'Sốt' vé xem 'Ngày xửa ngày xưa'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
27/05/2022 06:20 GMT+7

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, chương trình Ngày xửa ngày xưa của Sân khấu IDECAF (TP.HCM) đã trở lại với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: đại chiến nàng tiên cá (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn).

Vở sẽ diễn 25 suất từ ngày 1.7 - 5.8. Theo thông tin từ nhà sản xuất, 13 suất đầu đã bán sạch vé, và khán giả được mua trên hệ thống Ticketbox, không phải xếp hàng trước phòng vé, cũng không sợ nạn “chợ đen”.

NSƯT Mỹ Duyên (trái) vai công chúa Mê Ly và Đình Toàn vai Sinbad

H.K

Ngày xửa ngày xưa là “món ăn” quen thuộc của các em thiếu nhi TP.HCM mỗi dịp hè về, với những câu chuyện dễ thương và các nhân vật dí dỏm. Ngày xửa ngày xưa hè này có thủy thủ đoàn với thuyền trưởng Sinbad (Đình Toàn), thợ máy Sin Máy (Đông Hải), chàng Sin Bắp cơ bắp cuồn cuộn (Tuấn Khải), bà Bảy Sin Bếp (Bạch Long) kè kè cái vá múc canh có thể biến thành vũ khí. Còn hoàng gia họ cá gồm đức vua Mê Say (Tuấn Khôi), hoàng hậu Mê Đắm (Hoàng Trinh), công chúa Mê Ly (NSƯT Mỹ Duyên), bà ngoại cá Mê Mê (NSƯT Hữu Châu). Phía bên họ cá đen thì có bà mẹ Mê Sảng (Hương Giang) sinh ra đứa con Mê La (NSƯT Thành Lộc). Kể cả vai phụ và nhóm múa tổng cộng khoảng 60 nghệ sĩ. Dòng họ cá đen đã hãm hại dòng họ cá trắng chỉ vì Mê La bị khinh rẻ là xấu xí, rồi bà mẹ Mê Sảng cứ giáo dục con bằng lòng thù hận và muốn con chiếm đoạt quyền lợi, địa vị thay cho mình. Cá đen Mê La được phù thủy Tảo Độc hỗ trợ phép thuật để biến lòng đố kỵ, ganh ghét thành hành động trả thù. May là có đoàn thủy thủ của Sinbad đến cứu kịp thời, dù chàng chấp nhận hy sinh tính mạng. Nhưng sự đoàn kết và nhân ái của toàn thể dân cá đã dồn vào viên ngọc giúp chàng hồi sinh. Thông điệp rất rõ ràng, đầy tính giáo dục, nhưng vẫn không bị “lên gân”.

Điểm hấp dẫn của Ngày xửa ngày xưa vẫn là trang phục rực rỡ, âm nhạc rộn ràng tươi vui, nhảy múa sinh động, cảnh trí lung linh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.