Tới dự buổi lễ, có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc, trao huy chương, bằng chứng nhận cho các tác giả đoạt giải cao nhất của cuộc thi; tặng quà cho VAPA, ban tổ chức, hội đồng giám khảo cuộc thi và các tác giả đoạt giải.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm |
VAPA |
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch VAPA, các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam được VAPA tổ chức 2 năm/lần, với sự bảo trợ nghệ thuật của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) và một số tổ chức nhiếp ảnh quốc tế. Cuộc thi lần thứ 11 - VN-21 với 4 đề tài: Tự do cho ảnh màu, Tự do cho ảnh đơn sắc, Du lịch và Chân dung, đã nhận được 16.458 tác phẩm của 1.260 tác giả từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. 4 hội đồng giám khảo của Việt Nam và quốc tế đã chọn ra 860 ảnh triển lãm của VAPA, trong đó có 96 giải thưởng của VAPA, FIAP và các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế. Ngoài triển lãm trực tiếp, VAPA cũng tổ chức triển lãm ảnh online. Đây là nét mới trong việc quảng bá các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của VAPA.
Nhân dịp này, VAPA cũng phát động Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 tại Việt Nam năm 2023 (VN-23) và nhận ảnh từ ngày 15.6.2022 đến hết ngày 15.1.2023 tại website: www.contestvn.com. Lễ tổng kết, trao giải VN-23 dự kiến tổ chức vào tháng 3.2023, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2023).
Hai bà trùm đấu nhau vì “đụng hàng” tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam
Chiều 6.6, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Khang Việt Nam (Minh Khang) họp báo công bố về hồ sơ pháp lý của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do công ty này tổ chức.
Theo đó, phía Minh Khang có 2 chứng nhận quyền tác giả về kịch bản chương trình liên quan đến cuộc thi do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) cấp. Họ cũng có 5 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ mẫu nhãn hiệu của cuộc thi kèm 4 quyết định chấp nhận đơn hợp lệ do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp khi họ gửi các mẫu nhãn hiệu trên.
Hồ sơ còn có văn bản của UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận tổ chức Bán kết và Chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên được Sen vàng đưa đi dự thi Miss Grand International mà không qua cuộc thi Miss Grand Vietnam nào |
T.L |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương), Giám đốc Minh Khang, cho biết về tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: “Chúng tôi bám sát cái tên tiếng Anh là Miss Peace. Đề án chúng tôi trình đều qua Bộ VH-TT-VH duyệt. Chúng tôi khẳng định tên gọi của chúng tôi sát với tên cuộc thi của chúng tôi”.
Theo bà Thùy, sau khi công bố về cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Minh Khang nhận được văn bản của Công ty Sen vàng. Theo đó, Sen vàng cho rằng việc Minh Khang tổ chức cuộc thi với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 - Miss Peace Vietnam sẽ gây ra sự nhầm lẫn với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Grand Vietnam 2022) của Công ty Sen vàng.
Về phần mình, bà Kim Dung, Giám đốc Sen vàng, cũng đã ngay lập tức đưa hồ sơ pháp lý của công ty mình liên quan đến cái tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Theo đó, Sen vàng có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2768 đối với kịch bản cuộc thi nhan sắc “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” do Cục Bản quyền tác giả cấp. Họ cũng có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 3386 đối với logo Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả cấp.
Bà Dung cho biết sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của Sen vàng. Hiện tại, Sen vàng đã ủy quyền cho Công ty luật PhanLaw được toàn quyền thay mặt và nhân danh cho bên ủy quyền để thực hiện các hành vi pháp lý hợp pháp nhằm giải quyết tranh chấp và/hoặc nhằm ngăn chặn việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 - Miss Peace Vietnam do Minh Khang tổ chức thực hiện.
Như vậy, cả hai bà trùm đều đang quyết đấu vì “đụng hàng” tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến mới đang ở giai đoạn gửi qua lại công văn và chưa bên nào khởi kiện ra tòa.
Vĩnh biệt dì Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
Dì Ngô Thị Huệ, nhà cách mạng lão thành Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từ trần ngày 5.6.2022, thọ 104 tuổi. Vẫn biết, sinh lão bệnh tử là quy luật, song sự ra đi của người hiền như dì, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Trong những giờ phút đau thương tiễn biệt dì Ngô Thị Huệ về cõi vĩnh hằng, càng nhớ ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20.10.1982.
Dì Ngô Thị Huệ cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc họp biên soạn công trình Nam bộ kháng chiến |
T.L |
Tại buổi họp mặt các cán bộ chủ chốt của Hội nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam do Hội LHPN TP.HCM tổ chức, hơn 200 cán bộ Hội, gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ, bởi lẽ quyển sử chung Phong trào phụ nữ Việt Nam chưa nói lên được bao nhiêu về phụ nữ Nam Bộ, một miền đất có nhiều tính đặc thù, có một lực lượng phụ nữ hùng hậu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, dì Nguyễn Thị Thập đã triệu tập cuộc họp thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử Phụ nữ Nam bộ) ngày 24.10.1982. Các dì Nguyễn Thị Thập, Bảy Huệ, Nguyễn Duy Liên và cộng sự đã nêu lên 3 việc cần phải làm ngay. Một là, tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ từ ngày có Đảng. Hai là, sách cũng chưa đủ, nhân dân ta có thói quen, nhất là ở nông thôn, thấy mới tin, cái gì cũng có bằng chứng cụ thể. Phải thiết lập ngay một khu trưng bày hiện vật.
