Sống sót thần kỳ trong sà lan bị lật giữa biển gần 2 ngày

16/01/2019 08:00 GMT+7

Ngày 15.1, PV Thanh Niên đến Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc (Kiên Giang) gặp anh Phan Ngọc Hậu (35 tuổi, ngụ TT.Dương Đông, H.Phú Quốc), người sống sót trong chiếc sà lan bị lật úp trên biển gần 2 ngày.

Tuy nhiên, do sức khỏe anh Hậu còn yếu, bác sĩ yêu cầu tránh để bị kích động nên hạn chế cho anh nói chuyện.

Sà lan bị lật lúc biển có sóng lớn

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Duy Kha (18 tuổi, cháu của anh Hậu), là một trong 3 thuyền viên trên sà lan chở gạch gặp nạn hôm 13.1, chưa hết bàng hoàng. Thời điểm sà lan bị lật, biển có sóng lớn. Mọi việc xảy ra rất nhanh khiến cả 3 người không kịp trở tay. “Vào lúc đó, cậu tôi (anh Hậu - PV) đang lái tàu, ông ngoại ngủ sau lưng cậu, còn tôi ngủ dưới hầm máy. Khi sà lan có biểu hiện rung lắc, cậu giao ông ngoại lái để xuống cabin và kêu tôi lên xem gạch. Khi tôi vừa lên xem gạch thì bất ngờ sà lan bị lật chìm. Tôi và ông ngoại nhanh chóng thoát ra ngoài, còn cậu kẹt trong cabin. Tôi nhanh chóng tìm phao, nhường cho ông ngoại trước, sau đó bơi vòng vòng tìm cậu nhưng không thấy nên nghĩ chắc cậu cũng bơi vào bờ rồi nên tôi bơi vào luôn”, anh Kha kể.
Sau khi sà lan chìm, Kha và ông ngoại bơi suốt 3 giờ mới chạm đất liền. Sau đó, anh lên mỏm đá, vừa ngồi chờ anh Hậu, vừa báo cho lực lượng hải quân và mượn điện thoại gọi về cho người nhà.
Sống sót thần kỳ trong sà lan bị lật giữa biển gần 2 ngày1
Anh Hậu đang được chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc Ảnh: Hoàng Trung

Gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự

Trưa 15.1, chúng tôi đến nhà anh Hậu ở KP.2, TT.Dương Đông. Tiếp chúng tôi là mẹ ruột anh Hậu và 2 người anh rể. “Ở nhà chúng tôi đã cho đập cửa rộng ra, chuẩn bị che rạp và một số vật dụng để lo hậu sự cho nó. Chỉ cần có tin tìm được xác nó là chúng tôi mua quan tài về ngay”, mẹ anh Hậu vừa kể vừa rơi nước mắt vui mừng.
Ông Huỳnh Trung Pháp và ông Nguyễn Thanh Phong (cùng 43 tuổi và là anh rể anh Hậu) là 2 người có mặt ở hiện trường tìm kiếm. Ông Pháp cho hay, khoảng 15 giờ ngày 14.1, thợ lặn ngoi lên báo là “tìm ra rồi”. Ngay lập tức, ông Phong bị đuổi vào bờ vì “kỵ tuổi” với anh Hậu, bởi ai cũng nghĩ là anh Hậu đã chết. "Hậu được tìm thấy trong hầm máy, 4 phía đều là nước. Nhưng nhờ hầm máy kín nên vẫn còn không khí giúp cho nó thoát chết thần kỳ. Trong suốt thời gian 38 tiếng đồng hồ, Hậu chỉ thở bằng lượng không khí đó. Khi được thợ lặn đưa lên tàu, nó vẫn còn tỉnh táo, tự bám leo lên. Nhưng khi vừa lên tàu thì ngất xỉu”, ông Pháp kể.
Sau khi đưa lên tàu, anh Hậu được chuyển ngay vào chăm sóc ở TT.An Thới rồi đưa về Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc tiếp tục điều trị. Theo một bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc, anh Hậu nhập viện lúc 16 giờ 45 ngày 14.1 trong trạng thái tỉnh táo, có nhận thức. Bệnh viện tiếp nhận điều trị chấn thương vùng bụng và đến sáng 15.1 anh được chuyển lên khoa nội để tiếp tục theo dõi. “Chúng tôi buộc phải lưu anh Hậu lại bệnh viện và chưa thể biết trước thời gian xuất viện, vì không biết có chuyện gì xảy ra nữa hay không. Hiện tại chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dịch và chăm sóc cho anh ấy”, một bác sĩ cho biết.

