Sống trong khu phong tỏa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
11/08/2020 05:00 GMT+7

Phía sau những hàng rào sắt, bên trong khu phong tỏa xung quanh 3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng , người dân dần quen với nhịp sống im lìm sau cánh cửa. Và ở đó cũng không thiếu những câu chuyện chan chứa nghĩa tình...

“Nội bất xuất”

Lui tới nhiều lần trên đường Quang Trung nhưng ít khi tôi để ý trụ sở UBND P.Thạch Thang (Q.Hải Châu) nằm ở đoạn nào. Thế nên khi chạy đến hàng rào sắt, mới hay “đầu não” của chính quyền đã nằm lọt thỏm trong khu phong tỏa. Để có nơi làm việc, ngay khi nhận lệnh phong tỏa 3 bệnh viện (BV) cùng các khu dân cư lân cận ngày 27.8, ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường, đã chỉ đạo cán bộ khẩn cấp di dời tài liệu, máy móc... về nhà cộng đồng khu dân cư Tân Hòa 1. Vậy là “sở chỉ huy tiền phương” mọc lên trong khu phố nhỏ vừa là nơi chỉ đạo chống “giặc” Covid-19 vừa kịp thời xử lý các công việc hành chính khác.

Bệnh viện C Đà Nẵng giây phút kết thúc phong tỏa 14 ngày vì Covid-19

Ông Sơn kể khi phát hiện ổ dịch tại BV Đà Nẵng, ngành y tế đã kịp thời làm xét nghiệm cho gần 1.500 nhân khẩu tại 8 tổ dân cư trong khu vực phong tỏa. “Xét nghiệm lần 1, tất cả đều âm tính. Nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến rất khó lường...”, ông nói. Thoạt đầu ông cũng hơi dè dặt khi tiếp xúc chúng tôi. Nhưng khi biết tôi đã được ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận âm tính, ông yên tâm hơn. “Anh thông cảm, lúc dịch dã này, không nắm được thông tin dịch tễ của mỗi cá nhân thì rất khó để vào ra khu vực này”, ông Sơn phân trần.
Ông Sơn lo lắng cũng phải, khi nhiều ngày qua Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến một cộng đồng bị đe dọa, công sức chống dịch của tập thể có khi đổ sông đổ biển. Bởi vậy, để được vào khu phong tỏa, tôi phải mang đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống bắn giọt... đúng quy định mới được sự đồng ý. Nhưng chưa hết, để được vào bên trong, cán bộ phải dùng xe chuyên dụng có lắp phù hiệu do Công an TP.Đà Nẵng cung cấp. Lực lượng liên ngành tại mỗi cửa ngõ khi nhận diện đúng phương tiện chống dịch mới cho xe “thông chốt”.
Người ở trong khu phong tỏa cũng vậy, chỉ được ra ngoài khi có sự đồng ý của cấp trên, trong những trường hợp khẩn cấp. “Ở đây không có từ “nếu muốn”. Không phải muốn là xin ra ngoài, bởi có xin cũng nhận được cái lắc đầu mà thôi”, ông Nguyễn Chí Lý, Phó chủ tịch UBND P.Thạch Thang, Trưởng ban Phòng, chống Covid-19 phường, nói. Tất cả xe từ khu phong tỏa trở ra đều phải quay về một đầu mối nơi có lực lượng y tế đang túc trực. Mỗi xe dừng ít nhất 5 phút để phun sát khuẩn trước khi “ra với cộng đồng”.

