Sử dụng túi phân hủy, phải tuyên truyền mạnh từ bà bán rau

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/06/2020 06:53 GMT+7

Dự kiến đến năm 2030, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.

Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, đây là thách thức không nhỏ.

Các siêu thị dùng túi tự phân hủy

Bà Hạnh Vân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể bà có thói quen đi siêu thị về có túi ni lông nào là gấp gọn gàng giữ bỏ trong một hộc tủ bếp để dành… khi nào cần sử dụng. Một ngày đẹp trời, dọn lại tủ bếp, bà phát hiện một xấp hơn 50 chiếc túi mà bà từng đi các siêu thị BigC, VinMart, Co.opMart, LotteMart gom giữ lại đều vỡ vụn rơi vung vãi khắp hộc tủ bếp. Lúc đó, bà Hạnh Vân mới hay, những chiếc túi này là loại phân hủy, không phải ni lông như ngày xưa.
Chiều 26.6, đại diện chuỗi siêu thị BigC và Go! tại TP.HCM cho hay ngoài việc đã dùng túi tự phân hủy cho khách từ nhiều năm trước, đến nay, trong hệ thống không còn kinh doanh ống hút bằng nhựa nữa, thay vào đó là ống hút bằng giấy. Ngoài ra, BigC cũng đã hỗ trợ cung cấp thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí cho khách hàng, thay vì các thùng nhựa trước đây. Tương tự, các cửa hàng tiện lợi VinMart trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết không còn kinh doanh ống hút nhựa hay sử dụng bao bì ni lông cho khách.
“Khổ nhất là phải lau sạch những mảnh vụn túi vỡ ra rất khó, nó tự hủy và dính sát trong gỗ, lau ướt, lau khô đều không được. Lấy máy hút bụi hút đi cũng không sạch hết vì các mảnh vỡ bám chặt vào mặt gỗ và vỡ vụn từng đám bụi trắng rất “đáng ghét”. Lúc đó, mới hay mình thành “bà già lẩm cẩm” từ lúc nào, không nghĩ những túi này là túi tự hủy”, bà Hạnh Vân chia sẻ và nói thêm: “Bây giờ tìm hiểu đã biết rõ các siêu thị đều dùng túi tự hủy, nhưng chợ thì chưa. Tiếc là tại các chợ dân sinh, các bà bán hàng, bà nội trợ vẫn còn vô tư sử dụng túi ni lông khó phân hủy”.
Tại TP.HCM, cách đây gần 1 năm, UBND TP đã ban hành kế hoạch “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, từ ngày 1.8.2019, các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn TP phải cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị. Và từ năm 2020 này, Sở Tài chính TP.HCM đã không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị.
Riêng lĩnh vực bán lẻ hiện đại, thì ngoài việc sử dụng túi ni lông sinh học tự phân hủy cho khách hàng, hệ thống các siêu thị VinMart, Co.opMart, BigC... đã áp dụng bao gói rau bằng lá chuối thay vì túi ni lông trước đó.

Quên túi ni lông đi, đẳng cấp bây giờ phải gói đồ bằng... lá chuối - Video tư liệu

Thách thức ở chợ dân sinh

Cách đây đúng 1 năm, vào ngày 9.6.2019, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khởi động chương trình ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa và nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp. Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chính thức ký quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
TP.HCM có thể nói là một trong những địa phương đi đầu phong trào nói không với túi ni lông. Theo kế hoạch, đến ngày 31.12.2020, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... tại TP.HCM sẽ sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Riêng tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Đánh giá về tiến độ thực hiện việc nói không với túi ni lông tại các TP lớn, chuyên gia môi trường Phạm Thế Hiện, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ và quản lý môi trường VN, cho rằng: “Ý thức của các bà nội trợ đã bắt đầu hình thành rất tốt, nhưng chính mấy tiểu thương bán thịt, bán rau, bán trái cây… chưa nói không với túi ni lông. Chẳng hạn, mua 2.000 đồng hành lá, họ cho ngay vào một túi ni lông, thêm 2 quả cà chua, một túi nữa. Rồi 1 quả bí xanh, thêm một túi nữa. Thế nên, theo tôi, muốn chương trình nói không với túi ni lông thành công, TP.HCM nên đi đầu trong phong trào này và chỗ đầu tiên cần đến tuyên truyền là các bà tiểu thương ở chợ, bà bán xe đẩy thức ăn ven đường”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.