Sông Mã chực 'nuốt' nhà dân, chính quyền vẫn bảo 'không đáng lo'!

25/03/2020 08:00 GMT+7

Hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã bị cuốn trôi vì bờ sông Mã sạt lở nghiêm trọng và đang từng ngày tiến sát vào nhà dân.

Trong khi người dân như ngồi trên đống lửa, lãnh đạo địa phương này vẫn cho rằng “không đáng lo”.

Sạt lở cách nhà dân chừng… 20 m

Gần đây, hàng chục người dân ở xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã cùng nhau viết đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí, trong đơn cho rằng tác động của con người đã làm bờ sông Mã (đoạn chảy qua xã Cẩm Vân) sạt lở nghiêm trọng, cướp đi hàng chục ha đất nông nghiệp và đang đe dọa tài sản, tính mạng người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, bãi bồi sông Mã phía xã Cẩm Vân có chiều dài khoảng 9 km (kéo dài qua 8 thôn của xã này). Men theo bờ sông, đâu đâu cũng thấy tình trạng sạt lở đất nông nghiệp. Trên những thửa ruộng trồng ngô gần mép sông, những vết nứt đang xuất hiện, nhiều thửa ruộng như chực ập xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Người dân địa phương cho biết, khoảng 30 năm qua, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp và hơn 20 nhà dân sống gần mép sông đã bị cuốn trôi. Nhiều gia đình chỉ sau 1 đêm đã không còn đất sản xuất. Nghiêm trọng hơn, hiện có những đoạn sạt lở đã tiến sát vào nhà dân, chỉ còn cách chừng 20 m.
Ông Lê Xuân Bào (74 tuổi, ở thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân) cho biết, khu vườn phía trước nhà ông ở có hơn 3 sào (500 m2/sào) đất do gia đình canh tác, nhưng đến nay đã bị sông Mã cuốn trôi khoảng 2 sào. Nghiêm trọng hơn, sạt lở đang dần lấn sâu, và chỉ còn cách nhà ông chưa đầy 20 m, khiến cả gia đình như “ngồi trên đống lửa”. “Con rể tôi cứ khuyên nên chuyển đi nơi khác để ở, vì lo lắng sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Vợ chồng tôi thì đang chần chừ, chưa quyết định. Trước đây, sông Mã chỉ sạt lở bên bờ đối diện (phía xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy - PV), nhưng từ năm 1990 đến nay, dòng chảy thay đổi, ăn sâu vào phía bờ sông bên xã Cẩm Vân. Trước khu vực nhà tôi, xưa còn có nhiều diện tích đất nông nghiệp, và nhiều hộ dân sinh sống, nhưng sau đó sông sạt lở, cuốn trôi hơn 20 nhà dân khiến họ phải sơ tán đi nơi khác”, ông Bào nói.
Cách nhà ông Bào không xa, nhà bà Trần Thị Hồng (61 tuổi, ở thôn Vân Quan, xã Cẩm Vân) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gia đình bà Hồng không chỉ mất đất vườn, mà mất cả chuồng trâu. Nay vệt sạt lở đã sát vào nhà, chỉ còn cách khoảng 20 m. “Gia đình tôi đến dựng nhà ở đây từ năm 1990. Ngày đó, phía ngoài (phía hướng ra sông Mã - PV) còn cả khu đất rộng nên tôi cho dựng chuồng trâu ở đó. Sau đó, năm nào cũng sạt lở, cuốn trôi cả chuồng trâu và nhiều diện tích đất vườn. Giờ nhà chỉ còn cách mép sông khoảng 20 m, mà sạt lở vẫn đang tiếp tục. Đến mùa mưa bão, cứ khi nào nghe đài báo có mưa bão lớn, cả nhà tôi lại khăn gói đi ở nhờ, vì sợ nhà bị cuốn trôi”, bà Hồng lo lắng phản ánh.

Tình hình “vẫn ổn” và “không đáng lo”?

Nhiều người dân xã Cẩm Vân cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông Mã, như: do thay đổi dòng chảy, do khai thác cát quá mức, thiên tai lũ lụt… Từ năm 2017 - 2019, UBND xã Cẩm Vân đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không tiếp tục cho khai thác 3 mỏ cát (số 45, 46 và 47) trên địa bàn xã này để hạn chế tình trạng sạt lở, tránh làm thay đổi dòng chảy. Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở TN-MT, Sở NN-PTNT tổ chức quan trắc, theo dõi tình trạng sạt lở. Kết quả quan trắc lại cho rằng, việc sạt lở bờ sông Mã nguyên nhân chính không phải do việc khai thác cát, nên đến đầu năm 2020, UBND xã Cẩm Vân lại đề nghị cơ quan chức năng cho phép các mỏ cát hoạt động trở lại.
Ông Phạm Văn Quý, công chức địa chính xã Cẩm Vân, cho biết chỉ tính từ năm 2017 - 2019, sạt lở đã cướp đi hơn 11,8 ha đất nông nghiệp của người dân. Trong khi giai đoạn 1990 - 2017, UBND xã không có số liệu thống kê cụ thể bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp đã bị cuốn trôi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Công Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, tuy xác nhận có tình trạng sạt lở bờ sông Mã và nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân đã bị cuốn trôi, nhưng lại cho rằng tình hình “vẫn ổn” và “không đáng lo”, vì chưa có gì đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân. “Nguyên nhân chính của hiện tượng sạt lở bờ sông Mã cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp không phải do khai thác cát, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn về tài sản, tính mạng người dân thì tình hình vẫn… không đáng lo”, ông Cảnh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.