Sông Ngàn Mọ sạt lở, uy hiếp nhà dân, trường học

Phạm Đức
Phạm Đức
19/10/2022 08:51 GMT+7

Nhiều năm nay, bờ sông Ngàn Mọ chảy qua địa bàn 2 xã Cẩm Thành và Cẩm Duệ (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ) bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều diện tích đất vườn và thậm chí uy hiếp đến nhà ở của người dân.

Nhà cách mép sông chưa tới 2 m

Thấp thỏm, lo âu là tâm trạng chung của các hộ dân ở xã Cẩm Thành và xã Cẩm Duệ (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có nhà ở nằm bên hai bờ sông Ngàn Mọ từ nhiều năm nay.

Theo người dân, mưa lũ kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về là nguyên nhân khiến bờ sông chảy qua địa phận của 2 xã này bị sạt lở và tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Gia đình ông Lê Công Quang phải dùng cọc tre, rọ đá gia cố lại bờ sông sạt lở

PHẠM ĐỨC

Ông Lê Công Quang (70 tuổi, ngụ tại thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành) cho biết, trước đây nhà của gia đình ông cách bờ sông Ngàn Mọ khá xa, phía trước nhà còn có mảnh vườn khá rộng nằm tiếp giáp với mép sông. Tuy nhiên, cứ sau mỗi mùa mưa lũ đi qua là diện tích của mảnh vườn lại bị thu hẹp dần vào bên trong từ 3 - 4 m, do đất đai bị dòng sông cuốn trôi. Hiện nhà của gia đình ông điểm gần nhất chỉ cách mép sông chưa tới 2 m.

“Đợt mưa lũ đầu tháng 10 này, nước lũ đổ về cuốn trôi thêm một số diện tích đất vườn của gia đình và làm đổ 16 m tường rào phía ngoài vườn. Do sông đã áp sát nhà nên gây ra tình trạng sụt lún làm nứt tường nhà, công trình phụ, công trình chăn nuôi của gia đình tôi”, ông Quang lo lắng.

Theo ông Quang, đợt sạt lở bờ sông vừa qua, chính quyền xã cũng đã huy động hàng chục người dân đưa đá khối, cọc tre đến hỗ trợ gia đình kè lại, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Quang mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng kè sông kiên cố để gia đình ông và các hộ dân sống bên hai bờ sông không còn phải sợ hãi khi mùa mưa lũ xảy đến.

Còn tại xã Cẩm Duệ, việc sạt lở bờ sông Ngàn Mọ đã tiến sát, gây sụt lún nhiều nhà dân. Dọc hai bên bờ, những hàng tre bị dòng nước đánh bật gốc, nhiều hàm ếch lớn cũng xuất hiện do đất bị nước sông khoét ăn sâu vào bên trong.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ là gia đình bà Trần Thị Hoài (60 tuổi, ngụ tại thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ) lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Trong khu vườn của gia đình bà Hoài đã xuất hiện vết nứt lớn kéo dài khiến mặt nền cổng, tường rào bị nứt nẻ.

“Mấy năm nay, hễ vào mùa mưa lũ là gia đình tôi lại đứng ngồi không yên, cứ sợ bờ sông tiếp tục sạt lở cuốn trôi mất đất đai, nhà cửa. Giờ nền đất xuất hiện vết nứt, nếu địa phương không có biện pháp ngăn chặn thì nhà cửa của gia đình tôi nguy cơ cũng dễ bị sập”, bà Hoài thở dài.

Chờ kinh phí xây kè sông

Ông Đặng Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, cho hay dọc bờ sông Ngàn Mọ chảy qua địa bàn hiện có 12 điểm sạt lở rất nghiêm trọng, có những điểm đã ăn sát vào nhà dân và công trình trường học. Những điểm sạt lở này xảy ra từ trận lũ lịch sử vào năm 2020 cho đến nay.

“Rất nhiều nhà dân và công trình tập thể trên địa bàn đã bị sông áp sát, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, địa phương chúng tôi chỉ dùng giải pháp khắc phục các điểm sạt lở tạm thời bằng cách đóng cọc tre, rọ đá. Còn về lâu dài, xã rất mong muốn cấp trên cấp kinh phí để xây dựng bờ kè kiên cố dọc hai bên bờ sông”, ông Thành nói.

Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Xuyên, trước tình trạng sạt lở đất ở các địa phương bên sông Ngàn Mọ trong đợt mưa lũ vừa qua, lãnh đạo huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương nhanh chóng huy động lực lượng giúp nhân dân kè lại những điểm xung yếu và có phương án di dời người dân ở các điểm sạt lở đi tránh trú an toàn.

“Hiện các điểm sạt lở đã được kè và gia cố an toàn. Còn về lâu dài thì phải xây dựng kè kiên cố dọc bờ sông, nhất là các đoạn xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở. Huyện đang gắn với các chương trình dự án, đặc biệt là dự án tiêu thoát lũ Kẻ Gỗ và soát xét đưa vào danh mục đầu tư công để có kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, việc này vẫn cần phải có thời gian và nguồn lực, huyện cũng đang muốn cấp trên quan tâm để người dân sống hai bên bờ sông Ngàn Mọ ổn định cuộc sống”, ông Hà chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.