'Sự chuyển đổi không được tạo ra nếu ứng dụng công nghệ kém hiệu quả'

Ngọc Lê
Ngọc Lê
30/08/2022 18:38 GMT+7

Đó là ý kiến của chuyên gia Ngân hàng thế giới ông Tan Kim Leng tại hội thảo 'Xây dựng tầm nhìn Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM' do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức ngày 30.8.

Ngày 30.8, Sở TT-TT TP.HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo "Xây dựng tầm nhìn Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM". Chủ trì hội thảo có bà Võ Thị Trung Trinh (Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM); các chuyên gia Ngân hàng thế giới gồm bà Trần Thị Lan Hương, ông Tan Kim Leng, ông Ngô Quốc Thái. Ngoài ra, còn có đại diện của Sở TN-MT, Sở Xây dựng và các quận huyện...

Ông Tan Kim Leng chia sẻ tại hội thảo

NHẬT THỊNH

Xây dựng lộ trình chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM

Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, hội thảo nhằm trao đổi, xác định các yếu tố chính để thực hiện thành công chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM. Đồng thời, tạo sự đồng thuận giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc quản trị dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị.

Nói về kế hoạch chuyển đổi số tại TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về triển khai các nội dung hợp tác giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số, Sở TT-TT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM.

Chiến lược quản trị dữ liệu sẽ xác định tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể, các lĩnh vực ưu tiên cũng như lộ trình, kế hoạch triển khai các dự án, hạng mục số hóa, tạo lập và khai thác dữ liệu phục vụ cho nhu cầu quản trị của TP.HCM.

Bà Võ Thị Trung Trinh nói về khó khăn trong quá trình chuyển đổi số

NHẬT THỊNH

Theo bà Trinh, thời gian qua, Sở TT-TT TP.HCM và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp hoàn thành công tác khảo sát và đánh giá hiện trạng dữ liệu và nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước TP.HCM, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; Nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân và Nhóm dữ liệu về phát triển kinh tế, tài chính.

Bà Trinh cho biết thêm, hiện nay quá trình chuyển đổi số có một số khó khăn như nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại địa phương rất ít, mỗi quận, huyện chỉ có khoảng một đến hai người. Để tháo gỡ vướng mắc trên, TP.HCM hướng đến việc thuê các dịch vụ tạo lập dữ liệu, đơn vị lập trình bên ngoài.

Người dân Singapore gia hạn hộ chiếu không cần đi đến cơ quan hành chính

Chia sẻ về dịch vụ chính phủ số, theo chuyên gia Ngân hàng thế giới Tan Kim Leng, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ, sự chuyển đổi sẽ không được tạo ra nếu ứng dụng công nghệ kém hiệu quả. Bên cạnh công nghệ, công tác này còn phải tập trung đến những đối tượng cần phục vụ, cách thức tổ chức, cơ cấu dữ liệu sao cho các bên có liên quan có thể tiếp cận, sử dụng dễ dàng.

Toàn cảnh buổi hội thảo chiều 30.8

NHẬT THỊNH

Ông Tan Kim Leng còn đưa ra ví dụ về chính phủ số tại Singapore, muốn gia hạn hộ chiếu, người dân có thể thực hiện trên ứng dụng di động mà không cần đi đến các cơ quan hành chính. Trong quá trình làm thủ tục, họ cũng không điền bất kì các biểu mẫu nào, vì các dữ liệu về công dân đã được chính phủ thu thập và chia sẻ nội bộ.

"Lúc này người dân chỉ cần cập nhật hình ảnh mới nhất của bản thân và tiến hành thanh toán, sau đó, họ sẽ nhận được tin nhắn được thông báo về thời gian nhận hộ chiếu. Đó là cách Singapore thay đổi cách tiếp cận công dân bằng dịch vụ chính phủ số”, ông Tan Kim Leng nhấn mạnh.

Cơ quan nhà nước cần cam kết về thời gian xử lý, chất lượng dịch vụ với người dân

Chuyên gia Tan Kim Leng nói rằng, ba cơ sở dữ liệu quan trọng của một đất nước bao gồm: quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý dữ liệu quốc gia về đất đai; quản lý dữ liệu quốc gia về tổ chức. Trong đó, dữ liệu dân cư là nguồn lực quan trọng nhất vì con người là nhân tố tạo ra của cải và tài sản.

Theo ông Tan Kim Leng, để thành lập chính phủ số với những dịch vụ công có hiệu quả thì đầu tiên các cơ quan nhà nước phải thống nhất với nhau đâu là dữ liệu nền cần chia sẻ. Đồng thời, đưa ra cam kết về thời gian xử lý và chất lượng phục vụ các dịch vụ với người dân. Ngoài ra, nhà nước có thể tổ chức cho người dân đánh giá, xếp hạng chất lượng, mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Bảng xếp hạng này sẽ được đăng tải thường kỳ trên các phương tiện truyền thông.

Ông Tan Kim Leng nhấn mạnh, sự minh bạch của các thang đo nói trên sẽ tạo động lực, buộc các cơ quan có thứ hạng thấp phải cải thiện chất lượng phục vụ người dân của mình.

Theo Sở TT-TT TP.HCM, hiện nay TP.HCM đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM.

TP.HCM xác định, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, số hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu thành phố.

TP.HCM cũng xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.