Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: 'Hà Nội trong mắt ai' và 'Chuyện tử tế' 'trượt' Giải thưởng Hồ Chí Minh

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
11/07/2021 06:00 GMT+7

Việc hai phim tài liệu nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế của NSND Trần Văn Thủy "trượt" Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay lập tức gây thắc mắc.

Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế là hai tác phẩm tài liệu nổi tiếng của đạo diễn NSND Trần Văn Thủy. Tuy nhiên, hai tác phẩm này vừa "trượt" Giải thưởng Hồ Chí Minh
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết các cụm tác phẩm do NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đều không đủ phiếu để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Cụ thể, NSND Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký cho cụm tác phẩm phim tài liệu: Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai. NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký cho cụm tác phẩm: Một thế kỷ - một đời người, Giọt nước giữa đại dương. Tuy nhiên, trong cuộc họp của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lĩnh vực điện ảnh năm 2021, các hồ sơ trên đã không đủ 80% phiếu thuận. Vì thế, các cụm tác phẩm này không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật theo quy định tại khoản 11 điều 1 Nghị định 133/2018/NĐ-CP.
Ông Phùng Huy Cẩn cho hay việc xem xét, thảo luận từng hồ sơ được thực hiện trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập, dân chủ và tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả ngay tại phiên họp hội đồng.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái trong phim Hà Nội trong mắt ai

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, cho rằng nói đến điện ảnh tài liệu Việt Nam có 3 cái tên rất nổi tiếng và được kính trọng gồm: NSND Trần Văn Thủy, NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đào Trọng Khánh. Trong cuộc đời sáng tác của mình, họ đã để lại những tác phẩm có nhiều dấu ấn.
Hà Nội trong mắt ai sản xuất năm 1982, tuy nhiên, bị “cấm” cho tới 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Chuyện tử tế khởi quay năm 1985, khi Hà Nội trong mắt ai vẫn còn bị cấm. Khi công chiếu, cả hai tác phẩm đều trở thành hiện tượng điện ảnh Việt Nam vào những năm 1980.

Đà Nẵng tôn tạo 6 bia chiến tích, di tích

Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho biết UBND TP vừa ban hành danh mục các bia, biển tưởng niệm trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian tới, ngành chức năng TP và các địa phương sẽ trùng tu, tôn tạo 6 bia, biển di tích, chiến tích.
Cụ thể, đối với bia chiến tích Trung đoàn 96 xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) đang bị nứt chân bia, tường bao, bị ngập sẽ được trùng tu tôn tạo và nâng cốt nền bia. Bia bến đò Thủy Tú (Hầm Vàng) tại tổ 37, P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) tuy hiện trạng còn tốt nhưng lại nằm trên đồi cao, khó tiếp cận, lối đi lên bia bị vướng đường dây điện; chữ khắc trên mặt bia khó đọc, bị phai màu. Sở VH-TT TP cho biết sẽ cải tạo đường lên bia di tích, đồng thời sơn lại chữ trên mặt bia. Ngành chức năng cũng sẽ làm lại mặt biển mới với kích thước lớn hơn đối với biển di tích hang Bà Đính (nằm trên đường lên bán đảo Sơn Trà) do tấm biển này nhỏ, mặt biển mờ và bị phong hóa.

Biển di tích chợ Cồn lọt thỏm giữa không gian chợ

ẢNH: HOÀNG SƠN

Đối với bia di tích trận Hải Vân lần 1 và lần 2 (gắn liền với sự kiện chiến thắng trong 2 trận đánh của tiểu đoàn 18 và 19 của Trung đoàn 96 vào năm 1947) nằm trên đường lên đèo Hải Vân thuộc địa phận P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) sẽ được tái dựng, tôn tạo lại cảnh quan xung quanh. Theo đánh giá của ngành văn hóa, hiện nay bia đang bị xuống cấp, quy mô bia nhỏ không tương xứng với tầm vóc của sự kiện; hình thức bia không phù hợp và nằm ở vị trí khó nhìn thấy nên không có hiệu quả tuyên truyền.
Trong năm 2021, Đà Nẵng sẽ trùng tu, tôn tạo bia kỷ niệm chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (tại vị trí gần đầu cầu Hòa Xuân) do bia có nguy cơ sạt lở, bị xuống cấp… Đáng chú ý, TP sẽ trùng tu, tôn tạo biển di tích ngã tư chợ Cồn (bên trái cổng số 1 chợ Cồn ở ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương) do biển bị che khuất, không phát huy được giá trị. 

Tập quán và tín ngưỡng chợ tình Khâu Vai thành di sản quốc gia

Bộ VH-TT-DL vừa ban hành Quyết định số 1952 đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ Phong Lưu, Khâu Vai (xã Khâu Vai, H.Mèo Vạc, Hà Giang) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Bộ VH-TT-DL, chợ tình Khâu Vai hình thành và tồn tại đến nay đã hơn 100 năm. Phiên chợ ở Hà Giang này đặc sắc ở chỗ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm. Chợ Phong Lưu này là nơi tâm tình, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Theo tập quán, chợ họp hằng năm vào ngày 27.3 âm lịch. Những gia đình người Mông, Dao, Tày, Nùng đến chợ để vợ tìm lại người yêu cũ, chồng ngồi trò chuyện với bạn tình xưa. Đến đây, mọi sự ghen tuông thường tình không hiện hữu.

