Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Bỏ cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
20/12/2020 05:00 GMT+7

Nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn vừa được phê duyệt đã bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước 1975. Quy định về việc thi hoa hậu, người mẫu ở nước ngoài cũng được nới lỏng.

Không phân biệt tác phẩm

Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về nghệ thuật biểu diễn đã được phê duyệt ngày 14.12. Trong đó, so với Nghị định 79/2012 cũng về nghệ thuật biểu diễn, đã không còn việc cấp phép phổ biến bài hát miền Nam trước 1975. “Không còn quy định về việc cấp phép biểu diễn tác phẩm nữa”, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT-DL, nói.
Trước đó, theo Nghị định 79, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía nam hoặc tác phẩm của người VN đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sau đó, tác phẩm sẽ được xem xét có cấp phép hay không. Việc cấp phép trước đây cũng khá nhỏ giọt chứ không cấp cho toàn bộ sáng tác của một tác giả nào đó. Chẳng hạn, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải xin cấp phép phổ biến bài hát của ông nhiều lần, mỗi lần một hoặc vài bài.
Tuy nhiên, theo ông Dương, quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm việc phổ biến các bài hát. “Mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào điều 3 của Nghị định 144 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan”, ông Dương cho biết. Hiện tại, điều 3 này quy định về các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, việc biểu diễn không được chống nhà nước CHXHCN VN, không xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN VN, không xâm phạm an ninh quốc gia, không kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại…
Trước đó, có những vụ việc rất đáng tiếc liên quan đến việc không cho phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Chẳng hạn, Ly rượu mừng, một bài hát rất phổ biến ở miền Nam đã bị cấm hát trong suốt 40 năm. Theo tư liệu chương trình Giai điệu tự hào tháng 1.2017, vì bài hát có từ “đời lính”, “binh sĩ” mà đã không được hát trong suốt thời gian dài. Sau này, Phương Nam phim cùng gia đình tác giả đã phải tìm tư liệu cũ liên quan. Họ chứng minh được bài hát do ông Phạm Đình Chương sáng tác về những người lính chống Pháp trong giai đoạn 1951 - 1953. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép phổ biến bài hát đầu năm 2016.
Việc bỏ cấp phép phổ biến cho các ca khúc miền Nam trước 1975 đã chấm dứt việc tranh cãi xem nên đưa ra danh sách các bài hát bị cấm phổ biến hay tiếp tục cấp phép từng bài từng bài như trước.
Việc thi hoa hậu cũng được nới lỏng. Theo quy định cũ, phải vào top 3 cuộc thi hoa hậu trong nước mới được xét cấp phép dự thi quốc tế. Mặc dù vậy, tại Nghị định 144, yêu cầu về giải thưởng trong nước đã không còn. Hồ sơ xin cấp phép chỉ còn yêu cầu lý lịch tư pháp và thư mời chấp nhận thí sinh từ cuộc thi quốc tế gửi về.
Việc cấm hát nhép cũng không còn được quy định trong Nghị định 144. Trong khi đó, trước đây việc hát nhép thậm chí có thể bị phạt tới 10 triệu đồng. Về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng quy định này do yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật rất khác nhau. Có chương trình do yêu cầu an toàn chất lượng nên sử dụng hát nhép.
Một vấn đề đã tồn tại vẫn tiếp tục tồn tại trong nghị định mới là việc cấp phép biểu diễn mà không cần có văn bản thỏa thuận về tác quyền âm nhạc. Trước đây, Nghị định 15/2016 về nghệ thuật biểu diễn quy định trong hồ sơ cấp phép biểu diễn đơn vị tổ chức phải gửi văn bản thỏa thuận với người đang nắm quyền sở hữu bài hát. Tuy nhiên, Nghị định 142/2018 đã bãi bỏ thủ tục này. Điều này đã dẫn đến việc trốn tránh trả tác quyền, cũng như việc nhạc sĩ không đồng ý cho hát mà đơn vị cấp phép vẫn cấp phép cho ca sĩ hát. Về nguy cơ nhạc sĩ không cho hát, cơ quan quản lý vẫn cấp phép, ông Hướng Dương nói: “Sở vi phạm (khi cấp phép - PV) thì tác giả có quyền kiện Sở”.
Nghị định 144 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.2.2021. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Nghị định 79 cũng như Nghị định 15, điều 6 Nghị định 142, khoản 1 điều 6 Nghị định 54/2019 hết hiệu lực thi hành.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường cùng tập sách ảnh

