Sống chung với dịch: 'Giải vây' cho xây dựng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Lê Quân
Lê Quân
12/09/2021 09:10 GMT+7

Mở cửa dần hoạt động xây dựng kết hợp với các giải pháp an toàn để vừa chống dịch vừa sản xuất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được cho là chìa khoá quan trọng để đẩy mạnh hồi phục kinh tế sau dịch.

Doanh nghiệp xây dựng chất chồng khó khăn

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VCCA), cho biết đã nhiều lần “kêu cứu” vì khó khăn của ngành xây dựng do dịch Covid-19.
Đơn cử, việc duy trì hoạt động xây dựng tại các dự án công trình trong điều kiện một số tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; quy định về trường hợp bất khả kháng đối với dự án, công trình xây dựng đang triển khai thực hiện trong thời kỳ xảy ra dịch Covid-19; việc cấp giấy phép vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công xây dựng tại các địa phương nơi có quy định hạn chế phương tiện tham gia giao thông theo yêu cầu về phòng chống dịch; vấn đề tổ chức tiêm chủng cho lao động xây dựng tại công trường; vem xét việc miễn giảm, hoãn nộp bảo hiểm xã hội đối với lao động ngành xây dựng, đặc biệt là với các lao động thời vụ tham gia hoạt động xây dựng…
Theo ông Hiệp, hiện nay luật Dân sự 2015 cũng như luật Xây dựng sửa đổi 2020 không đưa ra bất kỳ quy định nào về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu liên quan tới đại dịch. Doanh nghiệp (DN) phải dừng thi công theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không có quy định cụ thể khẳng định đây là trường hợp bất khả kháng. Điều này dẫn tới khi thanh quyết toán hợp đồng, nhiều DN xây dựng có thể phải đối mặt với rất nhiều khúc mắc, tranh chấp phát sinh liên quan tới chậm tiến độ, phát sinh chi phí liên quan tới chậm tiến độ…
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp quy định được sửa đổi, bổ sung và dịch bệnh được ghi nhận là trường hợp bất khả kháng, DN có được quyền hồi tố hay không cũng là vấn đề.

DN ngành xây dựng khó khăn chồng chất nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ riêng

Lê Quân

Không chỉ ảnh hưởng bởi Covid-19 và giãn cách xã hội, giá nguyên vật liệu tăng cao cũng tác động đến tiến độ hoàn thiện các công trình. Theo ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, việc giãn cách xã hội khiến tiếp cận vật liệu rất khó, dẫn đến giá tăng. Trong bối cảnh ít công trình, nhà thầu phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, không ít đơn vị đã phải phá giá để có công trình, không thực hiện được dự án đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Công ty 319, cho biết với giá nguyên vật liệu tăng như hiện nay thì làm sẽ lỗ. Tổng công ty 319 là đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Nhà thầu gặp khó khăn do hợp đồng trọn gói, không thể điều chỉnh tăng, ông Khiêm bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp để hỗ trợ DN.
Ngoài công trình đầu tư công, các công trình xây dựng dân dụng tại địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, cho biết nếu thời gian giãn cách kéo dài thì nhiều DN, gồm cả doanh nghệp lớn, vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể chịu đựng được.

Nhà thầu nhỏ, thầu phụ gặp nhiều khó khăn hơn là DN thầu lớn

Lê Quân

Cũng đồng thời là Chủ tịch một DN xây dựng lớn, ông Hải cho hay thời gian qua, nhà thầu lớn như ông vẫn có đủ nguồn để trang trải cho công nhân, nhưng những nhà thầu phụ, đơn vị nhỏ hơn thì chắc chắn khó khăn hơn nhiều. Còn nếu công trình phải ngưng lại thì không chỉ các DN, chính những người lao động trong các công trình này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Hải, nếu sản xuất tiếp tục ngưng trệ thì hậu quả đổi với DN xây dựng sẽ khó lường.

Làm sao tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng ?

