Đến chia vui với những người làm bảo Thanh Niên tại TP.HCM nhân Lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 3 diễn ra chiều ngày 21.4 có ông Nguyễn Công Dẫn, Phó vụ trưởng - Phó trưởng Cơ quan thường trực khu vực miền Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương); ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM. Về phía các đơn vị tài trợ có anh Lê Vĩnh Lộc - đại diện ông Lê Văn Lực; ông Nguyễn Luân Vũ, đại diện Công ty CP Đầu tư Thiện Hạnh; Phó TGĐ công ty CP Tôn Đông Á Nguyễn Văn Đại; Phó Tổng GĐ Meliwa Việt Nam Hoàng Long; Giám đốc tài chính BIN Corporation Group Phạm Thị Kim Anh; Chủ tịch ActionCOACH Việt Nam Hồ Quang Minh; bà Nguyễn Thu Len - đại diện BCA Group, cùng ban giám khảo là các tên tuổi: nhà thơ Lê Minh Quốc, nghệ sĩ Hòa Hiệp, đạo diễn Võ Thanh Hòa và khách mời đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương.
Thay mặt Công ty Cổ phần Tôn Đông Á - đơn vị tài trợ, Phó TGĐ Nguyễn Văn Đại trân trọng gởi lời cảm ơn đến Báo Thanh Niên đã tạo cơ hội để Tôn Đông Á tiếp tục đồng hành với cuộc thi Sống đẹp lần 3 đầy ý nghĩa năm nay. Ông Nguyễn Văn Đại phát biểu: "Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng và dịch vụ tốt nhất đến khách hàng, Tôn Đông Á luôn đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và ưu tiên phát triển những giá trị tốt đẹp, bền vững".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đại: "Tính đến thời điểm hiện tại, Tôn Đông Á đã dành gần 42 tỉ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, xã hội. Đồng hành với cuộc thi viết Sống đẹp, Tôn Đông Á mong muốn lan tỏa yêu thương và tích cực cho cộng đồng, đem "trái tim yêu và bàn tay ấm" đến những mảnh đời kém may mắn. Đây cũng là hành động thiết thực đúng với slogan Cùng xây cuộc sống xanh của Tôn Đông Á xuyên suốt gần 25 năm hình thành và phát triển".
Chủ tịch ActionCOACH Việt Nam Hồ Quang Minh mong muốn thông qua cuộc thi, sẽ tìm ra nhiều gương doanh nhân sống tốt, sống nhân ái, biết chia sẻ với cộng đồng để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. "Cuộc thi Sống đẹp là cơ hội để mọi người có thể đồng hành và lan tỏa các giá trị nhân văn đến từng người. Chúng ta cùng nhau làm được nhiều việc tốt thì xã hội sẽ tốt lên. Đánh thức trong mỗi người làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Chúng tôi cũng mong muốn qua cuộc thi sẽ lan tỏa tình nhân ái, nghĩa đồng bào của người Việt vươn xa, góp phần làm cho hình ảnh Việt Nam luôn Sống đẹp đi ra khắp toàn cầu".
Xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc thi Sống đẹp, thương hiệu Meliwa của Shark Lê Hùng Anh không chỉ tập trung phát triển kinh doanh, mà còn có nhiều hoạt động xã hội, từ thiện giúp đỡ cộng đồng. "Thông qua cuộc thi Sống đẹp, chúng ta có thể truyền tải thông điệp tích cực này đến với nhiều người hơn. Từ phương châm 'cho đi là còn mãi', Meliwa cam kết luôn đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong các hoạt động nhân văn, mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội. Chúng tôi tin rằng sự chung tay chia sẻ là nét văn hóa truyền thống góp phần để đất nước phát triển và phồn vinh", Phó Tổng GĐ Meliwa Việt Nam Hoàng Long chia sẻ.
Tham gia buổi giao lưu, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương căn dặn các bạn trẻ muốn sống đẹp phải rèn luyện kỹ năng cho bản thân cho mình trước. "Mình phải giỏi thì mới giúp người khác được. Ngày xưa, lúc còn trẻ, tôi lăn xả khắp nơi, nhất là những vùng sâu, vùng xa nhất. Tôi lang thang qua Lào làm tình nguyện, lên Tây nguyên tận các buôn làng giúp đỡ đồng bào, nhờ vậy mà mới có các bài hát hay, được giới trẻ yêu thích".