ẢNH: NGỌC AN

Lần đầu công bố nhiều hình ảnh về Chiến tranh biên giới

Sau hơn 40 năm, lần đầu tiên, nhiều hình ảnh về Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 được công bố trong cuốn sách ảnh của nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường.
Ở tuổi 85, nhà báo Trần Mạnh Thường xúc động khi những bản phim ông giữ gìn lâu nay đã có thể in ra, tập hợp trong cuốn sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979. “Tôi từng lo trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa làm được sách, còn giờ thì tôi rất phấn khởi”, ông vừa nói vừa lật giở từng trang sách.
Bức ảnh khiến ông bị ám ảnh khi bấm máy đó là hình ảnh chị Nguyễn Thị Hải và 4 người con ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TX.Cao Bằng, bị giặc giết hại, bên cạnh là hình ảnh anh Nông Văn Ất - chồng chị, đau đớn chia sẻ với các nhà báo nước ngoài. Các con của họ, đứa bé nhất mới 3 tuổi, đứa lớn nhất 10 tuổi, chị Hải lúc đó đang mang thai ở tháng thứ 6. Bức ảnh khiến người xem ớn lạnh, rùng mình khi không phải 5 mà 6 con người đã bị sát hại dã man. “Tôi muốn công bố bức ảnh này để cho thấy tội ác của giặc đã gây ra”, nhà báo Trần Mạnh Thường khẳng định.
Bức ảnh nằm trong phần Tội ác của quân xâm lược của tập sách, 2 phần tiếp theo là Tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân dân Việt NamThắng lợi vẻ vang. Sau hơn 40 năm, Trần Mạnh Thường vẫn xúc động khi nhìn lại hình ảnh nhiều nhà máy thủy điện bị đánh sập; bệnh viện chỉ còn là đống gạch vụn; nhà trẻ bị san phẳng; cây cầu chỉ còn là đống sắt vụn; hình ảnh thanh niên các dân tộc ở biên giới hăng hái xung phong tòng quân, cha tiễn con lên đường ra trận, bộ đội hành quân truy kích địch, bữa cơm trên đường hành quân ra trận; hình ảnh xe tăng của giặc bị tiêu diệt, tù binh bị đưa về trại giam… Những hình ảnh giống như thước phim quay chậm đưa người xem trở lại với cuộc chiến ác liệt cách đây hơn 40 năm. “Khoảng thời gian 5 năm được nhà nước cử đi Đức học nhiếp ảnh đã dạy tôi ý thức chụp để có được bộ ảnh đầy đủ, tức là phải mô tả được toàn diện về cuộc chiến”, nhà báo Trần Mạnh Thường cho hay.
Cuốn sách gồm hơn 100 bức ảnh đen trắng, bao gồm những hình ảnh hiếm hoi chụp tại mặt trận Cao Bằng vào sáng 17.2.1979, thời điểm bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc của quân dân ta.
Trong vai trò phóng viên ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa (Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT-DL), Trần Mạnh Thường nhận nhiệm vụ tăng cường cho vùng biên giới, ghi hình ảnh làm tư liệu. Ông tới Cao Bằng vào tháng 10.1978, lúc ấy Trung Quốc đã công kích ở vùng biên. Sau tết âm lịch, ông trở lại và linh tính về cuộc chiến. “Tôi mua vé máy bay lên Cao Bằng thì người ta nói không bán vé khứ hồi mà chỉ bán vé 1 chiều”, ông nhớ lại. Đó là ngày 16.2.1979. Sau chuyến bay, ông có mặt ở TX.Cao Bằng vào lúc 11 giờ trưa, rồi theo xe về vùng biên giới nghỉ đêm tại H.Hòa An. “Khoảng 5 - 6 giờ sáng hôm sau (17.2.1979), tôi nghe thấy tiếng súng nổ”, ông kể. Trần Mạnh Thường nói nếu chỉ chậm 1 ngày hay không quyết định đi về vùng biên giới, ông sẽ không thể ghi lại những hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến tại mặt trận biên giới Cao Bằng như thế, “bởi địch đã chiếm được vùng ở ngay phía sau”.
Ở tuổi 85, nhà báo Trần Mạnh Thường vẫn vi vu trên đường với chiếc xe máy, chụp ảnh, dạy học, đi chơi với bạn bè... Ông bảo: “Muốn sống lâu nhưng phải sống khỏe mạnh, có ích”. Mỗi cuốn sách được in giá 200.000 đồng, nhưng cả 300 cuốn sách đã được in, ông đều không bán mà chỉ gửi tặng. Ông nói nếu có nhiều tiền hơn, ông sẽ in thêm nữa. Ông kể tự mình bỏ tiền làm sách, với số lượng sách như vậy cũng tốn tới cả khoảng trăm triệu. Hỏi ông lấy đâu ra số tiền không nhỏ ấy để làm sách, ông cười, kể: “Tôi vừa biên soạn một cuốn sách được trả 150 triệu, nên lấy bù vào đây”.
Hơn 100 bức ảnh trong cuốn sách mới chỉ là một phần trong khoảng 600 bức ảnh được ông lưu giữ suốt hơn 40 năm về cuộc chiến, ông hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục đưa đến với công chúng. “Cuốn sách này với tôi rất quý. Không phải quý vì là của mình, hay mình từng cận kề cái chết để chụp, quan trọng là để thế hệ hôm nay và mai sau được nhìn thấy những hình ảnh này, để nhớ rằng chúng ta đã có một cuộc chiến dù ngắn nhưng khốc liệt đến thế nào”, nhà báo Trần Mạnh Thường nói.

