Nhà nước đang có kế hoạch quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt tại rạp. Theo đó, tại điều 9, ở mục 2 của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh 2022: Bắt buộc các rạp chiếu phải “bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm” đối với tỷ lệ suất chiếu phim truyện Việt Nam.
Bên cạnh đó còn là quy định “phim Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 - 22 giờ tại rạp”…
Phim Việt chiếu rạp Mười: Lời nguyền trở lại hiện thu được 21 tỉ đồng |
cgv |
Nhà sản xuất lo ngại quy định nói trên sẽ là cớ để chủ rạp hạn chế phim nội, mà theo các nhà sản xuất, tỷ lệ 25% phim nội là mức rất thấp để thu hồi vốn. Còn chủ rạp cho rằng phim dở thì làm sao bắt buộc chiếu nhiều suất trong khi rạp trống, không có khán giả, để đạt tỷ lệ quy định?
Một chủ rạp đề nghị giấu tên thẳng thắn nói: “Phim Việt dở thì phải chịu quy luật của thị trường, không thể để giải cứu phim nội mà bắt buộc rạp phải chiếu phim nội cho đủ ít nhất 25% tổng số suất chiếu tại rạp; và có ý kiến còn đề xuất tới một hạn ngạch cho nhập khẩu phim - như vậy là hạn chế nhu cầu được thưởng thức tất cả sản phẩm giải trí đặc sắc, không vi phạm luật của khán giả, người dân VN. Không thể đổ lỗi rằng khán giả Việt sính ngoại nên chỉ xem phim ngoại, bỏ qua phim nội”.
Nhiều nhà sản xuất thừa nhận nội dung kém, các khâu kỹ thuật, diễn xuất… cũng không được chăm chút kỹ lưỡng là nguyên nhân chính khiến phim Việt thất bại trên chính sân nhà ở thời điểm này. Thực tế, khán giả ra rạp không phải cứ chọn phim bom tấn ngoại để xem.
Thế nên, việc quy định tỷ lệ suất chiếu 25% dành cho phim Việt ở rạp nếu sắp tới được ban hành, thậm chí cả hạn ngạch cho nhập khẩu phim dù có đưa ra (hiện chưa có trong luật) thì cũng không thể khiến phim Việt dở thu hút đông đảo người xem được; và chính các đạo diễn, những người làm phim mới là những người cần “giải cứu” để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đưa tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vào đền thờ trang nghiêm
Sau hàng trăm năm, bức tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã được chính quyền, nhân dân rước vào đền thờ khang trang ở thôn Trà Liên (xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, Quảng Trị), xứng tầm với công lao, tên tuổi của ông.
Kỷ niệm 465 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong (1558 - 2023), 420 năm ngày mất của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (1602- 2022), ngày 11.10, tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong đã diễn ra lễ khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.
Lễ rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được tổ chức trang trọng |
THANH LỘC |
Theo sử sách, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phương Nam của chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng khi ấy 34 tuổi được Nguyễn Ư Dĩ phò tá vào chọn đất Ái Tử, nay là huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để lập dinh trại, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía Nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.
Trong hàng khai quốc công thần của chúa Nguyễn Hoàng, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là người đứng đầu vì có nhiều công lao rất to lớn giúp Nguyễn Hoàng dựng nên nghiệp lớn. Năm 1602, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, chúa Nguyễn cho đúc tượng thờ ông tại đền thờ trong phủ Chúa ở dinh Trà Bát, thuộc làng Trà Liên.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hoa hậu Du lịch Thế giới - Miss Tourism World 2022
Tổ chức Hoa hậu Du lịch Thế giới - Tourism World Organisation (Vương quốc Anh) vừa công bố Việt Nam sẽ là quốc gia đăng cai vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới – Miss Tourism World 2022, diễn ra vào tháng 12 tới.
Năm 1991, lần đầu tiên ông John Singh (Anh) sáng lập và là chủ sở hữu tổ chức cuộc thi Miss Tourism World - Hoa hậu Du lịch Thế giới, và liên tục cho đến nay đã trở thành 1 trong 5 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất, danh giá nhất toàn cầu.