Tâm sự người dân sống trong khu phong toả ở Đà Nẵng vì Covid-19

Đổi thay thói quen

Các tuyến phố Đà Nẵng những ngày này thưa thớt người qua lại. Ở khu vực “ngũ giác phong tỏa” khép bởi các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Quang Trung, Đống Đa. Sáng qua 10.8 khi chúng tôi tìm đến, còn ngót 15 giờ khu dân cư này mới được chính thức gỡ phong tỏa (từ 0 giờ hôm nay 11.8), khung cảnh lại càng quạnh vắng. Nhà nhà đóng cửa im ỉm. Những chiếc ô tô đỗ bên đường lá rụng phủ đầy. Trong khu phong tỏa, không còn cảnh người dân cười nói với nhau, những ông bạn già sớm hôm trà nước, đánh cờ... Giờ ai cũng giữ khoảng cách.
Ông Lê Vinh, Tổ công tác Covid-19, bảo đó là “khoảng cách an toàn”. Hễ bước chân ra khỏi nhà là ông sát khuẩn tay, mang khẩu trang, đeo kính chống bắn giọt... Từ ngày khu phố bị phong tỏa, ông gia nhập tổ kiểm soát sức khỏe cộng đồng. Cứ sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, ông lại đi khắp tổ 32 để gọi người dân ra đo nhiệt độ cơ thể. Dịch bệnh bùng phát, ông cũng điều chỉnh thói quen, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn, dậy sớm hơn để góp sức mình vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ông Đoàn Văn Ánh, Tổ trưởng tổ 32, góp chuyện: “Nòng cốt của tổ là 4 người nhưng hiện tổ có 9 người. Năm người khác đã gác lại việc nhà để tham gia cùng chúng tôi đi giám sát sức khỏe từng người dân”.
Đang dở câu chuyện, thấy một đám trẻ nhỏ tuy được người lớn dắt ra ngoài “đổi gió” nhưng lại túm tụm thành nhóm, ông Ánh liền nhắc nhở giữ khoảng cách. Mẹ của 2 cháu nhỏ trong đám trẻ, một nữ nhân viên khách sạn, cho biết mới đi làm không lâu sau đợt dịch đầu năm, giờ lại phải nghỉ vì dịch tái bùng phát và xác định sẽ thất nghiệp dài dài. “Thôi thì tình hình chung của nhiều người. Ở nhà làm bảo mẫu cho đám trẻ thấy chúng khỏe mạnh là vui rồi. Nhất là khi nghe tin cả khu phong tỏa có kết quả âm tính là thở phào nhẹ nhõm... Chờ ngày gỡ phong tỏa khu phố, tôi sẽ tự đi chợ mua cái gì ngon cho cả nhà cùng ăn”, chị này nói.

Bản tin Covid-19 ngày 10.8: Ngăn dịch bệnh 'bùng nổ' diện rộng

Nỗi niềm ở xóm chạy thận

Cùng một khu phong tỏa, nhưng nhiều người không có đến một ai thân quen tại Đà Nẵng để nhờ mua bó rau hay con cá tươi... Họ là người nhà của bệnh nhân (BN) chạy thận kinh niên ở kiệt 144 Hải Phòng. Ở trạng thái bình thường, người chăm BN chạy thận vốn đã có nhiều tâm sự. Nay bị phong tỏa, họ càng thêm nhiều nỗi ưu tư...
“Ngồi đây mà cứ như ngồi trên đống lửa, không biết con gái chạy thận trong BV Đà Nẵng giờ sức khỏe ra sao”, bà Phạm Thị Dung (48 tuổi, trú tại Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) thở dài. Gần 10 năm qua, bà chưa bao giờ rời xa con gái là Phạm Thị Ái Vân (28 tuổi, suy thận mạn) lâu như trong đợt này, từ khi BV Đà Nẵng phong tỏa hôm 28.7. Bên trong BN cách ly hoàn toàn, bên ngoài người nhà thất thểu về lại căn trọ.
Người nhà và bệnh nhân bệnh thận tá túc chen chúc trong căn trọ chật hẹp  với bộn bề lo toan Ảnh: Hoàng Sơn

Người nhà và bệnh nhân bệnh thận tá túc chen chúc trong căn trọ chật hẹp với bộn bề lo toan

