Sóng thần tàn phá Indonesia, hơn 200 người chết

Khánh An
Khánh An
24/12/2018 08:04 GMT+7

Thông tin từ Đại sứ quán VN tại Indonesia cho hay chưa ghi nhận thông tin có người Việt bị ảnh hưởng trong thảm họa

Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) chiều 23.12 công bố ít nhất 222 người đã thiệt mạng, 843 người bị thương và ít nhất 30 người mất tích tại các đảo Java và Sumatra khi các đợt sóng thần bất ngờ ập vào bờ biển 2 hòn đảo này vào khoảng 21 giờ 30 ngày 22.12 (giờ địa phương).
Phát ngôn viên BNPB Sutopo Purwo Nugroho cảnh báo số nạn nhân có thể còn tăng do lực lượng chức năng vẫn đang thu thập thông tin và tiếp cận nhiều khu vực bị cô lập. Ông Nugroho cho biết thêm hàng trăm ngôi nhà nằm ven biển đã bị san bằng. Theo ông, nhiều khả năng sóng thần bị kích hoạt bởi hiện tượng thủy triều dâng cao kết hợp với tình trạng đất chuồi bên dưới thềm biển theo sau đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau gần đó. “Sự kết hợp đáng sợ này đã bất ngờ tạo ra sóng thần ập vào các bờ biển”, AFP dẫn lời người phát ngôn nói.

Tang thương và hoảng loạn

VN gửi điện thăm hỏi

Ngày 23.12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân Indonesia Zulkifli Hasan. Các nhà lãnh đạo VN bày tỏ cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới lãnh đạo Indonesia trước những tổn thất to lớn về người và tài sản do một thảm họa thiên tai nữa gây ra, chỉ chưa đầy 3 tháng sau trận sóng thần khủng khiếp xảy ra tại tỉnh Sulawesi tháng 9 vừa qua; bày tỏ tình đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của nhân dân VN với nhân dân Indonesia và tin tưởng rằng nhân dân Indonesia sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi tới Ngoại trưởng Retno Marsudi. Vũ Hân
Theo cơ quan chức năng địa phương, khu vực Pandeglang tại tỉnh Banten trên đảo Java chịu thiệt hại nặng nhất do có nhiều bãi biển nổi tiếng đông đúc. Hình ảnh do nhân chứng chia sẻ trên Twitter cho thấy cảnh tượng tang thương với lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát để đưa thi thể ra ngoài giữa những con đường chìm trong nước và xe cộ lật ngửa.
Du khách Oystein Lund Andersen cho hay ông và gia đình may mắn sống sót khi sóng thần ập vào bờ biển Carita trên đảo Java trong lúc ông đang chụp ảnh ngọn núi lửa vào ban đêm. “Tôi vắt giò lên cổ mà chạy trong lúc sóng thần ập đến và càn quét sâu vào 15 - 20 m trong đất liền. Đợt sóng tiếp theo ập vào khách sạn và nhấn chìm toàn bộ xe cộ trên đường”, Andersen viết trên Facebook và cho biết ông cùng nhiều người chạy theo con đường xuyên rừng lên khu đất cao.
Cảnh hoảng loạn còn được ghi lại tại buổi diễn của ban nhạc rock Seventeen tại khu resort ven biển Tanjung Lesung ở tỉnh Banten khi sân khấu bất ngờ đổ sập trong dòng lũ kinh hoàng. Khán giả gào thét và hoảng loạn tháo chạy trong khi các thành viên ban nhạc vùng vẫy cầu cứu. “Dưới nước, tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Vào những giây cuối cùng trước khi trồi lên được, tôi gần như nghẹt thở”, Reuters dẫn lời thành viên Zack bàng hoàng kể lại và cho biết anh sống sót nhờ bám vào sàn sân khấu.
Nhóm nhạc sau đó thông báo rằng nghệ sĩ guitar bass Awal “Bani” Purbani, tay guitar Herman Sikumbang, quản lý Oki Wijaya và thành viên Ujang đã thiệt mạng. Trên mạng xã hội Instagram, ca sĩ Riefian Fajarsyah cho hay vợ anh là ca sĩ Dylan Sahara và 3 thành viên khác vẫn còn mất tích. Công ty dịch vụ công cộng PLN thông báo ban nhạc được mời đến biểu diễn cho sự kiện tổng kết cuối năm của công ty với khoảng 250 nhân viên tham dự. Theo một đại diện công ty, 29 nhân viên cùng người thân thiệt mạng và 13 người mất tích. Một quản lý khác của ban nhạc là Yulia Dian cho biết những người sống sót được điều trị tại các bệnh viện địa phương và chưa thể quay về Jakarta vì đường sá bị chia cắt. “Chúng tôi rất buồn và sốc vì nhiều nhân viên đưa gia đình đến dự. Trước đó họ còn chia sẻ những hình ảnh vui vẻ trên bãi biển”, bà Dian nói.