Được biết, cuộc thi Sống đẹp năm nay có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng. Trong đó, ở hạng mục Bài viết có 1 giải Nhất: 30 triệu đồng, 1 giải Nhì: 20 triệu đồng, 2 giải Ba: 10 triệu đồng; 1 giải Nhất cho hạng mục Ảnh: 10 triệu đồng và 1 giải Nhất cho hạng mục Video: 20 triệu đồng cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Cục Nghệ thuật biểu diễn nói 'không phong sát nghệ sĩ'
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho rằng cách "phong sát" của các cơ quan Trung Quốc không phù hợp văn hóa và điều kiện Việt Nam.
"Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước", ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), nói tại tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ (Hà Nội chiều 19.4).
Ông Dương cũng cho biết, đơn vị của ông đã nghiên cứu về việc áp dụng "phong sát", tuy nhiên thấy không phù hợp và không áp dụng.
Ông Dương cho biết, các vi phạm sẽ được xử lý theo pháp luật Việt Nam. "Với những trường hợp vi phạm, chúng ta sử dụng luật về an ninh mạng, luật về công nghệ thông tin, nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt", ông Dương nói.
Hiện tại, một quy chế xử lý những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đang được xây dựng. Dự kiến, các đơn vị là Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an và Bộ TT-TT sẽ cùng hoàn thiện dự thảo này vào khoảng tháng 10 tới.
Bộ quy chế này đang được chờ đợi là sẽ "phủ kín" lỗ hổng pháp lý của bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Theo đó, bộ quy tắc ứng xử do Bộ VH-TT-DL ban hành cuối 2021 chỉ mang tính khung, hoàn toàn không có phần xử phạt. Vì thế, chỉ có thể vận động nghệ sĩ làm theo mà không có chế tài với nghệ sĩ vi phạm.
Tại Việt Nam, một số nghệ sĩ cũng từng bị dư luận đặt vấn đề "phong sát". Một trong số đó là Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo. Hồng Quang Minh từng bị tòa án Mỹ xét xử hình sự năm 2016. Tại phiên tòa, Minh Béo đã chính thức thừa nhận hai tội: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên và có toan tính, cố gắng thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi.
Trưng bày nhiều sách cổ quý hiếm từ thời Nguyễn tại Thừa Thiên - Huế
11 cuốn sách cổ quý hiếm từ thời nhà Nguyễn đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Ngày 19.4, tại Điện Long An, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) đã trưng bày nhiều sách cổ quý hiếm từ thời nhà Nguyễn và giới thiệu tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ được viết từ thời vua Minh Mạng.
11 cuốn sách cổ quý hiếm này đã được ông Hoàng Việt Trung trao tặng vào năm 2021 và năm 2023 gồm: Ngự chế minh văn cổ khí đồ, Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (quyển 7), Tự Đức thánh chế thi tam tập (với các quyển tổng mục, quyển 1,2,3,4,8,9,10), Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ (quyển 69), Giao tự đại lễ, Nghi thức thuyết giới Bồ tát tại gia, Điền tô sai dư thuế lệ, Truyện thơ nôm Phan Trần, Chinh Phụ Ngâm.
Ngoài ra còn có thêm một tập sách ảnh đầu thế kỷ 20. Trong đó, cuốn Nghi thức thuyết giới Bồ tát tại gia là bản photocopy còn lại 10 cuốn sách khác đều là hiện vật gốc có giá trị lịch sử cao.
