Anh Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc trải nghiệm khách hàng của Tập đoàn PNJ, cho biết anh nhiều lần tham gia các sự kiện trực tuyến được tổ chức từ nước ngoài. “Các sự kiện trực tuyến là xu hướng tất yếu. Dịch Covid-19 chỉ là thời điểm mấu chốt để xu hướng này tới nhanh hơn, chuyển dịch sự kiện từ trực tiếp qua trực tuyến”, anh Tâm nói.
Chị Ngô Thị Thanh Thảo, quản lý truyền thông của Change (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển), cho rằng trong thời điểm người trẻ đã đủ nhiều lo lắng về dịch bệnh, điều mọi người cần là sức khỏe tinh thần. Do đó, những chương trình trực tuyến có chủ đề và thiết kế mang màu sắc tích cực, tươi vui và khách mời là những người tràn đầy năng lượng, dẫn dắt dí dỏm giúp người xem khó rời màn hình.
Còn chị Huỳnh Hoài Nhân (31 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM, chia sẻ: “Có ai đó đã ví von một ý khá hay, rằng đại dịch lần này là “cuộc thử nghiệm lớn nhất hành tinh” về khả năng số hóa các hoạt động học tập, làm việc của con người. Đó là một cách thích nghi rất tự nhiên. Chúng ta dễ thấy được những ưu điểm của sự thay đổi: bảo đảm vận hành các hoạt động xã hội, tiết kiệm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí hậu cần, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho nhiều đối tượng”.
Theo chị Huỳnh Hoài Nhân, có thể rất dễ xảy ra tình trạng tài khoản vẫn trực tuyến trong cuộc họp, nhưng người thì đã rời khỏi màn hình để đi nấu ăn, chăm con hay… đi tắm cùng nhiều tình huống dở khóc dở cười khác.
“Có những sự kiện mà việc có mặt trực tiếp mới đem lại cho bạn cơ hội lĩnh hội tri thức một cách sâu sắc và những trải nghiệm trọn vẹn. Môi trường trực tuyến dĩ nhiên sẽ không tạo điều kiện cho các tương tác cảm xúc mặt đối mặt đủ phong phú, chân thật. Việc tham dự các sự kiện, lớp học trực tiếp, bên cạnh mục đích trao đổi thông tin, nó cũng là cơ hội để con người kết nối tình cảm, phát triển mối quan hệ, kỹ năng. Không phải lúc nào nhanh nhất, gọn nhất, cũng là hiệu quả nhất về lâu dài. Hình thức làm việc trực tuyến cho chúng ta thêm những lựa chọn, tùy tính chất của sự kiện và bối cảnh thực tế mà ta có. Và nó không nên là một sự lệ thuộc mới”, chị Nhân phân tích.
Bình luận (0)