Cảnh báo sơ sót

Hiện cơ quan chức năng Indonesia đang hứng chịu chỉ trích vì khi có dấu hiệu sóng lớn xuất hiện, giới hữu trách ra thông báo kêu gọi người dân bình tĩnh vì cho rằng đó không phải là sóng thần mà chỉ là thủy triều dâng. Phát ngôn viên BNPB chiều qua gửi lời xin lỗi, đồng thời giải thích nguyên nhân giới chức lúng túng trong xử lý và cảnh báo vì sóng thần thường xảy ra sau động đất chứ hiếm khi do núi lửa hoạt động. “Không có trận động đất nào và vụ phun trào Anak Krakatau cũng không lớn lắm”, ông viết trên Twitter và cho biết thêm sóng thần kích hoạt bởi núi lửa phun trào là hiện tượng hiếm thấy.
Khu vực xảy ra sóng thần trên đảo Java và Sumatra Nguồn: Google maps/Đồ họa: Minh Hùng

Lực lượng cứu hộ cùng quân đội đã được điều động đến nhiều khu vực ở Java và Sumatra để tìm kiếm và ứng cứu các nạn nhân. Nhiều điểm sơ tán được dựng lên cùng với các bếp ăn công cộng. Tổng thống Joko Widodo hôm qua viết trên Twitter rằng ông đã “chỉ đạo mọi cơ quan chính phủ lập tức có hành động ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm các nạn nhân và chữa trị người bị thương”.
Cùng ngày, cơ quan chức năng cảnh báo người dân và du khách tránh xa khu vực ven biển ít nhất đến ngày 25.12. “Vui lòng đừng ở gần các bãi biển ven eo biển Sunda. Những ai đã sơ tán thì vẫn chưa nên quay lại”, ông Rahmat Triyono thuộc Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia nhấn mạnh.
Người dân đau đớn tìm tên thân nhân trong danh sách thiệt mạng Ảnh: Reuters
Cũng trong hôm qua, Đài TVNZ đưa tin chính phủ New Zealand triển khai trực thăng Hercules chở hàng cứu trợ đến Indonesia, đồng thời cam kết hỗ trợ 1,5 triệu NZD (23,5 tỉ đồng) cho công tác xử lý khẩn cấp và tái thiết sau thảm họa. Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia nếu được yêu cầu. “Theo chúng tôi biết, thời điểm hiện tại chưa có người nước ngoài nào kể cả người Úc bị ảnh hưởng”, ông nói thêm. Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail cho hay nước này cũng sẵn sàng san sẻ với quốc gia láng giềng. “Tôi rất buồn khi nghe tin về thảm họa sóng thần ở Indonesia cướp đi nhiều mạng sống. Tôi cầu nguyện cho người Indonesia kiên cường đối phó bi kịch này. Malaysia sẵn sàng hỗ trợ để giảm nhẹ gánh nặng cho những anh chị em của chúng tôi ở Indonesia”, Hãng thông tấn Bernama dẫn lời bà Wan Azizah nói.
 

