Sốt ruột về quy định môn thi thứ ba vào lớp 10

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/12/2024 05:46 GMT+7

Đã sắp hết học kỳ I năm học 2024-2025 nhưng học sinh lớp 9 vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm tới. Nhiều ý kiến phân tích thấu tình, đạt lý với mong muốn Bộ GD-ĐT nên thay đổi dự kiến về môn thi thứ ba gây tranh cãi mấy tháng qua.

KỲ THI VÀO LỚP 10 ĐÃ QUÁ ÁP LỰC RỒI

Thời điểm này các năm trước, một số địa phương đã công bố phương án thi vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên năm nay các tỉnh thành đều phải chờ thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT mới của Bộ GD-ĐT để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Điều này khiến học sinh (HS) cũng như giáo viên, phụ huynh thấp thỏm lo lắng, nhất là trong bối cảnh tuyển sinh lớp 10 ngày càng nhiều áp lực ở các TP lớn.

Sốt ruột về quy định môn thi thứ ba vào lớp 10- Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 vẫn chưa biết môn thi thứ 3 kỳ thi lớp 10 năm 2025 sẽ thực hiện ra sao

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều năm qua, TP.HCM hay Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển HS vào lớp 10, gồm 3 môn thi là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Nhưng năm nay có thể phải thay đổi nếu quy định về môn thứ ba mà Bộ GD-ĐT đang dự thảo chính thức được ban hành.

Một HS lớp 9, Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), lo lắng: "Trong chương trình học hiện nay, chúng em có hai môn tích hợp là khoa học tự nhiên (gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý). Như vậy, nếu Hà Nội bốc thăm và chọn bài thi tổ hợp thì HS phải thi tới 4 hoặc 5 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ khác với việc ôn tập để thi vào lớp 10, một kỳ thi có sự cạnh tranh khốc liệt".

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội có con thi vào lớp 10 năm tới cũng bày tỏ tâm trạng "đứng ngồi không yên" khi trao đổi về phương án thi mà họ cho rằng mọi thông tin còn khá mịt mù. Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy) nói: "Hà Nội chỉ bố trí được chỗ học ở trường THPT công lập cho khoảng 60% HS tốt nghiệp THCS. Lẽ ra ngành giáo dục cần công bố sớm các thông tin, giảm áp lực không đáng có cho HS và phụ huynh thì năm nay mọi việc lại đang diễn ra theo cách làm cho tình hình căng thẳng hơn".

NHÀ TRƯỜNG MONG GIỮ ỔN ĐỊNH CÁC MÔN THI

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết với môn thứ ba, hiện chưa biết là môn độc lập hay bài tổ hợp, nhà trường tổ chức dạy học đầy đủ, nghiêm túc và tăng cường các hình thức kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới, sẵn sàng đáp ứng khi "chốt" phương án. Ngoài việc dạy theo chương trình, giáo viên còn tăng cường hỗ trợ, giúp HS vừa học, vừa ôn tập.

"Nhà trường mong rằng phương án tuyển sinh lớp 10 sẽ được giữ ổn định qua các năm về số môn thi. Việc HS học lệch, sao nhãng các môn học khác nếu biết trước môn thi thuộc trách nhiệm của nhà trường. Để được tốt nghiệp THCS, HS phải hoàn thành các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở tất cả các môn học theo yêu cầu của chương trình", bà Vân Hồng nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, một lãnh đạo một trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) phân tích: quy định mới về kiểm tra, đánh giá áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã coi trọng hơn rất nhiều việc đánh giá cả quá trình, bằng nhiều hình thức khác thay vì chỉ làm bài thi trên giấy. Do vậy, nếu Bộ GD-ĐT cho rằng môn thi thứ ba cần được bí mật đến gần ngày thi và thay đổi qua các năm để đảm bảo không học lệch, học tủ là mâu thuẫn với chủ trương đổi mới kiểm tra, đánh giá mà các trường đang nỗ lực thực hiện. Điều này cũng cho thấy sự thiếu tin tưởng vào các nhà trường.

Cũng theo vị lãnh đạo này, vì cách đánh giá quá trình rất linh hoạt như đánh giá sản phẩm của các dự án thực hành, trải nghiệm, thí nghiệm… nhưng kỳ thi thì sẽ là thi trên giấy với hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm nên không thể nói không có sự "vênh" giữa cách thi và cách học. Như vậy, HS muốn đạt điểm cao để xét tuyển thì lại phải lao vào luyện thi, học thêm theo cách ra đề thi tuyển sinh để đạt điểm cao.