Khai mạc Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế bên sông Hương

Tối 18.12, tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (bờ nam sông Hương, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã khai mạc Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế, 2020.
Bên cạnh hoạt động trình diễn áo dài truyền thống Huế, giới thiệu các bộ sưu tập của nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may áo dài xứ Huế còn có nghi thức quảng diễn Ngày hội Áo dài Huế 2020; biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại cầu đi bộ gỗ lim bên sông Hương... Bên cạnh đó, tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao TP.Huế (số 23 Lê Lợi) diễn ra các hoạt động trưng bày áo dài truyền thống, thao diễn nghề may thêu, trang trí áo dài. Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó ban thường trực ban tổ chức, cho biết Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa Thừa Thiên-Huế nói riêng; bước đầu triển khai 2 đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt Nam”.
Ngày hội Áo dài diễn ra đến ngày 20.12 tại cụm không gian liên hoàn bờ nam sông Hương. Riêng Lễ hội Ẩm thực Huế quy tụ khoảng 50 - 60 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay... kéo dài đến hết ngày 23.12.

Bìa sách Nhật ký phi công tiêm kíchTại sao Việt Nam đánh thắng B-52?

ẢNH: LÊ CÔNG SƠN

"Giải mã" những chiến công đánh thắng B-52

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12, NXB Trẻ phát hành hai tác phẩm mới Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? và Nhật ký phi công tiêm kích.
Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52?-Những chuyện bây giờ mới kể của trung tướng - Anh hùng LLVTND Phan Thu và Nhật ký phi công tiêm kích của trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, qua những tư liệu quý của người trong cuộc, giúp người đọc hiểu hơn những năm tháng hào hùng, họ đã từng sống và chiến đấu.
Những chuyện bây giờ mới kể giải mã nhiều điều thú vị: chính hình ảnh nhiễu trên màn hiện sóng radar giúp cho kíp trắc thủ chọn chính xác điểm bám sát dải nhiễu; chính radar “cổ lỗ sĩ” K8-60 đã vạch mặt B-52; chính Bộ đội phòng không Việt Nam đã phát minh ra phương pháp bắn 3 điểm, cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 để chống nhiễu mục tiêu và rãnh đạn tên lửa... Sách chỉ ra những tính năng của B-52 mà người Mỹ cho là “bất khả xâm phạm” đã bị Việt Nam biến thành “tử huyệt” trên bầu trời Hà Nội.
Còn Nhật ký phi công tiêm kích ghi lại những suy nghĩ riêng tư, là sự trải lòng trước thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, trở thành một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ Nguyễn Đức Soát. Ông mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thời ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu và cả những chiến công oanh liệt của lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường.

