Thực tế, kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines vào năm 2016, hợp tác an ninh giữa Washington với Manila có nhiều chuyển biến xấu đi, hoàn toàn trái ngược với giai đoạn người tiền nhiệm. Dưới thời ông Duterte, Manila đưa ra một số cáo buộc tiêu cực đối với vai trò của Mỹ trong lịch sử Philippines, thì Washington chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte là vi phạm nhân quyền. Ông Duterte đã cố gắng đạt được các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc và Nga, chứ không phải Mỹ.
Tuy nhiên, việc quan hệ Mỹ - Philippines xấu đi trong những năm qua không chỉ do chính sách của Tổng thống Duterte. Đặc biệt là mới đây, Taliban đã nhanh chóng kiểm soát Afghanistan sau khi Mỹ triệt thoái, càng khiến cho nhiều đối tác nghi ngờ về các cam kết của Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ngược về quá khứ, khi ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ, nước này từng thể hiện sự thiếu quyết đoán trước vấn đề Syria và một số nơi khác đã khiến vị thế an ninh của Mỹ suy giảm. Giai đoạn đó, ông Biden chính là Phó tổng thống Mỹ. Cho nên, một lần nữa, nhiều đối tác lo ngại về sự cam kết và quyết đoán của Mỹ.
Mặc dù vậy, về lâu dài thì khó có chuyện Philippines cắt bỏ hợp tác an ninh với Mỹ, bởi năng lực quân sự của Manila phụ thuộc rất nhiều vào Washington. Hiện tại, sức mạnh quân sự của Philippines quá yếu kém trước các thách thức then chốt, điển hình như trước Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát Biển Đông. Chính vì thế, Philippines cần Mỹ về lâu dài.
Bình luận (0)