Việt Nam sẽ tổ chức vòng chung kết Miss Tourism World 2022 |
BTC |
Nhân kỷ niệm 31 năm cuộc thi Miss Tourism World - Hoa hậu Du lịch Thế giới, ông John Singh và đối tác chiến lược Công ty Quảng cáo Truyền thông Tấm và Cám (Công ty Tấm và Cám) tại Việt Nam đã phát triển phiên bản đặc biệt dành riêng cho vòng chung kết Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 14.11 đến 5.12, với chủ đề Mang thế giới đến Việt Nam với sự tham gia của hơn 60 người đẹp đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Miss Tourism World 2022 - Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 không chỉ mang đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh đẹp, thân thiện, hấp dẫn, những sắc màu độc đáo của đất nước – con người Việt Nam, mà còn tạo ra một không gian giao lưu văn hóa rộng lớn, góp phần thúc đẩy, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, hạ tầng du lịch ngày một hiện đại và phát triển của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Kết quả chung kết Sao Mai 2022 không nhiều bất ngờ
Thí sinh Lan Quỳnh (phong cách âm nhạc thính phòng), Minh Ngọc (phong cách âm nhạc dân gian) và Trịnh Văn Núi (phong cách nhạc nhẹ) đã giành giải nhất từng phong cách âm nhạc của giải Sao Mai 2022.
Đêm chung kết xếp hạng là cuộc so tài của 6 thí sinh thuộc 3 phong cách âm nhạc: Lan Quỳnh (SBD 09), Vân Anh (SBD 18) thuộc phong cách âm nhạc thính phòng; Minh Ngọc (SBD 07), Thu An (SBD 02) thuộc phong cách âm nhạc dân gian; Trịnh Văn Núi (SBD 12), Đoàn Hồng Hạnh (SBD 15) thuộc phong cách nhạc nhẹ.
Các thí sinh đoạt quán quân Sao Mai 2022 |
Trong đêm chung kết xếp hạng, ngoài các phần thi của thí sinh, khán giả còn được thưởng thức phần trình diễn của các khách mời như diva Mỹ Linh, quán quân Sao Mai Xuân Hảo - Đỗ Tố Hoa, quán quân 2015 Hoàng Hồng Ngọc, ca sĩ Khắc Hiếu (Sao Mai điểm hẹn)…
Vĩnh biệt học giả An Chi
Sau thời gian chống chọi với bệnh tật và tuổi già, ngày 12.10 trái tim vị học giả tên tuổi Việt Nam - An Chi - ‘kho báu” từ nguyên đã lặng lẽ ngừng ở tuổi 88, chấm dứt những ngày tháng ông Rong chơi miền chữ nghĩa ở cõi nhân gian.
Học giả An Chi cả một đời đau đáu với chữ và đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ chữ nghĩa. Ngay cả việc biên soạn từ điển, ông còn gay gắt: "Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc. Dứt khoát phải như thế. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc chứ trong thực tiễn thì, nói chung, từ điển, dù có hoành tráng đến đâu, cũng khó lòng có thể tránh được sai sót một cách tuyệt đối”.
Học giả An Chi |
l.c.s |
Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, còn có các bút hiệu khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Ông sinh ngày 27.11.1935 tại Sài Gòn, quê Gia Định (nay là Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Vượt tuyến ra Bắc tháng 5.1955, ông tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, rồi đi dạy học và làm nhiều nghề khác.
Từ năm 1975, ông trở vào Nam, công tác ở ngành giáo dục. Về hưu non, đọc sách và nuôi chim kiểng chơi, năm 1990 ông bắt đầu cộng tác với tạp chí Kiến thức ngày nay rồi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí này từ năm 1992 - 2007. Những kiến giải của học giả An Chi được tập hợp thành các cuốn nổi tiếng: Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm… Bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa 5 cuốn tập hợp những bài giải đáp của ông trên nhiều tờ báo, nội dung bàn nhiều về ngữ nghĩa, đều do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành.
Đánh giá về sự nghiệp của nhà nghiên cứu An Chi khó có thể tóm tắt trong đôi dòng, nếu chỉ nói một điều gì đó, tôi nghĩ rằng, về tiếng Việt, chính cụ đã đặt lại vấn đề về “từ láy” trong tiếng Việt. Có thật là từ láy như quan niệm xưa nay? Hay là cả hai từ đó đều có nghĩa?
Xin vĩnh biệt học giả An Chi, một kho báu tài nguyên vô giá ở kiếp này để ông lại thanh thản rong chơi ở một cõi khác, nơi ấy chắc sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn cõi trần gian khó nhọc này nhiều.
Bình luận (0)