Trao giải cho đại diện đoàn phim nhận giải vàng hạng mục phim truyền hình và giải nam, nữ diễn viên xuất sắc

ẢNH: VTV

Sinh tử và Kẻ sát nhân cô độc giành giải vàng ở Liên hoan truyền hình toàn quốc 2020

Hai bộ phim Sinh tử (Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam) và Kẻ sát nhân cô độc (Hãng phim Truyền hình TP.HCM) đã cùng nhận giải vàng tại hạng mục phim truyền hình của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 - năm 2020. Lễ trao giải diễn ra tối 16.12, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Trong danh sách giải thưởng cá nhân, diễn viên Việt Anh (vai Mai Hồng Vũ) trong phim Sinh tử và diễn viên Ngọc Lan (vai Trang) trong phim Luật trời lần lượt nhận giải nam/nữ diễn viên xuất sắc. Bên cạnh đó, một số giải vàng khác được trao cho các tác phẩm: Nơi ấy là mặt trời (chương trình ca múa nhạc), Thế giới kỳ diệu của chị Bool Bool, Gọi yêu thương (chương trình dành cho thiếu nhi); Vì niềm tin, vì hạnh phúc (chương trình đối thoại - tọa đàm), Cải lương: Án tử (chương trình sân khấu)...
Năm nay, liên hoan có 422 tác phẩm dự thi ở 9 thể loại: chương trình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu (gồm 1 tập và dài tập), phóng sự, chương trình chuyên đề - khoa giáo, chương trình đối thoại - tọa đàm, chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, chương trình ca múa nhạc, chương trình sân khấu và phim truyền hình (gồm 1 tập, ngắn tập và dài tập). Ban tổ chức đã trao 38 giải vàng, 63 giải bạc và 109 bằng khen. Năm nay cũng là liên hoan truyền hình đầu tiên có 14 tác phẩm xuất sắc về đề tài dân tộc, miền núi được trao giải (giải thưởng phụ này do Ủy ban Dân tộc phối hợp với VTV trao tặng).
Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho biết đây là lần đầu liên hoan truyền hình diễn ra rất khác biệt, cách thức tổ chức phải thay đổi để phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19: không có đại biểu về dự, chỉ có các ban giám khảo chấm thi, chọn ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải, tôn vinh những nỗ lực nghề nghiệp của những người làm truyền hình cả nước trong một năm qua.

Cụm di tích tại làng cổ Nam Ô được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố

ẢNH: HOÀNG SƠN

Đà Nẵng xếp hạng cụm di tích lịch sử Nam Ô

Ngày 15.12, thông tin từ UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa quyết định xếp hạng di tích cấp TP đối với cụm di tích lịch sử Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu).
Cụm di tích này bao gồm 7 di tích: đình Nam Ô, lăng Ông, dinh Âm Linh, nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng. Theo đánh giá của ngành văn hóa, các di tích trong cụm di tích lịch sử Nam Ô mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử rõ nét, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung.
Đầu năm 2018, một doanh nghiệp đã có đề nghị di dời các di tích dinh Cô hồn, lăng Ông và miếu Bà Liễu Hạnh (có niên đại hàng trăm năm) đến vị trí khác để triển khai dự án. Đề nghị này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân bởi cùng với 3 di tích này, các di tích còn lại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống ngư dân làng biển Nam Ô. Suốt gần 200 năm qua, cứ vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, người dân địa phương mở lễ tế rất long trọng tại lăng Ông. Không thống nhất việc di dời cả 3 công trình cổ nói trên, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng khẳng định 3 công trình đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ trước; đồng thời kiên quyết bảo vệ giá trị nguyên gốc của công trình và làm hồ sơ công nhận cụm di tích.

Phim Thất Sơn tâm linh có cảnh nóng và bạo lực nên đã phải qua nhiều lần chỉnh sửa, đổi tựa và gắn nhãn C18 khi chiếu rạp vào cuối năm 2019

ẢNH: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Phim Việt sẽ thoáng hơn với cảnh nóng và bạo lực?

