(TNO) Sau 2 tuần không kích Syria, Nga đã khiến cho giới chức tình báo và quân sự phương Tây phải trố mắt kinh ngạc về sự chuyển mình của quân đội Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Chiến dịch tại Syria thể hiện sự chuyển mình của quân đội Nga - Ảnh: AFP |
Trong chiến dịch lần này, Nga sử dụng những loại máy bay chưa từng được thử nghiệm trong các trận chiến, gồm tiêm kích Su-34 và tên lửa hành trình Klub phóng từ tàu chiến có thể bay đến 1.500 km từ biển Caspi. Song song đó là sự phối hợp giữa chiến dịch không kích và lực lượng mặt đất của Syria. Tất cả diễn ra theo kế hoạch rất bài bản.
Chiến dịch tại Syria của Nga phản ánh điều mà giới phân tích mô tả: quân đội Nga đã và đang được hiện đại hóa trong nhiều năm qua, mặc dù nước này đang gặp khó khăn về ngân sách, theo New York Times.
Bài học kinh nghiệm
Trong một bài viết mới đây, cây bút Guastav Gressel của Hội đồng châu Âu về quan hệ ngoại giao (trụ sở tại London, Anh) và cũng từng là cựu sĩ quan quân đội Áo, nói rằng ông Putin đang đưa lực lượng vũ trang Nga tiến hành bước chuyển mình nhanh nhất kể từ những năm 1930. “Nga giờ đây là một cường quốc quân sự có thể áp đảo bất cứ nước láng giềng nào nếu nước đó không có được sự ủng hộ của Mỹ”.
Syria đã trở thành đất thử cho một nước Nga thay đổi về sức mạnh dưới thời ông Putin. Tổng thống Nga hôm 11.10 cũng ngỏ ý rằng chiến dịch Syria có thể gửi thông điệp đến Mỹ và phương Tây về sự khôi phục sức mạnh quân sự của Nga cũng như khả năng vươn ra toàn cầu, sau hàng thập niên Liên Xô tan rã.
Nga đã rút ra nhiều bài học từ quá khứ - Ảnh: Reuters
|
“Điều trước hết là để cho các chuyên gia nhận thức được rằng Nga có những vũ khí hiện đại đó, và chúng thực sự tồn tại. Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi đã chế tạo ra chúng, nâng tầm chúng, đồng thời xây dựng được đội ngũ những người sử dụng các vũ khí này một cách hiệu quả nhất. Giờ đây họ đã thấy rằng Nga sẵn sàng sử dụng chúng để phục vụ cho lợi ích của đất nước và nhân dân Nga”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây.
Trái ngược với việc phủ nhận có liên quan đến tình hình miền đông Ukraine, các cuộc oanh tạc của Moscow tại Syria lại diễn ra công khai và còn được Bộ Quốc phòng Nga thông báo mỗi ngày, các đoạn video cũng được công bố rõ ràng, như cách mà người Mỹ đã làm trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.
Kể từ sau cuộc chiến tranh tại Georgia năm 2008, nơi mà Nga mặc dù thể hiện sự áp đảo nhưng vẫn bị đánh giá yếu kém về khả năng tác chiến, liên lạc, ông Putin (lúc đó còn làm Thủ tướng) đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội, không chỉ tập trung vào mua sắm các loại máy bay, tàu chiến và tên lửa mới mà còn cải tổ hệ thống đào tạo, tổ chức, loại bỏ bớt sĩ quan, thay vào đó là phát triển các sư đoàn chuyên nghiệp hơn.
Chi tiêu quân sự của Nga giữa những năm 1990 chạm đáy nhưng bắt đầu tăng đều dưới thời ông Putin. Mặc cho giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt sau khi sáp nhập Crimea, chi tiêu quân sự của Nga đã ở mức cao nhất trong 25 năm qua, đạt 81 tỉ USD, tương đương 4,2% GDP.
Điều này cho các quan chức và giới quan sát một cái nhìn sâu hơn về quân đội Nga, gần 1/4 thế kỷ trước được coi là mục nát, không đáng kể, hệ thống vũ khí cũ kỹ và ít có khả năng đặt ra mối đe dọa thực sự bên ngoài lãnh thổ.
