Sự kiện văn hoá tuần qua: Nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
20/02/2022 07:00 GMT+7

Ở tuổi 93, nhà thơ Giang Nam - tác giả bài thơ Quê hương nổi tiếng vẫn chưa thể nhận tin vui, vì ông không được cơ quan chức năng xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh , dù có lời đề nghị của địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản (do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký), gửi Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa về trường hợp nhà thơ Giang Nam. Theo đó, đầu năm 2022, Sở VH - TT Khánh Hòa có văn bản gửi Bộ VH - TT - DL đề nghị hướng dẫn trường hợp xét đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam. Trước đó, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất với các cấp có thẩm quyền xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đối với tác giả bài thơ Quê hương.

Nhà thơ Giang Nam

LÊ ĐỨC DƯƠNG

Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng; Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29.9.2014 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 1.10.2018 của Chính phủ quy định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, không có hình thức xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đối với các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình của các tác giả. Văn bản cũng nói rõ thêm, hiện nay công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành. Bộ VH - TT - DL, cơ quan thường trực hội đồng cấp Nhà nước đang hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các tác phẩm, cụm tác phẩm của nhà thơ Giang Nam, Sở VH - TT Khánh Hòa hướng dẫn tác giả đăng ký xét tặng Giải thưởng trong đợt xét kế tiếp.

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2.2.1929, tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Ông là tác giả của bài thơ Quê hương nổi tiếng và rất nhiều tác phẩm có giá trị khác, đặc biệt là tác phẩm thơ ca về Bác Hồ. Ông từng đạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; Giải thưởng VHNT Khánh Hòa giai đoạn 1975 - 2000; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa giai đoạn 2001 - 2005; Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Từ năm 2001, khi nhà thơ Giang Nam được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật thì trước các kỳ xét giải thưởng sau đó (5 năm/lần), lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ trong tỉnh đều động viên ông làm hồ sơ đăng ký để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng vì một số lý do nên nhà thơ và gia đình vẫn chưa làm hồ sơ đăng ký. Hiện nay ông tuổi đã cao nên nếu không được đặc cách, phải chờ đợi đến kỳ xét giải lần sau thì ông đã gần 100 tuổi.

NSƯT Lê Gia Hội - giọng ca opera “huyền thoại” Việt Nam đã ra đi

NSƯT Lê Gia Hội - một trong những giọng ca opera “huyền thoại” của âm nhạc Việt Nam, đã qua đời lúc 19 giờ ngày 12.2, hưởng thọ 83 tuổi.

Với chất giọng nam cao sáng đầy hào sảng như vút vào lòng người nghe, NSƯT Lê Gia Hội là một trong những tên tuổi hàng đầu của opera Việt Nam cùng những nghệ sĩ như NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương, NSƯT Ngọc Dậu...

NSƯT Lê Gia Hội

T.L

NSƯT Lê Gia Hội đã tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội (Hà Nội) trong suốt nhiều năm, dìu dắt nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Ông hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, thuộc thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nhà hát. NSƯT Lê Gia Hội đã tham gia vai chính của nhiều vở nhạc kịch lớn như Cô Sao, Ruồi Trâu, Madam Butterfly, Trương Chi... và từng được nhà nước cử đi tu nghiệp tại Bulgaria.

Lễ đặt bia tưởng niệm vua Lê Thánh Tông

Ngày 18.2, tại xã Bình Hải (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), tộc họ Lê Việt Nam đã đặt bia tưởng niệm nhân 525 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông (1497 - 2022).

Thôn Vạn Tường, xã Bình Hải là nơi vua Lê năm 1471 dẫn đại binh mở đầu cho cuộc chinh nam mở mang bờ cõi. Đại Việt có thêm một vùng đất mới tên Thừa tuyên Quảng Nam, biên giới của Đại Việt kéo dài tới đèo Cù Mông, giáp tỉnh Phú Yên ngày nay.

Theo tộc họ Lê, sau lễ đặt bia, tại vùng đất này sẽ dựng tượng vua Lê Thánh Tông để ghi nhớ ngày nhà vua dẫn đại binh mở mang bờ cõi về phương nam. Tỉnh Quảng Ngãi đã cấp cho tộc họ Lê hơn 10.000 m² để hình thành nơi đây khu di tích quốc gia.