Sáng 14.12, hội nghị - hội thảo "Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía nam" do Bộ VH-TT-DL tổ chức diễn ra tại TP.HCM.
Trong các vấn đề được quan tâm “mổ xẻ” của điện ảnh Việt thì ngoài những quy định về phổ biến phim trên không gian mạng như Thanh Niên đã thông tin từ hội nghị góp ý khu vực phía bắc ở Hà Nội, thì việc bổ sung mức phân loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21) sẽ lần đầu tiên có trong luật Điện ảnh (sửa đổi) nếu được thông qua là vấn đề được trao đổi nhiều trong hội thảo tại TP.HCM.
Tại hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Mức phân loại độ tuổi C21 sẽ cho các phim có cảnh bạo lực, nhạy cảm ở cấp độ cao hơn so với C18 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18) hiện nay. Nghĩa là sẽ cho phép phim Việt có những cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18 để các nhà làm phim phát huy sự sáng tạo trong khuôn khổ luật pháp nhà nước”.
Tại điều 27 về phân loại phim, dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra một số mức phân loại độ tuổi mới so với trước đây. Ngoài C13, C16 - cấm trẻ em dưới 13, 16 tuổi xem, thì có mức mới là PG - phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Với mức phân loại mới này, hầu hết các ý kiến tham dự hội thảo đều đồng tình, cho rằng đây là một tiến bộ trong việc sắp xếp, phân loại phim, tránh tình trạng cứng nhắc khi phim dành cho thiếu nhi nhưng người trên 13 tuổi mới được xem, hoặc những bộ phim dành cho gia đình nhưng trẻ em lại không được xem cùng bố mẹ.
Với mức phân loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21), có nhiều ý kiến trái chiều từ phía những nhà làm phim và chủ rạp. Người làm phim hoàn toàn đồng tình với mức C21 để có thể tự do sáng tạo nội dung phim, nhưng chủ rạp lại không muốn vì hạn chế kinh doanh của họ khi bị mất tới 3 đối tượng tuổi từ 18 - 20 cho một bộ phim C21. Đại diện phía chủ rạp CGV, Lotte hay Galaxy đều lên tiếng đề nghị nên bỏ mức phân loại C21, mà nên đưa những quy định đối với mức phân loại C21 áp dụng cho cả mức C18, vì người 18 tuổi đã đủ nhận thức của một công dân để quyết định có xem hay không.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CGV Việt Nam, nêu ý kiến: "Thực tế, tiêu chí phân loại này không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cụ thể tại Việt Nam, người 18 tuổi được pháp luật xem là thành niên. Do đó, để phù hợp với thực tế doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất bỏ tiêu chí phân loại C21 như dự thảo".
Đại diện Galaxy cho rằng mức phân loại C21 sẽ tạo thêm rào cản trong việc đưa phim điện ảnh đến với khán giả, đồng thời đề xuất bỏ mức C21. Ông Lee Jin Sung, Tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, nhận định: "Rất khó phân biệt giữa C21 và C18, nên có thể lấy những quy định của C21 áp dụng cho C18 hiện nay và bỏ mức C21 đi. Khán giả đến rạp cũng khó biết được đâu là 20 tuổi hay 21 tuổi để có cho vào hay không".
Trong khi đó, nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh lại ủng hộ có mức C21 để nhà làm phim được tự do sáng tạo. Đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Nên có mức C21 cho phim Việt để các nhà làm phim độc lập, thể nghiệm hay giải trí có thể dám dấn thân khai thác nhiều đề tài đa dạng hơn, dám bước tới cùng những chủ đề nhạy cảm. Bản thân những phim bị gắn mức C21 đã bị hạn chế đối tượng người xem rất nhiều, thì theo tôi C21 không có vấn đề gì, cần phải có ở điện ảnh Việt như nhiều nước trên thế giới và Singapore cũng đã áp dụng”. Ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty Hoan Khuê (HKFilm), đồng tình: "Mức C21 phải khác biệt so với mức C18 hiện tại thì mới thể hiện rõ sự thay đổi. Về mặt luật cần hướng dẫn cụ thể hơn và hy vọng mức C21 sẽ cực kỳ thoáng với nhà làm phim".
Điều 17 Dự thảo buộc các nhà rạp phải có nghĩa vụ “bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam”, như một số nước trên thế giới đã thực hiện nhằm bảo hộ điện ảnh nội địa trong tỷ trọng phim có mặt tại rạp.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được lấy ý kiến lần thứ 3 trên toàn quốc để tổng hợp điều chỉnh sao cho khả thi. Tháng 4.2021, luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Chính phủ, đến tháng 10.2021 sẽ trình Quốc hội xem xét để thông qua, áp dụng.