Giải pháp căn cơ nhất, theo ông Hải là nhanh chóng tiêm vắc xin và có những giải pháp để các công trình xây dựng dần được tiếp tục triển khai. Việc phân nhóm đối tượng tiêm vắc xin là cực cần thiết. Nếu lao động tiêm đủ vắc xin, tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch, công nhân có xét nghiệm âm tính thì DN nên được xem xét để tiếp tục hoạt động xây dựng. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng ngưng nghỉ như hiện nay, DN sẽ gặp khó khăn rất lớn, tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Còn theo ông Hiệp, dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài nên cần có phương án sống chung với bệnh dịch. Thay vì đóng cửa để chống dịch thì phải vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.

Dịch Covid-19 ở mỗi địa phương không giống nhau, cần áp dụng biện pháp chống dịch khác nhau để duy trì phát triển kinh tế song song

Lê Quân

Đồng thời, chống dịch không nên làm đồng loạt như nhau vì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh là không giống nhau, có tỉnh nặng, có tỉnh nhẹ. Các tỉnh không nên áp dụng biện pháp chống dịch máy móc, đồng loạt.
Chẳng hạn, như TP.Hà Nội, trong số 20 quận huyện chỉ có 13 quận huyện có ca F0, 7 quận huyện không có ca nào nhưng vẫn áp dụng theo chính sách chung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế chung của cả thành phố. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể tránh thiệt hại kinh tế không đáng có.
“Hiện nay, chúng ta có khoảng 40.000 - 50.000 DN xây dựng. Trong đó, số DN có vốn trên 30 tỉ đồng chiếm 15 - 20%, còn lại 80% DN có vốn dưới 30 tỉ đồng. Sức chống chịu của DN xây dựng rất kém, nên họ chỉ có thể chịu đựng được các biện pháp chống dịch trong quãng thời gian ngắn, nếu kéo dài vài tháng DN sẽ không thể trụ được. Phải có quy chế hướng dẫn cụ thể những DN, dự án nào được làm, DN, dự án nào không được làm. Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn nhưng những quy định này chưa thành quy định mang tính chất điều hành cho nên mỗi nơi áp dụng một kiểu”, ông Hiệp nêu ý kiến.

Cần "giải vây" cho DN xây dựng để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế

 Lê Quân

Cũng theo ông Hiệp, các công trình xây dựng chiếm đến 90% GDP quốc gia, mà dự án không thể thực hiện được thì rất gay go. Nhiều tỉnh thành cho dừng thực hiện các dự án, trong khi dịch bệnh chưa ảnh hưởng. Việc áp dụng các biện pháp phòng thân như vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích toàn quốc gia nên phải có chủ trương thống nhất. Khi mở rộng hoạt động xây dựng thì cần kết hợp vừa làm vừa khoanh vùng xanh nhằm đảm bảo an toàn.
Chủ tịch VACC kiến nghị, với những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng thoáng, không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm vẫn được cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).
Nói về lực lượng lao động ngành xây dựng, ông Hiệp cho biết là có đặc thù riêng, chủ yếu là lao động thời vụ (chiếm 70 - 75% tổng số lao động), và các công trình xây dựng nhận thầu không có đăng ký thường trú, tạm trú với địa phương. Do đó, lực lượng lao động này không có trong danh sách được tiêm chủng, dẫn tới việc tiêm chủng rất chậm trễ và khó khăn. VACC mong muốn Chính phủ sớm xem xét chính sách ưu tiên cho nhóm lao động này.

Giải ngân chậm, kỷ luật người đứng đầu

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, hết tháng 8.2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức giải ngân này giảm so với con số 46,41% của cùng kỳ năm 2020.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã ban hành Chỉ thị 01 “thúc” nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó có việc chủ đầu tư cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng để đến 31.12.2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn của năm nay.
Tư lệnh ngành xây dựng yêu cầu đẩy nhanh thực hiện dự án. Các công trình chưa khởi công thì nhanh chóng thực hiện đấu thầu, sớm khởi công và đảm bảo tiến độ thi công. Đẩy nhanh thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Với dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, Bộ Xây dựng sẽ kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật người đứng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.