Sau này, dù đến tuổi nghỉ hưu, khi nguyện vọng tha thiết của các thế hệ phụ nữ đặt ra, dì Bảy đã cùng với các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam bộ đi khắp các tỉnh, thành miền Nam vận động cấp ủy Đảng các tỉnh, thành ủng hộ về mọi mặt, giúp đỡ Tổ sử thực hiện quyển sách Lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ; đến những nơi có phong trào nổi bật, có sự kiện tiêu biểu để gặp các điển hình trong phong trào phụ nữ, các tập thể và cá nhân anh hùng để thu thập tài liệu, hình ảnh, hiện vật… để chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ (tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ bây giờ).
Tháng 2.1983, dì Nguyễn Thị Thập cùng dì Ngô Thị Huệ đã đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM), đồng chí Mai Chí Thọ (Chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng chí Phan Minh Tánh (Trưởng ban Tổ chức Thành ủy) trình bày kế hoạch tổng kết lịch sử phụ nữ và xin được thành lập Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ tại TP.HCM và đã nhận được sự nhất trí. Từ đó, song song với việc lo tư liệu tổng kết sử cần phải tập hợp tư liệu hiện vật, chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ.
Ngày 29.4.1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ làm lễ khánh thành. Từ đây, những thành quả đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam bộ đã được lưu giữ, giới thiệu để khách tham quan có thể cảm nhận và hiểu được những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ phụ nữ để chúng ta có được tự do, độc lập như ngày hôm nay.
Dì Ngô Thị Huệ được khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại TP.Huế nhận quyết định cho phép hoạt động
Chiều ngày 6.6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao quyết định cho phép hoạt động đối với Bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho gia đình đại tướng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh), đã đón nhận quyết định trong niềm tự hào.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương (phải) trao quyết định cho phép hoạt động Bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho gia đình đại tướng |
N.M |
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của gia đình đại tướng trong việc xây dựng bảo tàng. Đồng thời bày tỏ vui mừng khi trên địa bàn tỉnh có thêm 1 văn hóa thiết chế bảo tàng ngoài công lập, góp phần phong phú thêm các điểm đến du lịch, là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ.
Thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ bảo tàng công tác trưng bày, hướng dẫn nghiệp vụ; liên kết với các bảo tàng trên địa bàn tỉnh tạo thành hệ thống điểm đến, thu hút người dân và du khách đến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Trước đó, Bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh hoạt động theo hình thức ngoài công lập tại địa chỉ số 144, Đặng Thái Thân, P.Thuận Hòa, TP.Huế.
Vừa qua, bảo tàng này tiếp nhận 32 hiện vật từ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế như sách, báo, vũ khí thô sơ, nồi cơm phục vụ cán bộ cách mạng... Đây là những hiện vật mang giá trị lịch sử trong thời gian kháng chiến chống Pháp của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế dưới sự lãnh đạo của đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Dự kiến bảo tàng sẽ chính thức khai trương vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967 - 6.7.2022).
Nhạc sĩ Cung Tiến xứng đáng trong trái tim hàng triệu người yêu mến âm nhạc
Nhạc sĩ Cung Tiến - tác giả của loạt tình khúc kinh điển Hương xưa, Hoài cảm... qua đời ở tuổi 84.
Theo cáo phó của gia đình, ông qua đời ngày 10.5 tại Los Angeles, California, Mỹ. Tang lễ được tổ chức hôm 2.6 trong phạm vi gia đình và một số thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt được đặt tại Nhà tang lễ, Công viên tưởng niệm núi Conejo (California).
Nhạc sĩ Cung Tiến (1938-2022) |
T.L |
Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên, mất mát lần này của nhạc sĩ Cung Tiến lại tạo ra những cảm xúc ngập tràn, nhất là với những người sinh ra và lớn lên từ những thập niên 1940-1950 trở đi.
Ít có nhạc sĩ nào viết nhạc ở tuổi 15-16 mà tác phẩm lại khắc sâu vào lòng người, âm vang mãi trong những tâm hồn đa cảm, yêu nghệ thuật như Cung Tiến. Cũng không có nghệ sĩ nào chỉ sáng tác một số nhạc phẩm ít ỏi mà tầm vóc và tiếng vang lại vút cao và lan rộng như thế.
Dù những năm sống ở Mỹ, Cung Tiến đã làm được nhiều việc đáng nhắc nhở, song với những người còn ở lại quê nhà, tác phẩm trước 1975 của ông vẫn là những giá trị trường tồn, vẫn luôn làm cho chúng ta chất ngất say sưa với từng giai điệu: nhẹ nhàng và sâu lắng như Hoài cảm, thanh nhã và sang trọng như Hương xưa, lâng lâng và lãng đãng như Thu vàng…
Và còn nữa, những tác phẩm có giá trị của ông: Mắt biếc, Lệ đá xanh, Mùa hoa nở, Nguyệt cầm vẫn còn vang vọng… Vĩnh biệt và thương tiếc nhạc sĩ Cung Tiến, nhiều người đã kể rõ về những chặng đời của ông.
Đã đành cuộc đời là hữu hạn, song có những sự ra đi mang lại nỗi ngậm ngùi, tiếc nhớ cho hàng triệu trái tim. Cung Tiến là một người như thế, ông xứng đáng có một chỗ đứng trong trái tim hàng triệu người yêu mến âm nhạc của ông, trân trọng một cuộc đời nhiều thăng trầm và một nhân cách luôn biết yêu thương cuộc sống.
Bình luận (0)