Nguyễn Đức Giang (trái) với thử thách Origami biến hình

ẢNH: V.C

Siêu trí tuệ Việt Nam xuất hiện thử thách mà quốc tế chưa chinh phục được

Lần đầu tiên Siêu trí tuệ Việt Nam có thử thách mà tuyển thủ quốc tế chưa chinh phục: Origami biến hình, chàng trai 22 tuổi Nguyễn Đức Giang đến từ Hà Nội khiến dàn giám khảo không khỏi lo lắng.
Đức Giang cho biết từ nhỏ đã có sở thích chơi mô hình và tưởng tượng những mô hình đó thành hình ảnh sống động như thật.Cậu sẽ sử dụng khả năng tưởng tượng của mình để đối đầu với thử thách mà đấu thủ quốc tế vẫn chưa chinh phục được mang tên: Origami biến hình. Đây là một môn nghệ thuật có xuất xứ từ Nhật Bản, là sự kết hợp những cách gấp đơn giản để biến những mẫu giấy 2D thành những tác phẩm 3D với nhiều hình dạng phức tạp. Mỗi tác phẩm origami đều có một bản vẽ nếp gấp với 2 mặt A và B, ban giám khảo sẽ thêm các điểm tùy ý nhưng không trùng lặp vị trí trên 2 mặt A và B. Đức Giang sẽ sử dụng năng lực không gian để tính toán, suy luận và cho biết có bao nhiêu điểm chấm lộ ra ngoài sau khi hình thành mô hình của tác phẩm, thực hiện đúng 2/3 hình thì thử thách thành công.
Cùng tham gia trong tập 5 là Hoàng Đình Anh Quốc (18 tuổi), có năng toán logic tiềm ẩn, song không được gia đình đánh giá cao và thường bị so sánh với “con nhà người ta”. Vì thế, Anh Quốc chọn Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 là nơi để chứng minh năng lực của mình thông qua thử thách Kết nối 3 miền.
Theo đó, Việt Nam được chia thành 3 vùng chính:Bắc, Trung và Nam bộ, mỗi vùng sở hữu một nét riêng biệt về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và nền tảng văn hóa. Sự dung hòa và kết nối tự nhiên trong quá trình giao thoa văn hóa vùng miền đã tạo ra tính đa dạng trong một nền văn hóa chung mang tính dân tộc. Anh Quốc sẽ thực hiện một hành trình vòng đất nước để khám phá sự kết nối tự nhiên giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc và các loại hình văn hóa. Một bài toán tư duy logic dưới dạng kết nối các miền, mỗi một miền có số đường kết nối khác nhau. Anh Quốc sẽ suy luận, chuyển đổi thông tin để tìm ra cách kết nối các miền một cách logic nhất.
Với tinh thần không một miền nào, không một gia đình, không một người nào bị bỏ lại phía sau, vì thế trong quá trình thực hiện thử thách, Anh Quốc không được để miền nào bị cô lập, giữa mỗi miền với nhau, không có nhiều hơn 2 đường kết nối, các đường kết nối chỉ có thể song song hoặc vuông góc chứ không thể giao nhau. Hoàn thành chính xác, thử thách thành công.
Cũng ở tập 5 Siêu trí tuệ Việt Nam, một thử thách thuộc hạng mục trí nhớ sẽ được khai phá bởi tài năng Nguyễn Đình Thiết đến từ Nghệ An. Đình Thiết vốn là một người nhớ trước quên sau, sau khi được biết đến bộ môn trí nhớ, Đình Thiết bắt đầu luyện tập và giành chiến thắng trong nhiều kỳ thi, anh đã trở thành Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Việt Nam. Đến với chương trình này, Đình Thiết sẽ đối đầu với sở trường của mình là ghi nhớ bài Poker qua thử thách Hành trình lặp ảnh.
Thử thách này bao gồm 4 bộ bài, mỗi bộ có 52 lá, tổng cộng là 208 lá bài. Giám khảo tùy ý xáo trộn, sau đó cứ 2 bộ bài ghép lại với nhau sẽ tạo ra 2 bộ bài lớn với mỗi bộ gồm 104 lá. Trong thời gian ngắn nhất, Đình Thiết phải ghi nhớ cùng lúc 2 bộ bài lớn đó. Kết thúc quá trình ghi nhớ, anh sẽ sử dụng 4 bộ bài mới để tiến hành khôi phục lại các lá bài theo đúng thứ tự đã ghi nhớ của 2 bộ bài lớn trước đó. Khôi phục chính xác hoàn toàn, thử thách thành công.
Tập 5 Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 vừa được phát sóng lúc 20 giờ ngày 19.12 đồng thời trên kênh truyền hình Vie Channel – HTV2, Vie GIẢITRÍ và ứng dụng VieON.