Ông Putin đang khiến quân đội Nga thực hiện bước chuyển mình nhanh nhất từ những năm 1930 - Ảnh: Reuters
|
Sự tiến bộ về khả năng
Sự tiến bộ của Nga còn được thể hiện qua độ chuyên nghiệp và tính sẵn sàng. Nga thiết lập căn cứ hoạt động chính tại sân bay gần Latakia, miền tây bắc Syria và chỉ trong vòng 3 tuần đã điều hơn 40 máy bay chiến đấu và trực thăng, nhiều xe tăng và xe bọc thép, tên lửa và pháo, cùng chỗ ở cho 2.000 lính. Tốc độ triển khai cực nhanh này khiến phương Tây bất ngờ.
“Điều tiếp tục gây ấn tượng cho tôi là khả năng di chuyển rất nhiều phương tiện thật sự nhanh và xa”, chỉ huy lực lượng lục quân Mỹ tại châu Âu, tướng Ben Hodges nhận định.
Hiện tại, Nga tập trung chủ yếu vào việc không kích, trong khi có khoảng 600 lính thủy đánh bộ làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ ở Latakia. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch hôm 30.9, Nga đã nhanh chóng đẩy mạnh không kích, có ngày lên đến gần 90 lần xuất kích, theo giới phân tích Mỹ.
Công nghệ tên lửa Nga khiến phương Tây thật sự bất ngờ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
|
Nhà nghiên cứu Michael Kofman chuyên phân tích quân sự Nga tại Viện Kennan ở thủ đô Washington (Mỹ) cho rằng chiến dịch mà Nga tiến hành tại Syria: không kích ban đêm, tính toán thiệt hại bằng máy bay không người lái… giống với những gì Mỹ đã từng làm trong những năm 1990 và ngay cả hiện tại. Đây được cho là tiến bộ quan trọng, cho thấy quân đội Nga hiện giờ đã bỏ xa lớp người Nga đã ngã xuống trước kia. Cần nhớ là chỉ vài tháng trước, máy bay Không quân Nga liên tục gặp tai nạn trong các cuộc huấn luyện. Ít nhất 5 máy bay Nga đã rơi chỉ trong vài tháng do phi công phải tăng cường tần suất các chuyến bay.
Ông Kofman và các nhà phân tích khác còn cho rằng, bất ngờ lớn nhất chính là công nghệ tên lửa của Nga. Tên lửa hành trình Klub bắn từ tàu tên lửa ở biển Caspi mới chỉ được thử nghiệm vào năm 2012, tầm bắn đạt gần 1.500 km và chưa từng được dùng trong chiến đấu. Và mặc dù phương Tây cho là 4 tên lửa đã rơi xuống Iran, tên lửa Klub này cũng thể hiện sự tiến bộ về công nghệ (cải thiện độ chính xác và hỏa lực) khiến giới chỉ huy quân sự NATO lo ngại. “Vũ khí mới này có khả năng thật ấn tượng”, ông Kofman nhận xét.
Hãng truyền hình Nga hôm 12.10 nói rằng tên lửa từ biển Caspi có thể bắn tới Vịnh Persia, bán đảo Ả Rập và toàn Địa Trung Hải. Việc thử nghiệm đã được 2 tàu ở biển Đen tiến hành.
Ngoài ra, chiến hạm Moskva được trang bị tên lửa hành trình, là tàu chiến chủ chốt tại Hạm đội biển Đen đã phối hợp cùng các tàu khác tạo một vòng bảo vệ vùng trời cho các máy bay và binh sĩ Nga đang được triển khai tại Syria.
Về mặt chuẩn bị, các quan chức Mỹ nói rằng Nga đã lên kế hoạch chặt chẽ cùng các đồng minh trước cuộc chiến này. Theo đó, lãnh đạo lực lượng bán quân sự Quds Force của Iran, tướng Qassim Suleimani đã đến Moscow hồi cuối tháng 7 để bàn về việc phối hợp tiến công tại Syria. “Việc phác thảo kế hoạch đã được quyết định từ nhiều tháng trước”, theo tướng Richard P. Zahner, cựu sĩ quan tình báo cấp cao Lục quân Mỹ tại châu Âu và Iraq.
Các quan chức Mỹ mặc dù ấn tượng với tốc độ triển khai máy bay và trực thăng của Nga đến Syria nhưng cho biết Nga mới chỉ sử dụng một phần nhỏ không lực, các loại vũ khí đạn dược vẫn được sử dụng một cách hạn chế. Và rõ ràng là Nga đã rút được những bài học từ các chiến dịch quân sự, theo nhận xét của tướng không quân Mỹ về hưu David A. Deptula. “Nga đang sử dụng việc triển khai quân sự ở Syria như một mảnh đất thể hiện khả năng của mình”.
Bình luận (0)