Sông Lam - một mối tình thơ

05/09/2020 06:10 GMT+7

Nếu muốn gặp thượng nguồn của một dòng sông, hãy lên núi cao, muốn biết sông đổ về đâu, hãy đến nơi gặp gỡ hải hà.

Nhiều năm trước tôi quyết định đặt mục tiêu lớn cho những chuyến đi của mình là đến được cửa biển của những dòng sông chảy dài trên đất Việt. Nhưng một duyên may lạ lùng, trong một chuyến đi, tôi đã gặp nơi bắt đầu của sông Lam, con sông huyền thoại của miền Trung nắng lửa.
Tôi mê dòng Lam từ khi còn nhỏ, qua những bài hát được phát sóng trên đài, những bài thơ trên báo, những truyện ngắn, ký sự trong sách, nhưng chưa một lần được chạm tay vào dòng nước sông Lam. Có lần, trong chuyến đi thực tế miền Trung hồi năm nhất đại học, chiếc xe chở chúng tôi chạy trên một cây cầu, dưới chân cầu là một dòng sông rộng lớn mênh mang chảy. Một cách tự nhiên, chúng tôi hỏi nhau đó là con sông nào vậy. “Sông Lam đó” - Bác tài xế đáp. Tất cả chúng tôi đều ồ lên, cùng vẫy tay chào dòng sông thân quen trong ký ức.
Tôi chạy xe máy từ Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh đến Nghệ An một ngày đầu tháng 5.2016. Hồi đó tôi chưa có thói quen xem bản đồ vệ tinh, nên thấy bên đường, ngoài những triền núi là những bãi soi ngô đậu bời bời mà không biết rằng đó chính là đôi bờ sông Lam, và phía xa kia, dòng sông tôi yêu mến đang lặng thầm chảy về đông.
Chạy xe một chặng dài, đến địa phận Con Cuông, trời đã về chiều và nắng gay gắt, tôi dừng lại đợi bạn ra đón ở một khúc đường được che mát bởi một ngọn núi đá nhỏ. Bạn tôi nói Con Cuông là nơi mà mùa hè có những ngày nhiệt độ lên cao nhất trên cả nước. Bên đường là một dòng sông có vẻ cạn, lòng sông nổi lên những tảng đá khổng lồ. Khá đông người trẻ tuổi đang chụp ảnh ở đó.
“Sông nào đây em?” - Tôi hỏi một cô gái trẻ.
“Sông Lam đó chị” - Cô gái trả lời.
Giống như người dấu yêu hò hẹn qua những bức thư tình, nay bất ngờ gặp mặt, dòng sông đem đến cho tôi cảm giác ngỡ ngàng, hồi hộp và luyến lưu lạ thường. Tôi đứng bên vệ đường say sưa ngắm dòng sông rất lâu, hồi tưởng về những gì tôi đã được biết về nó qua sách báo, qua lời kể của cô gái Nghệ An đã rất nhiều lần đứng ngắm hoàng hôn buông xuống sông Lam, mà thấy vẻ đẹp của nó biến ảo không một lần nào giống với lần trước đó.
Nhà bạn ở bản Đình, xã Chi Khê của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nếu nhìn trên bản đồ vệ tinh, tôi có thể thấy rõ bản làng của bạn được chia ô vuông như một cái bàn cờ. Từ bản Đình, bạn đưa tôi đi dọc theo quốc lộ 7 để lên Kỳ Sơn, vào thăm cổng trời Mường Lống, Mai Sơn với hứa hẹn về một vùng núi non hùng vĩ và đẹp lộng lẫy hơn cả những tưởng tượng của tôi về nó qua lời bạn kể.
Ở Tương Dương, khi đến Cửa Rào, thấy một cây cầu sắt, bạn nói đây là nơi bắt đầu của sông Lam.
Điều này mới thực sự gây bất ngờ cho tôi. Nó hoàn toàn không được báo trước, không nằm trong kế hoạch. Và, không giống như tôi hình dung về khởi nguồn của một dòng sông, là một con suối nhỏ chảy ra từ một dãy núi cao nào đó. Khởi đầu của sông Lam là nơi hội tụ của hai dòng sông khác. Chính nơi đây, hai dòng sông, một là Nậm Mô (có tài liệu ghi là Nậm Mộ) từ nước bạn Lào chảy về, nước đục ngầu do thượng nguồn đang mưa, một là dòng Nậm Nơn, hay còn gọi là Ngàn Cả, phụ lưu hợp thành quan trọng nhất của sông Lam, nước trong xanh ngằn ngặt.
Dòng Nậm Mô nương theo đường 7, hay chính xác phải là quốc lộ 7 nương theo dòng Nậm Mô. Khi đó, hầu hết các con sông ở miền Tây Nghệ An đều cạn nước. Dòng Nậm Mô phơi trong lòng nó bạt ngàn sỏi đá. Nhưng nhìn cái cách cỏ cây hai bên bờ nhường chỗ cho dòng sông, có thể hình dung dòng chảy trở nên mạnh mẽ, hung dữ như thế nào vào những khi nước lớn. Nậm Nơn bị chặn dòng chảy để làm thủy điện, mực nước dâng cao chất ngất đôi bờ, và khi nước rút, nó để lộ hai bên bờ phù sa trù phú, người dân ven bờ tranh thủ gieo ngô đậu trước khi mực nước lên trở lại.
Chao ôi, tôi thật lòng yêu cái cảm giác đi bên hai dòng sông với những bản làng nhỏ bé bình yên nép trong sương sớm sương chiều biên giới Nghệ An. Trước khi đổ về biển cả ở Cửa Hội, sông Lam đã bắt đầu như thế. Cũng giống như bao dòng sông khác, lặng lẽ khởi nguồn từ một khe suối nhỏ chốn rừng sâu, rồi xâu sợi chỉ văn hóa của nó dọc dài những chặng đường đã qua, biến cô sơn nữ dịu dàng thành một thiếu phụ đài các chốn thị thành. Dù mang một vẻ đẹp bí ẩn và tính cách thất thường, sông Lam vẫn lấp lánh trong trái tim khách lữ hành: “Lang thang đi bốn phương trời/Nay về sông quê tắm mát/Sông Lam biết khi mô cho cạn/Đục trong, đục trong nhục vinh hỡi người…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.