Ngôi chùa nhỏ thôi nhưng có tổng cộng 35 người, trong đó có 15 trẻ từ 1-15 tuổi mồ côi được nuôi dưỡng chu đáo mỗi ngày.
Sư cô Minh Tâm xuống tóc cho các bé - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Ngày tháng thoi đưa, không biết tự lúc nào, đây trở thành nơi chăm bẵm những đứa trẻ hệt như một nhà trẻ thứ thiệt. Có điều, tất cả chúng đều bị cha mẹ vứt đi.
Chúng tôi đến niệm phật đường Mỹ Hóa (nằm trên QL1A, thuộc xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định) một chiều cuối tháng tư hanh hao nắng. Bên trong sân chùa, một sư cô trẻ tuổi đang chăm chú cạo đầu cho các em bé. Lần lượt từng bé một được tắm rửa, cạo đầu theo nghi thức nhà chùa. Xong đâu đó, sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tâm mới tiếp khách và kể câu chuyện về những số phận neo lại nơi cửa chùa.
Những đứa trẻ bị bỏ lại cửa chùa
Sư cô Thích Nữ Minh Tâm cho biết đã ở niệm phật đường Mỹ Hóa được 12 năm và gầy dựng nơi này từ một nơi hoang vắng thành một nơi khang trang để thờ tự Phật và nuôi nấng trẻ. Theo lời kể của sư cô Minh Tâm, việc nuôi trẻ mồ côi này là một cơ duyên. Phải có duyên để trong đời gặp nhau và còn trở thành người nuôi nấng các bé. “Có khi đêm đang ngủ thì nghe tiếng khóc văng vẳng, chạy ra cổng thì thấy em bé nằm trong một cái giỏ ai đó bỏ lại trước cổng chùa. Cũng có khi là lúc sáng sớm, hay giữa trưa vắng người. Thường họ chỉ bỏ lại trẻ với bộ đồ và một cái khăn chứ không có thêm gì khác. Mà, đa số các bé đều bị một bệnh lý hay dị tật nào đó”, sư cô trụ trì bùi ngùi nhớ lại.
Có gia đình nọ ở Gia Lai, hai vợ chồng có 3 cô con gái, đứa lớn nhất mới 3 tuổi, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa. Chẳng hiểu thế nào, hai vợ chồng bỏ nhau, bỏ lại luôn 3 đứa con cho một ngôi chùa trên Gia Lai nuôi. Các sư cô ở đây nuôi được một thời gian thì một trong ba chị em đó bị bệnh mà chết. Đứa út lúc đó cũng bị nhiễm trùng máu. Hoảng quá, các sư cô mang xuống niệm phật đường Mỹ Hóa gửi sư cô Minh Tâm nuôi nấng 2 chị em còn lại. Sau một thời gian chạy chữa, bé út bớt bệnh nay đã được 3 tuổi, bé lớn hơn cũng được các sư cô cho đi học.
Có bé Hồ Tâm Phúc (13 tháng tuổi) bị bỏ trước cổng chùa ngay khi còn đỏ hỏn, chỉ nặng 1,4 kg. Các sư cô trong chùa phải ngược xuôi đưa bé đi bệnh viện để nằm lồng kính để qua cơn nguy kịch do sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng nặng. Nặng nhất là bé Hồ Tâm Đạo (12 tháng tuổi), lúc nuôi được vài tháng, bé nhanh lớn, bụ bẫm rồi tự nhiên chững lại, ốm yếu dần. Đi khám mới biết bé bị ngoại tạng (ruột nằm ngoài ổ bụng) phải mổ để sắp lại các bộ phận. Rồi có bé bị down, bị các dị tật bẩm sinh cũng bị cha mẹ bỏ lại trước cổng chùa…
Gieo mầm thiện
Một ngôi chùa nhỏ, không có đất đai để trồng trọt hay làm gì để cải thiện đời sống kinh tế nhưng lại phải gánh gồng nuôi hơn chục trẻ mồ côi, nhỏ thì ở tại chùa, lớn thì được sư cô cho đi học các trường tại địa phương và trong nước. Tất cả sống bằng lòng hảo tâm của các phật tử. Khi hỏi, ở hoàn cảnh như thế này, các sư cô có nản không, nhất là khi các bé đau ốm liên miên thì sư cô Minh Tâm chỉ cười lắc đầu nói: “Không đâu, khi mình đã phát tâm thiện nguyện thì mọi khó khăn đều vượt qua được. Với lại, nuôi nấng các bé mỗi ngày lại là niềm hạnh phúc lớn lao đối với các sư cô trong chùa”.
Ngôi chùa nhỏ ngập tràn tiếng cười, nói của các bé trêu đùa nhau. Bên góc sân chùa, có đầy đủ các đồ chơi, vòng quay như một nhà trẻ. Các sư cô giải thích, trước đây có một đợt kiểm tra chùa của cán bộ huyện. Họ yêu cầu chùa phải trang bị đầy đủ vật dụng, đồ chơi thì mới được nuôi trẻ nên chùa cũng cấp tập bổ sung. Các cháu có thêm sân chơi lành mạnh và bổ ích.
Nhiều gia đình hiếm muộn đến xin trẻ về nuôi nhưng sư cô Minh Tâm đều nhẹ nhàng từ chối. Sư cô Minh Tâm trì lý giải: “Nếu có cho thì cho ngay lúc nhận chứ đã mang vào chùa nuôi nấng rồi thì coi như em bé đó có duyên với chùa, với Phật. Mình mà cho đi, giả sử họ có cho lại mấy triệu đồng, dù mình có lấy hay không thì người ngoài cũng đồn đãi là mình bán trẻ, như thế không hay chút nào. Mình cứ nuôi lớn, cho các cháu đi học Phật pháp đặng sau này kế nghiệp Đức thế tôn mà gieo mầm Phật pháp trong nhân gian. Còn nếu cháu nào muốn hoàn tục thì cứ theo ý. Như thế không phải tốt hơn sao?”.
Câu chuyện với sư cô Minh Tâm tới đó thì dang dở. Sư cô và một người nữa phải ra bắt chuyến xe đưa 3 bé đi vào TP.HCM để khám chữa bệnh. Tay xách, nách mang, hai sư cô đội thêm chiếc mũ, mặc thêm áo khoác cho các bé. Trước khi lên xe, thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, sư cô Minh Tâm trấn an: “Cứ vài bữa là phải đi như vầy, các bé cũng quen rồi, các sư cô cũng vậy. Mình không nuôi thì thôi, chứ nuôi là phải lo hết mình cho các bé”.
Bình luận (0)