Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: ‘Thần đèn’ dịch chuyển chính điện chùa Diệu Đế

18/09/2022 07:00 GMT+7

Ngày 13.9, ông Nguyễn Văn Cư, người được biết đến với biệt danh “thần đèn” nhờ khả năng di dời, nâng cao, chống lún nghiêng các công trình xây dựng, đã dịch chuyển tòa chính điện của chùa Diệu Đế (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế ).

Ngôi chính điện này đã hơn 70 tuổi, mang nhiều giá trị lịch sử của văn hóa Phật giáo Huế, vì vậy việc đảm bảo an toàn và nguyên vẹn được đặt lên hàng đầu. Trước khi tiến hành dịch chuyển, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã mất nhiều tháng cho công đoạn cố định phần móng.

Cụ thể, đội ngũ nâng nhà đã đổ 1 hệ đa kiềng phía dưới để đỡ lấy tòa nhà. Sau khi các công đoạn nâng móng hoàn tất, ông Cư huy động 12 công nhân và máy móc chuyên dụng, đến nay đã dịch chuyển những mét đầu tiên.

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư dịch chuyển thành công chính điện 70 tuổi của chùa Diệu Đế

Điều đặc biệt ở ngôi chính điện này là bức tranh Long vân khế hội (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa này được xây dựng lại sau năm 1953, theo phong cách bích họa cung đình, tương tự bức tranh trên trần lăng Khải Định.

Trong ngày đầu tiên dịch chuyển tòa nhà, nhiều sư tăng đã đến chùa Diệu Đế để chứng kiến

LÊ HOÀI NHÂN

Tương truyền, đây là bức tranh do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh (tác giả bức tranh trên trần lăng Khải Định) thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cứ liệu lịch sử nào xác đáng về tác giả.

Ngoài ra, chính điện còn bức hoành phi Diệu Đế Quốc Tự với lạc khoản ghi năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và nhiều di vật quý của ngôi quốc tự một thời.

Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844. Khoảng năm 1887, các công trình chính của chùa đều bị triệt giải. Từ năm 1953 - 1955, hòa thượng trụ trì Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại).

100 năm thành lập Viện Hải dương học Nha Trang

Chiều 14.9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Hải dương học tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập (14.9.1922 - 14.9.2022). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự buổi lễ.

PGS-T.S Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết Viện có tiền thân là Sở Hải học nghề cá Đông dương do Toàn quyền Đông dương ký sắc lệnh thành lập ngày 14.9.1922. Trải qua quá trình lịch sử, đến năm 1993 Viện chính thức được mang tên Viện Hải dương học, trụ sở chính ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Viện có 2 phân viện ở Hà Nội và Hải Phòng. Năm 2001, hai phân viện tách ra thành các viện độc lập với tên gọi riêng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước cho Viện Hải dương học

P.S

Trải qua một thế kỷ hoạt động và phát triển, Viện Hải dương học đã có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ biển, đóng góp to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, trở thành một trung tâm nghiên cứu mạnh về hải dương học trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định được uy tín, vị thế trên trường quốc tế.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước cho Viện Hải dương học vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc; trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Viện Hải dương học với hành trình 100 năm vượt qua những khó khăn và từng bước khẳng định vai trò của Viện. Viện không chỉ là nơi nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo hàng đầu của đất nước, mà còn khẳng định uy tín nghiên cứu biển trong khu vực và toàn cầu, từng bước tham gia vào các thiết chế quan trọng trên thế giới.

Trao giải thưởng Cánh diều lần thứ 19

Tối 13.9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Điện ảnh VN tổ chức Lễ trao giải thưởng Cánh diều lần thứ 19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và trao giải thưởng Cánh diều vàng cho hạng mục phim truyện điện ảnh.

Giải thưởng Cánh diều lần thứ 19 năm 2021 với chủ đề “Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao” thu hút 147 tác phẩm tham dự gồm: Phim truyện điện ảnh, phim truyền hình, phim khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh.

