Đường Phan Đình Phùng là một trong những tuyến đường có lịch sử hình thành lâu đời nhất trên địa bàn TP.Hà Tĩnh, nằm trên địa giới hành chính của 3 phường Tân Giang, Nam Hà và Bắc Hà. Tuyến đường dài gần 2 km này tập trung nhiều cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh, khá sầm uất với nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ và khu dân cư.
Theo một số hộ dân có nhà nằm trên trục đường Phan Đình Phùng, trước đây, khi tỉnh Nghệ Tĩnh chưa chia tách, con đường này đã được chính quyền địa phương quy hoạch để thi công mở rộng. Đến năm 1991, sau khi tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, con đường này tiếp tục được chỉnh trang, đóng vai trò "xương sống" nối từ QL1 đến khu trung tâm hành chính của tỉnh và trở thành "bộ mặt" của TP.Hà Tĩnh.
Ngoài mặt đường rộng hơn 30 m, vỉa hè hai bên đường Phan Đình Phùng cũng được quy hoạch rộng hơn 8 m nên rất thông thoáng. Tuy nhiên, còn một đoạn ngắn trên con đường này đến nay vẫn chưa có vỉa hè do vướng đất của 8 hộ dân ở P.Tân Giang chưa thể giải tỏa .
Bà Nguyễn Thị Lương (66 tuổi, ngụ tổ dân phố 7, P.Tân Giang) cho biết gia đình bà xây nhà, sinh sống ổn định tại thửa đất mặt tiền đường Phan Đình Phùng có diện tích gần 80 m2, đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Khi gia đình tôi đến ở đây thì mặt đường chưa rộng như bây giờ và cũng chưa có vỉa hè. Đến năm 1993, gia đình tôi được chính quyền địa phương thông báo có gần 49 m2 đất nằm trong quy hoạch mở vỉa hè, phải thu hồi để giải phóng mặt bằng. Họ gửi giấy thông báo về số tiền bồi thường mà gia đình tôi được nhận nhưng do quá thấp nên tôi không chấp nhận. Kể từ đó đến nay, căn nhà gia đình tôi đang ở xuống cấp, nhiều lần mua vật liệu về định sửa chữa thì bị chính quyền địa phương ngăn cản vì đất vướng quy hoạch", bà Lương cho biết. Bà Lương khẳng định nếu được bồi thường thỏa đáng thì gia đình sẽ chấp nhận nhường đất để mở hành lang vỉa hè.
Cạnh bên, gia đình bà Bùi Thị Phúc (75 tuổi) cũng có thửa đất rộng 85 m2, trong đó gần một nửa diện tích nằm trong quy hoạch để mở vỉa hè. Căn nhà nhỏ hẹp của gia đình bà Phúc cũng đã xuống cấp trầm trọng nhưng vì vướng quy hoạch nên không được sửa chữa. "Nhà trên đường phố sầm uất nhưng gia đình tôi nhiều năm qua vẫn sống trong cảnh bí bức, đi không được, ở cũng không xong. Nếu được bồi thường thỏa đáng, gia đình tôi sẽ đến nơi khác để sống, nhường lại đất để thành phố mở vỉa hè", bà Phúc chia sẻ.
CẦN SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NGƯỜI DÂN
Ông Lê Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND P.Tân Giang, cho biết hành lang an toàn giao thông hai bên đường Phan Đình Phùng đã được các cấp lãnh đạo thời kỳ rất lâu trước đó quy hoạch. Tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm TP.Hà Tĩnh có đường thông, hè thoáng như hiện nay là nhờ nhiều lần được mở rộng, chỉnh trang. Tuy vậy, tuyến đường này vẫn còn một đoạn thuộc địa phận của phường chưa giải tỏa được để làm vỉa hè vì vướng vào đất của 8 hộ dân.
"Các cấp lãnh đạo thời kỳ trước cũng đã nhiều lần vận động người dân nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do trước đây luật Đất đai quy định chỉ bồi thường tài sản trên đất, vì số tiền bồi thường ít nên 8 hộ dân này không chấp nhận. Hiện chúng tôi cũng đã vào cuộc để nắm lại các hồ sơ về nguồn gốc đất của các hộ dân này để đề xuất với cấp trên lập dự án bố trí kinh phí nhằm đền bù thỏa đáng cho người dân", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, việc mở rộng vỉa hè Phan Đình Phùng đoạn đang còn bị tắc là rất cần thiết vì vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán của người dân ở hai bên đường. Vì thế, chính quyền địa phương rất cần sự đồng thuận của người dân và sẽ nỗ lực hết sức để lợi ích của hai bên được hài hòa.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND TP.Hà Tĩnh, để tháo gỡ nút thắt vỉa hè đường Phan Đình Phùng, thành phố đã giao cho UBND P.Tân Giang làm việc với các hộ dân để thống nhất phương án đền bù hoặc tái định cư . Chỉ cần các hộ dân này đồng ý thì thành phố sẽ có những quyết sách để đảm bảo cuộc sống cho họ.
Bình luận (0)