Sống lại Nhà Kèn thành phố hoa phượng đỏ

01/01/2014 15:35 GMT+7

(TNO) Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng sống lại với những buổi biểu diễn nghệ thuật tối thứ Bảy hàng tuần, không chỉ có kèn đồng mà còn hội tụ đủ múa rối, hát cải lương, chèo, kịch và nhảy hiện đại...

(TNO) Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng sống lại với những buổi biểu diễn nghệ thuật tối thứ Bảy hàng tuần, không chỉ có kèn đồng mà còn hội tụ đủ múa rối, hát cải lương, chèo, kịch và nhảy hiện đại...

>> Hòa nhạc giao hưởng cuối năm
>> Trẻ hóa' nhạc đỏ
>> m nhạc đường phố trở lại
>> Huế có thêm chương trình âm nhạc đường phố
>> Ra mắt chương trình âm nhạc đường phố "Tôi yêu sự chia sẻ" tại Huế
>> Nếm Hải Phòng' trong lòng Hà Nội

Một bình trà loại cầm tay, một chiếc máy ảnh du lịch, ông Hùng, 74 tuổi, nhà ở phố Lý Tự Trọng chọn cho mình một chiếc ghế ngay hàng đầu tiên trước sân khấu Nhà Kèn khi kim đồng hồ mới chỉ hơn 19 giờ một chút.

Trước mặt ông, âm thanh, ánh sáng đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng chuẩn bị cho vở cải lương Lấy chồng ngoại quốc của đoàn cải lương TP.Hải Phòng.

20 giờ, tất cả các ghế ngồi đã kín. Những chiếc bàn trông ra Nhà Kèn của quán cà phê trên cao cũng kín chỗ. Ấy là lúc các nghệ sĩ bước ra, cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt.

Nhà Kèn sống trong tâm trí ông Hùng từ câu chuyện của người cha thủa sinh thời.

“Cha tôi hay nói đến những buổi diễn kèn đồng mỗi sáng thứ Bảy tại Nhà Kèn. Đây cũng là nơi biểu diễn nhạc không lời cuối tuần, khoảng những năm 1930. Có dịp, ở đây được đón chào nhiều nhạc sĩ tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam, như nhóm Đồng Vọng có Văn Cao, Hoàng Quý cùng các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn..”, ông Hùng trầm ngâm.

nhà kèn hải phòng
Hòa nhạc ở Nhà Kèn - Ảnh: Như Minh

Tâm khảm ông Hùng còn nhớ mãi buổi diễn văn nghệ mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30.4 năm 1975 ở giữa Nhà Kèn.

Một hội trại do các doanh nghiệp, đơn vị dựng lên chào mừng thống nhất đất nước, trong đó, mỗi trại đề tên của các tỉnh, thành phố. Lớn nhất là trại mang tên Hải Phòng, Đà Nẵng, Gò Công, Sài Gòn - Gia Định…

Khu vực Nhà Kèn và các trại được bố trí cờ hoa, tổ chức liên hoan ca nhạc, biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng nhân dân với những chiếc loa to, phát âm thanh vang vọng, hùng tráng.

Không phải là người yêu thích cải lương, nhưng tối thứ Bảy đó, bà Nguyễn Thị Mão, 65 tuổi, sống ở phố Trần Hưng Đạo cũng là một trong những người đến Nhà Kèn đầu tiên và nán lại đến phút cuối.

Xem văn nghệ, nhưng tâm trí bà Mão đang hồi tưởng lại những năm 1970, đất nước còn khó khăn.

“Vào mùa hè, thanh thiếu niên ngồi kín Nhà Kèn tập chơi đàn ac-coóc-đê-ông. Cuộc sống khó khăn, thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày lễ tết, Nhà Kèn là điểm giải trí vào hạng sang của thành phố. Xung quanh Nhà Kèn là xe chụp ảnh dạo, quầy bán đồ chơi cho trẻ em như bóng bay, chong chóng giấy màu, chuồn chuồn giấy. Tôi cảm giác, ngày đó chỉ như mới hôm qua”, bà Mão bồi hồi.

Nhà Kèn đã in sâu trong tâm khảm mỗi cư dân thành phố hoa phượng đỏ, giản dị, thân quen như thế.

Có người cả cuộc đời chứng kiến đầy đủ những thời khắc Nhà Kèn được dựng lên từ năm 1928, phá đi rồi xây lại những năm 1960, và sau này, hòa bình lập lại, là nơi sẻ chia những khoảnh khắc mừng vui, hạnh phúc.

 

Nhà Kèn thành phố Hải Phòng được xây dựng năm 1928, có khung sắt, mái lợp tôn, lan can bằng gang, cùng thời gian với Nhà Kèn của Hà Nội.

Năm 1960, Nhà Kèn này bị phá đi để mở rộng khu vực quảng trường Nhà hát thành phố. Năm 1965, thành phố cho xây lại Nhà Kèn với quy mô to lớn hơn tại vườn hoa Nguyễn Du như ngày nay.

Ngay từ khi hoàn thành, Nhà Kèn của Hải Phòng đã nổi tiếng, được xếp hạng vào một trong mười kiến trúc “bát quái” nổi danh nhất đất Việt, cùng với Lầu Bát Giác trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với chùa Láng, Bảo tàng quân sự Việt Nam (Hà Nội), với chùa Thiên Mụ (Huế), Tháp nước (Phan Thiết) …

Với mong muốn phục dựng lại không gian Nhà Kèn, đề án Khôi phục tổ chức hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Kèn trong vườn hoa Nguyễn Du vừa được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng trình lên UBND thành phố.

Trong năm 2012, một số chương trình nghệ thuật đã bắt đầu được biểu diễn thường xuyên lại tại Nhà Kèn.

Từ tháng 11.2013, các chương trình nghệ thuật tối thứ Bảy được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức đều đặn tại đây.

Hiện tại, ban tổ chức đã xếp được lịch biểu diễn chèo, tuồng, cải lương, múa rối... tại Nhà Kèn cho tới hết tháng 3.2013, phục vụ nhân dân.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng cho biết đề án Khôi phục Nhà Kèn nếu được chấp thuận sẽ tạo điều kiện làm mới không gian văn hóa Hải Phòng, kích cầu du lịch cho thành phố hoa phượng đỏ.

Điều đáng chú ý là 100% nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại Nhà Kèn đều là người Hải Phòng, đến từ những đoàn ca múa nhạc, cải lương, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật hoặc các ban nhạc, nhóm nhảy, hội phụ nữ, hội người cao tuổi... không thù lao hoặc mức thù lao rất khiêm tốn.

Ông Tuấn Anh cho hay, ban tổ chức sẽ duyệt chương trình trước, xếp lịch để các chương trình hay đều đến được với nhân dân miễn phí, để Nhà Kèn thực sự trở thành một sân khấu chung của nhân dân.

Những hình ảnh dưới đây được ghi tại một đêm biểu diễn nhạc không lời của đoàn ca múa nhạc Hải Phòng tại Nhà Kèn một tối thứ Bảy gần đây.

nhà kèn hải phòng
Nghệ sĩ kèn Saxophone - Ảnh: Như Minh

nhà kèn hải phòng
Nữ nghệ sĩ cống hiến cho đêm nhạc - Ảnh: Như Minh

nhà kèn hải phòng
Tiếng Violin réo rắt - Ảnh: Như Minh

nhà kèn hải phòng
Nghệ sĩ Guitar - Ảnh: Như Minh

nhà kèn hải phòng
Trong không gian mở của Nhà Kèn, khán giả có thể đứng xung quanh và thưởng thức nghệ thuật - Ảnh: Như Minh

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.