Sử dụng năng lượng hiệu quả, Việt Nam có thể tiết kiệm 6 triệu tấn dầu mỗi năm

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/12/2020 09:49 GMT+7

Với mục tiêu tiết kiệm 8 - 10% năng lượng để phát triển theo “kịch bản bình thường”, Việt Nam có thể tiết kiệm 60 triệu tấn dầu quy đổi từ nay đến 2030, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp cả nước đã dùng năm 2014.

Đó là con số đáng chú ý của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, được Bộ Công thương công bố mới đây tại lễ phát động cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương).

Nền kinh tế không hiệu quả về mặt năng lượng

Con số chúng ta có thể tiết kiệm tới 60 triệu tấn dầu quy đổi, tức mỗi năm 6 triệu tấn nếu hoàn thành mục tiêu chương trình là khá tham vọng. Vậy, cơ sở nào để chúng ta tin tưởng có thể hoàn thành mục tiêu này, thưa ông?
Ông Phương Hoàng Kim: Theo dữ liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 5,94, thấp hơn so với Trung Quốc (6,69) nhưng cao hơn rất nhiều các nước ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 3,12) và Ấn Độ (4,73), cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại.
Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không hiệu quả về mặt năng lượng. Nhiều đánh giá của chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu uy tín quốc tế cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí ở khâu sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho đến tại hộ gia đình.
Các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được 28 - 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.
Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta vẫn đang thu hút đầu tư nhiều ở các ngành không áp dụng công nghệ, ngốn nhiều năng lượng như thép, xi măng… Vậy, có phải đây cũng là dư địa để ta có thể tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả?
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vì vậy, việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, nhằm loại bỏ những rào cản và kiểm soát nguy cơ phát sinh về gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia, đồng thời trực tiếp giải quyết các vấn đề cốt lõi trong yêu cầu phát triển bền vững, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia như giảm áp lực đầu tư nguồn điện mới; bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính…

Xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng

Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào, nhất là chính sách tầm vĩ mô trong thu hút đầu tư, để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả?
Có 3 giải pháp nền tảng mà Việt Nam cần phải kiên trì áp dụng. Một là phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng.
Cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng.
Hai là lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện.
Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp.
Ba là lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới.
Đây không phải là đầu chúng ta có chiến lược tiết kiệm năng lượng, vậy xin ông cho biết một số kết quả của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng thời gian qua?
Ở phạm vị quốc gia, các hoạt động cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã được thống nhất hóa trong khung hành động tổng thể thông qua Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được tổ chức triển khai liên tục trong 10 năm (2006 - 2015).
Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình mục tiêu này cho thấy, Việt Nam đã thu nhận những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Rất nhiều các tổ chức quốc tế uy tín đồng hành cùng sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đánh giá rất cao kết quả này.
Các đánh giá khách quan cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 103,7 tỉ kWh giờ điện so với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nếu không thực hiện chương trình mục tiêu này.
Hiệu quả các hoạt động thuộc chương trình không chỉ dừng lại trong thời gian chương trình diễn ra mà nó tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhiều năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.