Sự kiện văn hóa tuần qua: Sở VH-TT Bình Định rút kinh nghiệm vụ xâm hại tháp Bánh Ít

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
13/03/2022 07:00 GMT+7

Sở VH-TT tỉnh Bình Định - chủ đầu tư dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít - xin tiếp thu, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình của nhà thầu thi công.

Chiều 11.3, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã đề nghị Sở VH-TT tỉnh này yêu cầu các nhà thầu thi công dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) không thi công bằng cơ giới ở khu vực các tháp, vùng bảo vệ vòng 1 di tích tháp Bánh Ít (không san gạt, đào bới...) và tạm dừng các công việc liên quan đến các sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia (thuộc cụm tháp Bánh Ít).

Dùng máy đào thi công gần tháp Chính

BẠN ĐỌC CUNG CẤP

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng phối hợp Sở VH-TT nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các việc xây dựng trên sân tháp, bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp, lát nền xung quanh các tháp đảm bảo về quy mô, không làm ảnh hưởng đến giá trị của các tháp…

Chiều cùng ngày, liên Sở VH-TT - Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng có văn bản cung cấp thông tin về việc thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít. Hai sở này khẳng định việc triển khai thi công được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, đúng theo hồ sơ thiết kế được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận. Tuy nhiên, trong quá trình thi công vị trí mái ta luy tháp Cổng, nhà thầu đã dùng máy đào để múc các bụi rậm hai bên tháp, hiện đã đưa máy đào ra khỏi khu vực này. Bồn hoa xung quanh tháp Chính được thi công đúng thiết kế nhưng UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất điều chỉnh thiết kế, không xây bồn hoa mà sẽ lát đá ong quanh chân tháp để trồng cỏ.

Liên Sở VH-TT - Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng cho rằng việc tháo dỡ tấm bê tông trên sân tháp Chính có phát hiện gạch đất nung vỡ vụn từ lâu, giống như ở các tháp Chăm khác trên địa bàn tỉnh, xung quanh chân tháp đều có phần gạch vụn, là phần vật liệu không sử dụng được trong quá trình xây dựng tháp trước đây. Trong đống gạch vỡ phát hiện có một mảnh đá màu đen xám chạm khắc (kích thước 40 x 60 x 44 cm), hình dáng không rõ ràng. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định và sẽ nhờ các chuyên gia giám định theo quy định của luật Di sản.

Trong ngày 11.3 và những ngày trước đó, PV Thanh Niên và một số phóng viên thường trú tại Bình Định liên lạc với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, để nắm rõ sự việc… Tuy nhiên, ông Chánh không nghe điện thoại và không đồng ý trao đổi với các phóng viên.

Như Thanh Niên đã thông tin, trong quá trình thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư), đơn vị thi công đã sử dụng phương tiện cơ giới đào bới, xâm hại một số khu vực quanh các tháp cổ khiến dư luận bức xúc.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại: Kể câu chuyện thời gian trong thung lũng thần linh

Chiều 11.3, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) giới thiệu sản phẩm Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, nằm trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại có sự tham gia của hơn 200 diễn viên, nghệ sĩ, được dàn dựng bởi một đạo diễn đã từng gắn bó và dành cả tâm huyết với Mỹ Sơn. Chương trình này nằm trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại hứa hẹn là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách đến với Mỹ Sơn

BQL MỸ SƠN

Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời nhằm tái hiện những giá trị của tinh hoa văn hóa Chăm tại Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Vượt khoảng cách không gian và thời gian để tìm mối giao hòa giữa xưa và nay, Đêm Mỹ Sơn huyền thoại kể về “Thung lũng - Câu chuyện thời gian’’.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại truyền tải thông điệp đến khán giả bằng nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật. Sự phối hợp giữa các ngôn ngữ múa cùng với kỹ xảo ánh sáng cũng như hiệu ứng sân khấu sẽ tạo nên màn trình diễn chân thực và đầy ấn tượng nhất.

Chương trình diễn ra vào khoảng 16 giờ ngày 24.3 và dự kiến sẽ là sản phẩm du lịch đưa vào phục vụ thường xuyên vào ngày 16 âm lịch hằng tháng.

Ngoài ra, đến với chương trình, du khách còn được trải nghiệm và thưởng thức các loại hình văn hóa dân gian hiện tại của 2 dân tộc Chăm - Việt, như trích đoạn các lễ hội của người Chăm; giao lưu và tập hát dân ca Chăm và các loại hình trình diễn khác...