Sốt ruột về quy định môn thi thứ ba vào lớp 10- Ảnh 2.

Để giảm áp lực cho HS, một số địa phương đang hướng đến tăng số HS, tăng tỷ lệ tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 THPT công lập

ảnh:đào ngọc thạch

MÔN THỨ BA ĐỂ HS CHỌN ?

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, ủng hộ việc thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 3 môn thi, nhưng cho rằng phương án tốt nhất là ngoài 2 môn bắt buộc toán, ngữ văn thì môn thi thứ ba phải do HS lựa chọn nhằm phù hợp với năng lực của các em. Điều này cũng phù hợp, liên thông khi lên THPT các em được lựa chọn tổ hợp học tập. Khi đó, số lượng HS đăng ký môn thi thứ ba nào cũng phải tổ chức cho các em dự thi và lấy điểm tuyển sinh. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi công tác tổ chức thi, ra đề thi vất vả hơn.

Ông Thành cũng cho rằng việc tổ chức môn thi thứ ba phải thay đổi qua các năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác tổ chức của các địa phương. Bởi lẽ, để thay đổi môn thi qua các năm, Sở GD-ĐT sẽ phải có phương thức để chọn năm nay thi môn này, năm sau thi môn khác như hình thức bốc thăm. Với phương án này, cũng có tình huống HS bỏ qua môn học đã thi năm trước đó nên mục tiêu "giáo dục toàn diện" khó đảm bảo như mong muốn. Vì vậy, theo ông Thành, cần hướng tới xây dựng phương án thi làm sao tránh sự đánh đố, bốc thăm để tổ chức môn thi thứ ba.

TĂNG TỶ LỆ VÀO CÔNG LẬP ĐỂ GIẢM ÁP LỰC THI CỬ

Để giảm áp lực cho HS và gia đình các em trong kỳ thi vào lớp 10, một số địa phương đang hướng đến tăng số HS, tăng tỷ lệ tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 THPT công lập.

Ông Nguyễn Phú Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết tỉnh này đang tính toán để năm học tới sẽ có thêm khoảng 1.500 - 1.700 HS vào lớp 10 công lập. Thông tin này được nêu ra trong bối cảnh nhiều ý kiến cử tri lo ngại về việc tỷ lệ phân luồng, học nghề sau THCS của tỉnh những năm qua quá cao, tạo nhiều áp lực và thiệt thòi, thậm chí cả hệ lụy cho HS, gia đình, xã hội.

Ông Nguyễn Phú Sơn phân tích: "Hiện toàn tỉnh có 1.100 lớp ở cấp THPT. Nếu tăng mỗi lớp 5 HS, ngay từ lớp 10 năm học tới, sẽ có thêm từ 1.500 - 1.700 HS được vào THPT công lập với quy mô khoảng 350 lớp, tương đương với mức tăng 10%, nâng tỷ lệ phân luồng từ 63% HS học lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025 lên 73% vào năm học tới. Các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh cho phép tăng từ 80% hoặc hơn vào lớp 10 công lập".

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cũng không đồng tình việc áp dụng các quy định mang tính may rủi vào giáo dục, và cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra những hướng dẫn cơ bản về mặt chính sách, còn lại để các địa phương tự quyết. Môn thi thứ ba cần được công bố sớm để có đủ thời gian ôn tập, dù giỏi tự nhiên hay xã hội, các em đều có cơ hội như nhau.

"Về lâu dài, tôi cho rằng vẫn cần đặc biệt quan tâm và có giải pháp để mở rộng, tăng thêm các trường THPT công lập nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh thi vào lớp 10 hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn khi nhu cầu học tiếp THPT của các em cao", ông Vinh nêu quan điểm.

Bao giờ ban hành quy chế mới ?

Dự kiến sau ngày 18.12, khi đã tổng hợp, phân tích các ý kiến góp ý, quy chế tuyển sinh THCS và THPT sẽ được ban hành. Trên cơ sở đó, các sở GD-ĐT xây dựng phương án tuyển sinh, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, sau đó mới có thể công bố rộng rãi.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và HS, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.