Hội Nhà văn Việt Nam không công bố Nguyễn Hữu Hồng Minh là hội viên

Thông tin từ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, trong danh sách hội viên mới công bố ngày 14.2 không có tên Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ông Nguyễn Hữu Hồng Minh là trung tâm của cuộc tranh luận liên quan đến bài thơ Lỗ thủng lịch sử trong những ngày qua. Bài thơ do ông sáng tác đã 19 năm và bây giờ lại được mang ra mổ xẻ khi việc ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được công bố.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh không có tên trong danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

K.T

Trên trang Facebook, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dẫn ý kiến của nhiều nhà văn, nhà thơ cho rằng Lỗ thủng lịch sử là tác phẩm “tởm lợm”, “quái đản”. Ông Nhơn còn đặt câu hỏi liệu đó có thật sự là tác phẩm của Nguyễn Hữu Hồng Minh hay không. “Nếu anh vẫn thừa nhận Lỗ thủng lịch sử là tác phẩm tâm đắc của bản thân, thì anh đừng nên cầm tấm thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”, ông Nhơn viết.

Ông Nhơn cũng chia sẻ thông tin Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam không bỏ phiếu kết nạp Nguyễn Hữu Hồng Minh. Khi Hội đồng Thơ họp, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam có thông báo Nguyễn Hữu Hồng Minh đã đạt phiếu quá bán của Hội đồng văn xuôi, nhưng anh ấy chủ yếu làm thơ. Có thể chuyển sang kết nạp ở chuyên ngành thơ không. Đáp lại, ông Nhơn cho biết: “Tất cả 9 thành viên của Hội đồng Thơ đều phản đối”.

Mặc dù vậy, một số nhà văn, nhà thơ khác lại bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng kể cả không thích bài thơ cũng không đồng tình với việc mang Lỗ thủng lịch sử của 19 năm trước ra để ngăn cản việc kết nạp Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Phim Alcarràs của Tây Ban Nha giành giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin 2022

Nữ đạo diễn Tây Ban Nha Carla Simón đã đoạt tượng Gấu vàng, giải cao nhất tại Liên hoan phim Berlin 2022 cho bộ phim thứ hai Alcarràs về một gia đình nông dân xứ Catalan phải đối mặt với việc bị đuổi khỏi đất của họ.

Carla Simón (36 tuổi) nhận giải thưởng từ tay chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Berlin 2022 M.Night Shyamalan, đánh dấu một đêm thành công cho các nhà làm phim nữ.

Nữ đạo diễn Tây Ban Nha Carla Simón đoạt giải Gấu vàng

VARIETY

Alcarràs là một trong những phim tranh giải Gấu vàng được yêu thích nhất sau buổi công chiếu ngày 15.2 tại Liên hoan phim Berlin, với sự tán thưởng của giới phê bình dành cho bộ phim giản dị nhưng gây xúc động mạnh của nữ đạo diễn Carla Simón qua diễn xuất của nhóm diễn viên không chuyên nghiệp.

Vinh dự thứ hai - Giải thưởng lớn của Ban giám khảo - thuộc về đạo diễn Hàn Quốc Hong Sangsoo qua bộ phim hài dí dỏm The Novelist’s Film. Hong Sangsoo đảm nhận vai trò đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất, dựng phim.... Đây là năm thứ ba liên tiếp Hong tham gia Liên hoan phim Berlin. Hai năm trước, tác phẩm The Woman Who Ran của ông đã thắng giải Gấu bạc - Đạo diễn xuất sắc nhất.

Năm nay, giải Gấu bạc - Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về Claire Denis (Pháp), với bộ phim về mối quan hệ đầy nhục cảm Fire có sự tham gia diễn xuất của Juliette Binoche và Vincent Lindon trong vai một cặp đôi người Paris. Đó là chiến thắng đầy vinh quang dành cho nữ đạo diễn Claire Denis.

Giải Gấu bạc của Ban giám khảo được trao cho một nhà làm phim nữ khác: Natalia Lopez Gallardo (Mexico) qua phim Robe of Gems. Được biết đến nhiều nhất với tư cách là trợ lý cho các đạo diễn lớn như Carlos Reygadas, Lisandro Alonso và Amat Escalante, Lopez Gallardo gây ấn tượng mạnh với bộ phim tội phạm Robe of Gems.

Các bộ phim tham gia Liên hoan phim Berlin 2022 được công chiếu trong 7 ngày đầu tiên từ hôm 10.2. Phần còn lại của sự kiện kết thúc vào 20.2 với các buổi chiếu phim dành cho công chúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.