Chợ tình Khâu Vai

Ảnh: Lưu Quang Phổ

Hiện nay, do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27.3 và hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống. Theo Quyết định của Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Dời chòi ngắm cảnh ra xa 2 cây cổ thụ nổi tiếng ở Y Tý

UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản điều chỉnh thi công hạng mục chòi ngắm cảnh ra xa khỏi 2 cây cổ thụ “bị nhốt” ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý, H.Bát Xát, Lào Cai).
Về vụ việc 2 cây cổ thụ “bị nhốt” ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý, H.Bát Xát, Lào Cai), UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản gửi các Sở: KH-ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, VH-TT-DL và UBND H.Bát Xát, về việc điều chỉnh thi công hạng mục chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn. Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai cho biết đã nhận được văn bản của Sở VH-TT-DL báo cáo kết quả xử lý hạng mục chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên thôn Choản Thèn.

Cây cổ thụ nổi tiếng ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý, H.Bát Xát, Lào Cai

ẢNH: LÊ HUY

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở VH-TT-DL rút kinh nghiệm trong triển khai các dự án bảo tồn, phải đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn, tránh làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc, giữ gìn được cảnh quan khu vực và vẻ đẹp tự nhiên; và yêu cầu xử lý các hạng mục thi công ở công viên Choản Thèn.
Trước đó, 2 cây cổ thụ ở thôn Choản Thèn đã bị vây và rào kín bằng hàng rào kim loại, gây bức xúc trong dư luận. Khu vực này được công nhận là điểm du lịch của tỉnh, cũng là một điểm tham quan được nhiều người biết đến.

Phim Ròm chiếu rạp tại Nhật Bản

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết phim Ròm hiện đang chiếu bán vé tại các rạp ở Nhật Bản từ ngày 9.7; đồng thời đạo diễn cũng đã có cuộc trò chuyện trực tuyến để quảng bá phim cùng một số đơn vị truyền thông ở rạp Human Trust, Shibuya, Tokyo vào chiều 9.7.
Đạo diễn Trần Thanh Huy thông tin thêm: “Ròm nhận được sự quan tâm của một số tạp chí, trang tin Nhật và được nhà phê bình chấm 5 sao, cùng bài viết trên tạp chí điện ảnh lâu đời Kinema Junpo. Đây là niềm vinh dự của tôi khi có phim phát hành tại thị trường quốc tế”.

Poster phim Ròm khi chiếu tại Nhật

ẢNH: ĐPCC

Ròm được đánh giá là một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn xoay quanh cuộc sống của người dân tại chung cư cũ, mang giấc mộng đổi đời. Trang Cinema Today nhận xét Ròm mang không khí đầy hỗn loạn của những pha rượt đuổi, tạo sự phấn khích cho người xem, đồng thời đánh giá cao diễn xuất của vai chính do Trần Anh Khoa (em trai Trần Thanh Huy) thể hiện.
Ròm từng ra rạp Việt vào năm 2020 và đạt doanh thu hơn 60 tỉ đồng. Năm 2019, Ròm đã thắng hạng mục New Currents - giải cao nhất ở LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc). Tháng 6 vừa qua, Trần Anh Khoa cũng giành được giải Nam diễn viên xuất sắc ở LHP châu Á nhờ vai chính trong phim Ròm.

Khai mạc LHP Cannes 2021

Liên hoan phim (LHP) Cannes 2021 khai mạc ngày 6.7, kéo dài đến 17.7 tại Pháp quy tụ hàng loạt ngôi sao điện ảnh thế giới trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Đạo diễn Mỹ Spike Lee (64 tuổi) làm trưởng ban giám khảo LHP Cannes hạng mục Cành cọ vàng – phim hay nhất. Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ da màu giữ vị trí trưởng ban giám khảo cùng với Mati Diop, Mylene Farmer, Maggie Gyllenhaal, Song Kang Ho, Melanie Laurent, Jessica Hausner, Tahar Rahim và Kleber Filho.

Các nữ giám khảo tại LHP Cannes lần thứ 74 (từ phải qua): Mylene Farmer, Melanie Laurent, Mati Diop, Jessica Hausner và Maggie Gyllenhaal

ẢNH: REUTERS

24 phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay và một trong số đó được chọn chiếu mở màn là bộ phim nhạc kịch Annette của đạo diễn Pháp Leos Carax với diễn xuất chính của hai ngôi sao Adam Driver, Marion Cotillard. Sau một năm “nằm chờ” LHP Cannes, tác phẩm The French Dispatch của đạo diễn Mỹ đầy cá tính Wes Anderson cũng góp mặt tranh tài. Danh sách phim đầy khả năng bước lên bục cao nhất tại Cannes năm nay có thể kể thêm Bergman Island (do Mia Hansen-Love, Pháp đạo diễn), Three Floors (Nanni Moretti, Ý), The Story of My Wife (Enyedi, Hungary), The Restless (Joachim Lafosse, Bỉ), Flag Day (Sean Penn, Mỹ)… Điện ảnh châu Á góp mặt vào danh sách 24 phim tranh Cành cọ vàng với Drive My Car (Ryusuke Hamaguchi, Nhật), A Hero (Asghar Farhadi, Iran), Memoria (Apichatpong Weerasethakul, Thái Lan). Đặc biệt đạo diễn Apichatpong Weerasethakul từng đoạt Cành cọ vàng 2010 với tác phẩm Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives.
Ngôi sao điện ảnh kiêm đạo diễn và nhà sản xuất phim Mỹ Jodie Foster (59 tuổi) nhận giải Cành cọ vàng danh dự cùng với nhà làm phim Ý Marco Bellocchio. Jodie Foster là nữ diễn viên kỳ cựu với 2 giải Oscar qua 2 phim The AccusedThe Silence of the Lambs, là khách mời danh dự tại lễ khai mạc LHP Cannes hôm 6.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.