Ảnh: Hoàng Sơn

Ngày ngày, đếm thời gian mà lòng bà Dung cứ như lửa đốt. Bởi Quảng Nam dịch Covid-19 đã tràn về. Người chồng ở quê làm “thợ đụng” cũng bó gối, không làm gì ra tiền. Cậu con trai thứ 2 ra Đà Nẵng học nghề nấu ăn không kịp trở về nên chấp nhận cảnh bám lại phòng trọ cùng mẹ. Nghĩ cảnh tiền trọ 4 triệu đồng/tháng sắp đến hạn nộp, chồng ở quê không biết xoay được tiền để chuyển ra, mắt bà ngấn lệ. “Mừng nhất là nghe cái Vân nó báo ra đã xét nghiệm 2 lần âm tính với vi rút rồi. Chứ nó yếu lắm, nhỡ không may dính vào Covid-19 thì không biết nó sẽ ra sao nữa”, bà thở dài.
Khi bị phong tỏa, xóm chạy thận này cũng là nơi tá túc của nhiều người nhà BN khác. Nhà trọ số 208 ở gác 2 chỉ chừng 20 m2 nhưng kê đến 2 chiếc giường cho 4 người. Lúc tôi đến, vợ chồng ông Lê Văn Thái (50 tuổi, ngụ xã A Ting, H.Đông Giang, Quảng Nam) đang loay hoay nấu bữa trưa. Khuấy đôi đũa vào nồi canh lõng bõng nước, ông Thái nói: “Hết chỗ rau này thì lại ăn tạm cái gì đó qua bữa thôi”. Ông kể đây là số rau xanh được UBND P.Thạch Thang hỗ trợ. Ở Đà Nẵng, vợ chồng ông không quen ai nên cũng chẳng nhờ ai đi chợ được. Khi khu phố chưa bị phong tỏa, ông là một thợ hồ ngày ngày cặm cụi ở các công trình kiếm tiền để lo cho vợ mình là bà Nguyễn Thị Bích Sương chạy thận.
Người dân nhờ mua thức ăn có thể sử dụng nhiều ngày

Người dân nhờ mua thức ăn có thể sử dụng nhiều ngày

Đợt điều trị của bà Sương kết thúc cách đây 1 tháng nhưng vợ chồng ông không dám về quê, vì lo lỡ bà Sương chuyển nặng thì không kịp trở tay. “Dịch xảy ra, tui lo thon thót vì không biết mình có nhiễm bệnh hay không. Khi nghe có kết quả âm tính, tui mừng rơi nước mắt. 10 năm nay, ổng đã khổ quá rồi. Tui mà nhiễm Covid-19 không biết ổng cực đến mức nào nữa... Mấy hôm nay, không làm gì được, ổng không đêm nào ngủ”, bà Sương rưng rưng.
Ông Lý Hàng Xuyên (47 tuổi, ngụ Quế Phong, H.Quế Sơn, Quảng Nam) cũng có “thâm niên” 10 năm chăm vợ chạy thận. Trước khi dịch bệnh xảy ra, ông làm chân giữ xe cho BV Đà Nẵng. Khi BV bị phong tỏa, ông mất việc. Chị Nguyễn Thị Dung (39 tuổi, vợ ông) nay đang phải cách ly ở một nơi khác. “Những ngày ở lại đây, nhờ phường quan tâm nên cũng bớt lo miếng ăn. Chỉ lo dịch kéo dài, suốt ngày trong phòng trọ này thì lấy đâu ra tiền. Hết dịch, vợ tôi vẫn phải tiếp tục chạy thận mà!”, ông Xuyên buồn giọng.

Cuộc điện thoại “lịch sử” của bệnh nhân Covid-19 ngày ra viện ở Đà Nẵng

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Chí Lý, Phó chủ tịch UBND P.Thạch Thang, cho biết chính quyền rất quan tâm đến những trường hợp yếu thế khi bị phong tỏa, như người nhà BN, sinh viên... và thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ gạo, mắm, rau xanh... “Người nhà họ lo cho BN chạy thận. Còn chúng tôi lo cho người nhà BN để không ai bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến” này”, ông Lý chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.