Phim Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận có tổng doanh thu toàn cầu trên 314 triệu USD

ẢNH: TOHO

Thanh gươm diệt quỷ thu về hơn 314 triệu USD, bị dời chiếu ở Trung Quốc

Theo Hollywood Reporter, phim Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận bị dời chiếu ở Trung Quốc do bị “vạ lây” từ một phim khác.
Lịch chiếu của Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train, gọi tắt là Demon Slayer) của đạo diễn Nhật Bản Haruo Sotozaki được hãng Bilibili, một công ty Trung Quốc chuyên phân phối các sản phẩm giải trí bao gồm anime mua bản quyền và có lịch chiếu ở đại lục trong khoảng thời gian cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1 năm sau. Thế nhưng giới kiểm duyệt phim ảnh Trung Quốc đã không cho phim này ra rạp sau khi xem xét lần hai những tác phẩm nước ngoài để không "lọt lưới" những dự án như Thợ săn quái vật (Monster Hunter) vừa qua.
Theo nguồn tin thân cận tiết lộ với tạp chí Hollywood Reporter, giới kiểm duyệt Trung Quốc không để phim Thanh gươm diệt quỷ cùng nhiều phim ngoại khác sinh lời ngay trên đất đại lục vào dịp năm mới ở quốc gia này, kéo dài trong khoảng thời gian từ ngày 11.2 đến ngày 26.2.2021. Do đó, các nhà phân phối dự án phải đợi đến khoảng đầu tháng 3 để có thể ra mắt Demon Slayer với khán giả đất nước tỉ dân.
Hiện tại, tổng doanh thu phòng vé của Thanh gươm diệt quỷ là trên 314 triệu USD toàn cầu. Phim được đoán sẽ soán ngôi phim Spirited Away của đạo diễn Hayao Miyazaki để trở thành phim Nhật ăn khách nhất tại thị trường nội địa. Là phần phim tiếp theo và nối liền trực tiếp mạch truyện của loạt phim truyền hình cùng tên ra mắt năm rồi, Thanh gươm diệt quỷ kể về một đội săn quỷ cừ khôi có nhiệm vụ giải cứu hành khách trên một đoàn xe lửa bị quỷ ám.
Sở dĩ Thanh gươm diệt quỷ đến phút chót vẫn không lọt lưới kiểm duyệt của Trung Quốc là do các nhà quản lý siết chặt quy định sau vụ ầm ĩ của phim Thợ săn quái vật. Sau khi ra rạp tại thị trường đại lục từ ngày 4.12, ngay sau đó Monster Hunter đã bị rút khỏi tất cả các rạp do trong phim có một nhân vật "vạ miệng" nói một câu thoại miệt thị người Trung Quốc. Nhân vật này đã sử dụng lối chơi chữ "Chi-knees" với hàm ý hạ thấp người Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, câu thoại trong phim bắt nguồn từ câu hát "Chinese, Japanese, dirty knees, look at these" (tạm dịch: Người Trung Quốc, dân Nhật Bản, đầu gối bẩn, nhìn xem kìa). Hiện không biết khi nào tác phẩm này mới có thể trở lại thị trường đại lục khi khán giả vẫn chưa "nguôi ngoai" về "tai nạn" của đạo diễn kiêm biên kịch Paul W. S.Anderson.
Trường hợp của Thanh gươm diệt quỷ nói riêng và rất nhiều phim ngoại khác nói chung có số phận lận đận tại Trung Quốc không phải là điều khó hiểu khi hiện tại, các nhà kiểm duyệt đại lục đang kiểm soát gắt gao hơn bao giờ hết các dự án điện ảnh. Nhưng điều này cũng có thể thông cảm được bởi ngay cả những đạo diễn làm phim Hoa ngữ như Trương Nghệ Mưu (phim Một giây), Tăng Quốc Tường (phim Em của thời niên thiếu) hay Quản Hổ (phim Bát bách) cũng phải rất chật vật để phim của họ được chiếu ở thị trường này. Mặc dù nhiều người tỏ ra thất vọng khi Thanh gươm diệt quỷ không được chiếu ở Trung Quốc cuối năm nay nhưng bù lại, phim vẫn đang lên lịch để chiếu ở thị trường Bắc Mỹ vào năm 2021 tới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.