Nghệ sĩ nhận giải Cánh diều lần thứ 19

t.l

Sau nhiều năm liên hoan được tổ chức luân phiên ở Hà Nội và TP.HCM, năm nay, giải thưởng được tổ chức tại TP.Nha Trang. Giải Cánh diều năm nay diễn ra từ ngày 8 - 13.9, với các hoạt động như 36 buổi chiếu cho hơn 4.000 khán giả TP.Nha Trang; tổ chức giao lưu đoàn làm phim Bình minh đỏ với Bộ đội Hải quân, đoàn phim Đêm tối rực rỡ với sinh viên Trường đại học Khánh Hòa.

Cánh diều 2021 hạng mục phim truyện điện ảnh xuất sắc đã thuộc về phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Robert Toronto. Ở hạng mục nam nữ chính xuất sắc nhất phim điện ảnh thuộc về diễn viên nhí Lại Trường Phú phim Maika - cô bé đến từ hành tinh khác và nữ diễn viên Lý Nguyễn Nhã Uyên phim Đêm tối rực rỡ.

Bộ phim truyền hình 11 tháng 5 ngày đã thắng lớn khi đạt giải Cánh diều vàng hạng mục phim truyền hình xuất sắc, đồng thời diễn viên Thanh Sơn và Khả Ngân của phim cũng đạt giải Cánh diều vàng hạng mục nam nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Người đẹp Trần Thị Ban Mai đăng quang Miss Peace Vietnam 2022

Tối 11.9, người đẹp Trần Thị Ban Mai đăng quang Miss Peace Vietnam 2022 trong đêm chung kết tại Đà Nẵng. Cô cao 1,75 m, ba vòng lần lượt 84 - 62 - 92, có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Việt và tiếng Anh.

Cô cũng từng là trợ lý của Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray. Tân hoa hậu chia sẻ mình sinh trưởng trong một gia đình có nhiều người làm ngành luật.

Tân hoa hậu Trần Thị Ban Mai

btc

Bà Nguyễn Thùy Dương, nhà sáng lập cuộc thi cũng là trưởng ban tổ chức, trao vương miện và giải thưởng trị giá 1 tỉ đồng cho tân hoa hậu. Cô cũng đồng thời nhận 3 giải thưởng phụ Người đẹp môi trường biển, Người đẹp nhân ái và Người đẹp ứng xử.

Tại vòng thi ứng xử, tân Hoa hậu đã vượt qua hai thí sinh còn lại của top 3 với phần trả lời về mối quan hệ giữa việc bảo vệ môi trườnghòa bình. Cô là thí sinh duy nhất trả lời câu hỏi ứng xử top 3 bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Á hậu 1 là người đẹp Nguyễn Ngọc Khánh Tiên, cô nhận giải thưởng trị giá 800 triệu đồng. Cô còn nhận 2 giải phụ (mỗi giải trị giá 50 triệu đồng): Người đẹp tài năng và Người đẹp truyền thông.

Á hậu 2 Quản Trần Gia Hân nhận giải thưởng trị giá 600 triệu đồng. Cô đồng thời nhận giải phụ Người đẹp ảnh.

Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang qua đời

Nhà văn, dịch giả , tiến sĩ Phan Hồng Giang (tên khai sinh: Nguyễn Đức Hân, con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh), sinh năm 1941, quê Nghi Lộc, Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn VN, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật đã qua đời ngày 10.9.2022, thọ 82 tuổi.

Nhà văn, dịch giả , tiến sĩ Phan Hồng Giang

t.l

Ông tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp M.Lomonoxov (Liên Xô cũ) năm 1974, về nước, từng là Phó giám đốc NXB Thế giới kiêm Tổng biên tập Tạp chí Đối ngoại New Vietnam, rồi Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật. Ông nổi tiếng với các tác phẩm dịch văn học Nga: 2 tập Tuyển truyện ngắn Sêkhov, Đaghesstan của tôi, Cánh buồm đỏ thắm, Ngày phán xử cuối cùng… cùng nhiều tác phẩm chuyên đề về văn hóa nghệ thuật. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 và nhiều giải thưởng văn học khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.