Nhạc sĩ Văn Dung, tác giả ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác qua đời

Nhạc sĩ Văn Dung qua đời vào lúc 20 giờ 23 phút ngày 8.3 tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15.1.1936, nguyên trưởng phòng Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều ca khúc như Những bông hoa trong vườn Bác, Đường Trường Sơn xe anh qua, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Giải phóng quân ta ra đi, Tiến về Khe Sanh, Chiều xa thành phố cảng…

Nhạc sĩ Văn Dung

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Trong đó, ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác của ông được nhìn nhận là một trong những ca khúc hay nhất viết về Bác Hồ, đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt. Ca khúc Giải phóng quân ta ra đi, một trong những sáng tác đầu tay của ông, đã đóng góp cho hào khí chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Phần lớn những tác phẩm của ông gắn với những hoạt động sôi nổi của thanh niên trong những phong trào thi đua chống giặc ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc... Nhạc sĩ Cầm Phong sau này đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Với công việc này nhạc sĩ Văn Dung đã không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức âm nhạc từ những nhạc sĩ đồng nghiệp đi trước như nhạc sĩ Hoàng Vân… Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đất nước tiếp tục giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, nhạc sĩ Văn Dung đã có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa ở miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Cũng từ đây nhiều ca khúc đã được viết nên.

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Văn Dung đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

Tiểu thương chợ Đông Ba “hồi sinh” nét văn hóa áo dài sau gần 50 năm

Sau gần 50 năm vắng bóng, tiểu thương chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế) đã quyết tâm khôi phục truyền thống mặc áo dài, hồi sinh nét văn hóa thú vị ở đất cố đô.

Truyền thống mặc áo dài đang được tiểu thương chợ Đông Ba (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) "hồi sinh" sau gần 50 năm vắng bóng, cùng với nếp mua bán văn minh, đúng giá.

Tiểu thương chợ Đông Ba, TP.Huế trong ngày phát động khôi phục truyền thống áo dài

LÊ HOÀI NHÂN

Những ngày này, nếu có dịp ghé thăm ngôi chợ nổi tiếng này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh chị em tiểu thương dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài mời chào khách. Cả khu chợ như vui hơn với những tà áo đủ gam màu của phụ nữ Huế. Trước năm 1975, Đông Ba là ngôi chợ nổi tiếng và quan trọng bậc nhất đất thần kinh, đáp ứng nhu cầu giao thương, lưu thông hàng hóa của người dân. Nét văn hóa áo dài của chợ Đông Ba và người dân Huế tồn tại cho đến năm 1975 và sau đó mất dần vì nếp sống văn hóa thay đổi.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba, cho biết phong trào mặc áo dài trong chợ những ngày qua được hầu hết bà con tiểu thương hưởng ứng. Ban quản lý chợ cũng tích cực vận động tiểu thương duy trì việc mặc áo dài thường niên trong thời gian tới.

Hoạt động này do Ban quản lý chợ Đông Ba phát động, diễn ra từ ngày 1.3 đến ngày 10.3, với mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống và khôi phục văn hóa mặc áo dài ở chợ Đông Ba. Đây là nỗ lực của chị em tiểu thương nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 và 1982 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, quảng bá văn hóa du lịch cố đô Huế và góp phần xây dựng Huế trở thành "kinh đô áo dài" của Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hơn 123 năm tuổi, Đông Ba là chợ truyền thống lâu đời, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở đất cố đô. Nhiều người hy vọng phong trào áo dài trong chợ sẽ được “hồi sinh” bền vững.

Vĩnh biệt một giọng đọc huyền thoại

NSND Tuyết Mai, giọng đọc huyền thoại của Đài tiếng nói Việt Nam, ra đi hồi 22 giờ 12 ngày 5.3 ở tuổi 98.

Khi những đoạn nhạc hiệu chương trình Vì an ninh Tổ quốc, tiết mục Kể chuyện cảnh giác, chương trình Trang văn nghệ chủ nhật, chương trình Đọc truyện đêm khuya, tiết mục Tiếng thơ, chương trình Sân khấu truyền thanh, chương trình Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc… được phát lại trên trang báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều người không khỏi bồi hồi khi được nghe lại giọng nữ trung vang, mềm của NSND Tuyết Mai. Giọng nói của ký ức, của lịch sử. Giọng nói mà nhà văn Tô Hoài đã dành lời khen “đạt đến mức chuẩn mực” về cách phát âm của một ngôn ngữ chuẩn mực cho cả nước trên Đài tiếng nói Việt Nam.

NSND Tuyết Mai (phải) và NSƯT Hà Phương khi còn công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam

TƯ LIỆU

Được tôn vinh là “giọng đọc vàng” trên sóng phát thanh, nhưng có điều đặc biệt là NSND Tuyết Mai không qua đào tạo phát thanh viên mà chỉ tự học, tự rèn luyện. NSND Tuyết Mai (tên thật là Bùi Thị Thái) sinh ra ở đảo Cát Hải, Hải Phòng. Bà theo gia đình lên Hà Nội từ năm 12 tuổi và sớm tham gia cách mạng, hát cổ động cho nhiều phong trào, tham gia ghi âm những ca khúc cách mạng tại Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1958 đánh dấu ngã rẽ trong sự nghiệp của bà, ca sĩ Bùi Thị Thái đã trở thành phát thanh viên xuất hiện trên sóng phát thanh với nghệ danh Tuyết Mai.

