Ngày 15.11, tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử", nhằm ôn lại và tôn vinh tinh thần đoàn kết dân tộc cũng như ý nghĩa lịch sử của sự kiện quan trọng này.
Ngày 7.5.1954, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng này không chỉ chấn động thế giới mà còn buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh và tạm thời chia đôi đất nước theo vĩ tuyến 17 để tập kết lực lượng giữa hai bên.
Theo nội dung Hiệp định Genève, 3 khu vực ở Nam bộ được chọn làm nơi tập kết lực lượng: khu tập kết 80 ngày tại Hàm Tân - Xuyên Mộc (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khu tập kết 100 ngày tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) và khu tập kết 200 ngày tại Cà Mau - nơi có thời gian tập kết dài nhất.
Tại Cà Mau, khu vực tập kết chủ yếu nằm dọc theo kênh xáng Chắc Băng, nối từ ngã ba sông Trẹm (TT.Thới Bình, H.Thới Bình) đến ngã ba sông Cái Lớn (H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) cùng một số điểm khác trong tỉnh.
Dấu ấn lịch sử không thể phai mờ
Dưới sự chỉ đạo của T.Ư Đảng, Bác Hồ và T.Ư Cục miền Nam, Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức, bố trí lực lượng một cách chu đáo và cẩn thận. Việc tập kết ra Bắc không chỉ là một yêu cầu từ hiệp định mà còn mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, là sự chuẩn bị cho những nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Tinh thần của thời kỳ này được thể hiện rõ ràng qua khẩu hiệu "đi là thắng lợi, ở là quang vinh".
Trong 200 ngày tập kết, nhân dân Cà Mau đã trải qua những tháng ngày tự do và hạnh phúc trước khi chuyến tàu cuối cùng chuyển quân rời bến Sông Đốc vào ngày 8.2.1955, kết thúc quá trình tập kết và để dấu ấn lịch sử không thể phai mờ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, khẳng định dù đã 70 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Đây là bài học lớn về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội thảo không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng, mà còn là cơ hội để phân tích và khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như rút ra những bài học quý báu từ sự kiện này.
Bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhấn mạnh rằng, khu tập kết tại Cà Mau có vai trò chiến lược không chỉ đối với tỉnh mà còn đối với toàn miền Nam, khi trở thành nơi tập trung lực lượng vũ trang từ Cần Thơ, Sóc Trăng... Việc tập kết là bước đi quan trọng để tổ chức lại lực lượng sau chiến tranh, tái lập trật tự và ổn định, mang lại niềm tự hào sâu sắc cho người dân và cán bộ địa phương. Bà nhìn nhận, hội thảo 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm sáng rõ giá trị lịch sử và củng cố tình đoàn kết giữa hai miền Nam - Bắc. Đây không chỉ là hoạt động kỷ niệm mang tính giáo dục mà còn là sự khẳng định niềm tự hào dân tộc, tạo động lực phát triển cho các thế hệ tiếp nối, xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh và hùng cường.
Bình luận (0)