Đối với tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ của vua Minh Mạng, đây được xem là cuốn sách có giá trị cao, chứa các hình cổ khí, kèm theo là các bài minh văn của vua khắc trên từng cổ khí đó. Những bài minh văn cùng hình vẽ đã được tập hợp, san định lại, khắc trên mộc bản và in thành sách Ngự chế minh văn cổ khí đồ.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, 11 cuốn sách cổ được hiến tặng là bộ sưu tập sách có giá trị trong kho tàng của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Phong phú hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023
Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với các sở ban ngành TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn TP.HCM tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 với thông điệp: Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo; Sách cho tôi, cho bạn; Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc, diễn ra từ ngày 19 - 23.4 tại khu vực Công trường Công xã Paris (từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn) - đường Nguyễn Văn Bình (Đường sách TP.HCM), Q.1 và đồng loạt tổ chức tại TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo Ban tổ chức, sẽ có các không gian triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách thuộc các lĩnh vực với đa dạng thể loại; hơn 70 chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, ra mắt sách, ký tặng sách... Đặc biệt, vào ngày 21.4 tại sân khấu chính Công trường Công xã Paris sẽ diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 như: công bố và giao lưu với 10 đại sứ văn hóa đọc trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 đến từ các lĩnh vực khác nhau; các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn thành phố chung tay tổ chức hoạt động trang bị sách cho người dân, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và phát động Ngày nhận sách miễn phí (21.4) hằng năm dành cho người dân thành phố, bạn đọc khi đến tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Ban tổ chức cũng cho biết đã nhận được sự đồng hành, hưởng ứng và chung tay của các đại sứ góp phần lan tỏa các hoạt động từ ngày 19 - 22.4 cũng như trong giai đoạn sắp tới. Đó là sự ủng hộ của nhiều tác giả sách như: cụ Nguyễn Đình Tư - nhà nghiên cứu 103 tuổi, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa như bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử; bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, tác giả Đi qua thời gian, Chuyện ở phường, Hãy cứ đi về phía nhân dân, Chuyện về ứng xử văn hóa; TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ; tác giả Trung Nghĩa - chủ nhân của nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký, travel blogger truyền cảm hứng cho giới trẻ.
Nhiều gương mặt nổi tiếng trên các lĩnh vực cũng đồng hành cùng chương trình trong vai trò đại sứ truyền thông như: doanh nhân Lê Đăng Khoa - Chủ tịch Quỹ Le Group Ventures, là người luôn đề cao sự học khi đồng hành cùng sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM với Quỹ học bổng Lê Đăng Khoa, hỗ trợ sinh viên liên tục 5 năm; á hậu quốc tế Thúy Vân - nhà sáng lập Quỹ Inspired by SHE, diễn giả của hàng loạt chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ; ca sĩ Hồ Trung Dũng - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nghệ sĩ luôn đam mê và đề cao việc đọc sách; em Bùi Lưu Bảo Khánh - học sinh lớp 8, giải nhất hội thi Lớn lên cùng sách lần 8; hay đại sứ truyền cảm hứng - Gương mặt vượt qua nghịch cảnh Nguyễn Chánh Tín, tác giả cuốn sách Tôi chọn sống...
Cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu tạm dừng đấu giá sắc phong Việt Nam
Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá sắc phong Việt Nam và sẵn sàng phối hợp để xác minh thông tin.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi tìm hiểu thông tin từ Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của TP.Thượng Hải đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong. Đây là những sắc phong có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, được rao bán trên trang của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh ở Thượng Hải.
Ngày 19.4.2023, Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá sắc phong và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Theo công văn Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) gửi Bộ ngoại giao, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn", trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22.4.2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong. Trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương.
Đồng thời, vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại địa phương khác nhau của Việt Nam.
Một nhà quản lý di sản Việt Nam đánh giá sự việc này cho thấy thiện chí của cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc và cho thấy chất lượng quan hệ hợp tác quốc tế về di sản của Việt Nam.
Trước đó, Ông Trần Ngọc Đông, một người yêu di sản, đã "thấy nhiều sắc phong Việt Nam" được rao bán trên trang của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ông cho biết: "Đáng chú ý trong số sắc phong ấy có loạt sắc phong của đền Dị Nậu (H.Tam Nông, Phú Thọ). Tháng 5.2021, kẻ gian đã đột nhập vào đền, dùng xà beng cạy két để lấy đi 40 đạo sắc phong là báu vật của làng Dị Nậu".
Ngay sau đó, Cục Di sản văn hóa có văn bản đề nghị các sở quản lý văn hóa các tỉnh, thành là Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong đang rao bán trên trang mạng Trung Quốc, gây xôn xao.
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa cho biết báo cáo từ các tỉnh thành trên đã được gửi lên, trong đó xác nhận việc sắc phong bị mất.
Bình luận (0)