Lời kể của thợ lặn tìm gặp anh Hậu

Chiều 15.1, PV Thanh Niên liên lạc với ông Nguyễn Đình Chiến (51 tuổi, ngụ TT.An Thới, thợ sửa đồng hồ kiêm thợ lặn), là người đã trực tiếp xuống khoang sà lan tìm anh Hậu.
Ông Chiến nhớ lại, khi ông chui vô khoang hầm tìm chỉ thấy ván và cây, ông quyết định tìm lên vách phía trên. Sau khi bươi qua 3 lớp ván, ông thò tay lên thấy phía trên không có nước. “Tôi trồi đầu lên coi, pha đèn tìm vòng vòng thì thấy Hậu nằm sau lưng tôi, ở trần, mặc quần xà lỏn. Tôi rọi đèn vào mặt và Hậu chói mắt lấy tay che lại. Tôi nắm tay Hậu và hỏi “còn sống hé?”, ông Chiến kể.
Tiếp theo, ông Chiến kêu anh Hậu nằm chờ để ông quay ra gọi người xuống tiếp cứu. “Tôi lên cho gia đình hay đã tìm được Hậu. Thấy gia đình dọn chiếu, trái cây, nhang đèn ra cúng vì tưởng Hậu đã chết. Tôi nói: “Chưa có chết đâu”. Câu nói đó khiến mọi người mừng quýnh”, ông Chiến nói thêm.
Ông Chiến kêu mọi người tìm một sợi dây dài buộc vào người để làm dấu và chui lại vào khoang hầm. Sau khi quan sát, nhận thấy không thể chuyển anh Hậu ra bằng cửa chính, ông Chiến tìm một lỗ thông hơi phía trên hầm máy, rồi trở ra ngoài hầm máy, vòng ra ngoài thò tay vào lỗ thông hơi kéo anh Hậu ra...
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 1 giờ ngày 13.1, sà lan mang số hiệu Thanh Bình 12 của Công ty Thanh Bình chở gạch nung từ TP.Hà Tiên ra Phú Quốc. Khi đến vị trí cách phía nam mũi Ông Đội khoảng 1 hải lý thì bất ngờ bị lật chìm, trên sà lan có 3 thuyền viên, gồm ông Phan Vãn Quang (60 tuổi), anh Phan Ngọc Hậu (35 tuổi, con ông Quang) và anh Nguyễn Duy Kha (18 tuổi, cháu ngoại ông Quang). Sau đó ông Quang và anh Kha bơi vào bờ, còn anh Hậu mất tích. Nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã huy động lực lượng cùng xuồng, cano và tàu nhanh chóng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng đã xác định được vị trí sà lan chìm và tổ tìm kiếm anh Hậu và trục vớt sà lan. Công ty Thanh Bình cũng phối hợp gia đình và cơ quan chức năng tìm kiếm anh Hậu và đến chiều 14.1 đã tìm được anh.
Kỹ năng sinh tồn khi bị kẹt dưới nước
Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Tổ trưởng Tổ cứu hộ hồ bơi Tân Bình (TP.HCM), trong trường hợp bị kẹt dưới nước 2 ngày, chỉ còn thở được, người bị nạn cần có tâm lý ổn định, không suy nghĩ gì cả.
Với người biết bơi, lúc này phải ngụp thở nước, duy trì vận động, tay chân co đạp cho mạch máu lưu thông. Ngoài ra, cần duy trì đều đặn vận động để làm ấm cơ thể, không bị lạnh cơ. Nếu không có chỗ bám víu nên thả ngửa trên mặt nước. Làm như vậy có khả năng duy trì sự sống được 5 ngày.
Với người không biết bơi thì tâm lý thường hoảng loạn, đa số họ thường ngâm mình dưới nước nhiều, tay chân tê cứng, lạnh và rất dễ tử vong sau 3 ngày. Lúc này tâm lý cần phải vững, cần thả ngửa người, vịn vào những chỗ có thể vịn được và vận động để cơ thể đỡ lạnh. Khi nào cảm giác cơ thể lạnh, tê thì vận động tay, chân cho cơ thể nóng lên.
Dù biết bơi hay không, nhưng khi khát nước cần ngụp mặt xuống nước để có hơi nước và có thể uống chút nước biển.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng một người nhịn đói, khát 2 ngày đầu tiên là hạ đường huyết, các rối loạn về điện giải. Khi vớt lên bệnh nhân còn sống, đầu tiên là phải giữ thân nhiệt, cho mặc đồ ấm. Sau đó kiểm tra các rối loạn, nhất là đường thở và đường huyết, da, chức năng gan, thận nếu gặp vấn đề gì thì tập trung điều trị vấn đề đó... 
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.