Chưa có thông tin người Việt bị ảnh hưởng

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 23.12, đại diện Đại sứ quán VN khuyến cáo người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần. Trong trường hợp người VN bị mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ có thể liên hệ với Đại sứ quán qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165, (62) 811161025 hoặc số đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (+84)981848484.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao dẫn thông tin từ Đại sứ quán VN tại Indonesia cho hay chưa ghi nhận thông tin có người Việt bị ảnh hưởng trong thảm họa. Bộ Ngoại giao đã đề nghị đại sứ quán tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để nắm tình hình người Việt bị ảnh hưởng nếu có nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết; cập nhật trên cổng thông tin về tình hình và số đường dây nóng để công dân có thể liên hệ khi cần trợ giúp.
Vũ Hân - Phước Đạt

“Đứa con của Krakatau”

Núi lửa Anak Krakatau phun trào vào ngày 22.9
Núi lửa Anak Krakatau phun trào vào ngày 22.9 Ảnh: Reuters
Cơ quan địa chất Indonesia cho biết đảo núi lửa Anak Krakatau phun trào khoảng 24 phút trước khi các đợt sóng thần cao từ 3 - 5 m ập vào bờ biển hai đảo Java và Sumatra, gây ra thảm họa vào ngày 22.12. Đây là một hòn đảo núi lửa cao khoảng 300 m nằm ở eo biển Sunda giữa 2 đảo Java và Sumatra. Cái tên Anak Krakatau có nghĩa là “Đứa con của Krakatau”, hàm ý nói về nguồn gốc đặc biệt của núi lửa này. Đảo núi lửa Anak Krakatau hình thành từ núi lửa Krakatau sau biến cố thảm khốc cách đây hơn 135 năm.
Vụ bùng nổ của núi lửa Krakatau xảy ra ngày 26.8.1883 là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại. Theo tờ The Independent, sức nổ tương đương 200 megaton TNT, tức gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến 2. Hậu quả là gần 37.000 người thiệt mạng, hàng trăm làng mạc, thị trấn bị xóa sổ và cấu trúc địa lý của nhóm đảo Krakatau bị thay đổi hoàn toàn. Khi đó, cột tro bụi phóng ra cao đến hơn 20 km và hàng loạt chấn động lan đến tận Úc và cả các khu vực cách xa 4.500 km.
Đến năm 1927, phún thạch và dung nham từ vụ phun trào năm 1883, sau một thời gian tích tụ cộng thêm các hoạt động địa chất khác, khiến một hòn đảo núi lửa nhỏ trồi lên tại khu vực eo biển Sunda. Đó chính là núi lửa Anak Krakatau vừa gây thảm họa mới. Theo AFP, núi lửa này đã bắt đầu có dấu hiệu hoạt động liên tục từ tháng 6 khi nhiều lần phun cột khói cao và giới hữu trách hồi tháng 7 đã ra lệnh phong tỏa khu vực bán kính 2 km kể từ miệng núi lửa. Vào tháng 10, một tàu du lịch đi ngang khu vực trên đã may mắn thoát nạn khi một khối dung nham lao xuống ngay gần đó. Anak Krakatau cũng là chủ đề nghiên cứu của nhiều chuyên gia về núi lửa và là hình ảnh quen thuộc của du khách đến các bãi biển trong khu vực.
Theo Giáo sư Ray Cas tại Đại học Monash ở Úc, kể từ khi hình thành, núi lửa Anak Krakatau gần như luôn ở trong trạng thái hoạt động liên tục và lớn dần, với các vụ phun trào lặp lại sau 2 - 3 năm. “Vụ phun trào mới nhất là khá nhỏ nhưng có thể gây ra hoặc trùng hợp với hoạt động dưới lòng biển như đất chuồi hoặc động đất nên dẫn đến sóng thần chết người”, ông nhận định với AFP. Nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu sóng thần Indonesia Gegar Prasetya cũng cho rằng lý do khả dĩ nhất là một phần lớn của sườn đảo núi lửa bị sập trong lòng biển hoặc bên trên mặt nước, tạo ra sóng thần.
Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.