình trạng thuyên tắc mạch vành, của B12. Nói cách khác, người có cuộc sống căng thẳng rất cần sinh tố này nếu muốn không sớm lên xe cấp cứu vì nhồi máu cơ tim.

Éo le là cho dù ăn uống đầy đủ thì cơ thể vẫn có thể thiếu sinh tố B12. Lý do là vì khả năng dung nạp B12 ở ruột non chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Chế độ dinh dưỡng thiếu thịt, cá và mặt khác, nếu lượng mỡ trong khẩu phần quá cao thì B12 lại không được hấp thu! Bên cạnh đó, tiến độ thu nhập B12 tùy thuộc vào lượng dịch tiêu hóa trong dạ dày và ruột non. Càng thiếu chất chua, càng thiếu mật, như trường hợp người cao tuổi thì sinh tố B12 trong thực phẩm càng khó vượt qua màng ruột để ở lại với cơ thể. Tình trạng này hầu như khó tránh khi có bệnh viêm dạ dày hay viêm ruột mãn tính, nghiện rượu, dùng thuốc chữa viêm loét dạ dày loại Ranitidine hay Omeprazole quá lâu, ăn chay trường nhưng đơn điệu, viêm tụy ở người đái tháo đường…

Thiếu B12 không xuất hiện trong ngày một ngày hai. Bệnh thường được báo động trước đó qua triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi, hồi hộp, da tái, dễ bội nhiễm, chóng mặt khi đang đi, ù tai, tê tay chân, mất khả năng tập trung, trầm cảm, rối loạn thị lực… Đáng tiếc hơn nữa là bệnh không khó chữa nếu được phát hiện sớm. Bên cạnh đó, vì khả năng dung nạp B12 có giới hạn nên đừng tưởng ăn càng nhiều càng ít thiếu B12. Trái lại, nhiều bữa ăn nhỏ nhưng đa dạng chính là phương án đơn giản để phòng ngừa thiếu B12 cho người cao tuổi.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.