Trong ký ức của nhiều đồng nghiệp cùng thời hay thuộc thế hệ sau này, NSND Tuyết Mai dù sở hữu chất giọng trời phú, nhưng bà luôn khiêm nhường, khổ luyện để có được giọng đọc truyền cảm đi vào lòng thính giả nhiều thế hệ.

Lan tỏa tình yêu dành cho áo dài

Chiều 7.3, buổi tọa đàm Áo dài Việt Nam - Tôn vinh vẻ đẹp Việt do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức nhằm hưởng ứng Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 8 - năm 2022 đã diễn ra sôi nổi.

Lễ hội Áo dài TP.HCM năm nay đang diễn ra từ ngày 5.3 - 15.4 chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam, với nhiều hoạt động phong phú như: diễu hành áo dài với 2.000 người tham gia, chương trình nghệ thuật chủ đề Áo dài ơi, triển lãm áo dài và điểm đến du lịch tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân thành phố… Cùng với đó là các cuộc thi, tọa đàm về áo dài, hoạt động đồng hành ở các cơ quan, đơn vị, trường học.

Hoa hậu H’Hen Niê và Á hậu Kim Duyên trong buổi diễu hành áo dài với 2.000 người tham gia tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM sáng 6.3

BTC LỄ HỘI ÁO DÀI

Chương trình cũng nhận được sự đồng hành và hưởng ứng nhiệt tình của các nhà thiết kế áo dài như: Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Trisha Võ, Võ Việt Chung, Việt Hùng, nhà thiết kế - nghệ nhân vẽ áo dài Trung Đinh…

Trong không khí đó, sự kiện tọa đàm Áo dài Việt Nam - Tôn vinh vẻ đẹp Việt do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức với sự chủ trì của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai… nhằm góp phần tôn vinh áo dài truyền thống, giới thiệu nét đẹp, sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hằng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng.

Thợ săn cổ vật bị cấm chiếu tại Việt Nam vì có bản đồ đường lưỡi bò

Thông tin bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong "bom tấn" hành động Thợ săn cổ vật có 'nhện nhí' Tom Holland đóng khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Sáng 12.3, tin tức bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong phim Uncharted (tựa Việt: Thợ săn cổ vật) được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn, fanpage phim ảnh tại Việt Nam. Trên mạng xã hội Facebook, hình ảnh bản đồ đường chín đoạn phi pháp tại biển Đông trong Uncharted cũng được lan truyền, kèm những bình luận phẫn nộ của dân mạng Việt Nam.

Uncharted có sự tham gia của hai gương mặt tài tử đình đám Tom Holland và Mark Wahlberg

SONY

Bên cạnh đó, một số khán giả Việt Nam bày tỏ sự thất vọng với dàn diễn viên Uncharted. Một bình luận gây chú ý: “Vậy là những ai liên quan đến phim này công khai ủng hộ đường lưỡi bò rồi còn gì”.

Fanpage nam diễn viên Tom Holland tại Việt Nam có gần 70.000 lượt thích cũng tràn ngập bình luận phản đối Uncharted vì có bản đồ đường lưỡi bò. “Có bản đồ đường lưỡi bò thì cấm khẩn trương. Dù tiếc cho Tom Holland nhưng không thể chiếu những phim có yếu tố sai trái này được”, một dân mạng bày tỏ trên fanpage Việt Nam của “chàng Nhện”.

Uncharted là bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu hành động kể về cuộc hành trình tìm kho báu thất lạc của anh chàng Nathan Drake thông minh, cùng với cộng sự Victor “Sully” Sullivan. Đây cũng là một trong những "bom tấn" hành động đầu tiên của năm 2022, đánh dấu sự kết hợp của tài tử trẻ Tom Holland với các đàn anh kỳ cựu như Mark Wahlberg hay Antonio Banderas. Việc phim được chuyển thể series trò chơi điện tử cùng tên nổi tiếng cũng khiến nó sớm nhận được sự chú ý từ những “mọt phim” trên toàn thế giới.

Ban đầu, Uncharted dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 18.3. Tuy nhiên hiện tại thông tin về lịch chiếu của Uncharted tại Việt Nam đã biến mất. Sau vụ việc, các fanpage chuyên review phim ảnh tại Việt Nam cũng tuyên bố sẽ không review cũng như không cập nhật bất kỳ tin tức nào ủng hộ Thợ săn cổ vật.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết Hội đồng duyệt phim quốc gia đã xem và quyết định không cho phim ra rạp. "Hội đồng đã quyết định cấm phim này ra rạp. Cục Điện ảnh đã ra quyết định cấm", ông Thành nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.