Sứ mệnh bí ẩn của phi thuyền Trung Quốc

02/10/2020 14:51 GMT+7

Trung Quốc vừa hoàn tất việc phóng thử phi thuyền có thể tái sử dụng với mục đích được cho là nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ tuyệt mật.

Phát biểu tại một hội nghị về không gian mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian bằng cách đưa thêm vũ khí, vệ tinh và những hệ thống khác lên vũ trụ. Thực tế, Trung Quốc trong tháng 9 được cho là đã thử nghiệm một phi thuyền bí ẩn mang tính đột phá cho chương trình không gian của nước này.

Thử nghiệm đột phá

Đầu tháng 9, phi thuyền có thể tái sử dụng của Trung Quốc đáp xuống Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, Khu tự trị Nội Mông sau 2 ngày bay quanh quỹ đạo trái đất. Tân Hoa xã chỉ đăng bản tin ngắn thông báo chuyến bay thành công này đánh dấu bước đột phá quan trọng của Trung Quốc trong nghiên cứu phi thuyền tái sử dụng, giúp cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai được thuận tiện hơn với chi phí thấp và mang lại công nghệ hỗ trợ việc sử dụng vũ trụ một cách hòa bình.
Phi thuyền tái sử dụng là phương tiện hữu ích nhằm tiết kiệm chi phí du hành vũ trụ. Trước Trung Quốc, Mỹ đã phát triển phi thuyền không người lái tương tự tên là X-37B. Kể từ lần phóng đầu tiên năm 2010 đến nay, toàn bộ thông tin về chương trình X-37B như đặc điểm kỹ thuật, công dụng và mục đích của tàu đều được giữ kín, ngoại trừ việc nó hoạt động bằng năng lượng mặt trời và động cơ đẩy tối tân.
Tương tự, không có thông tin nào về phi thuyền của Trung Quốc được công bố. Tờ South China Morning Post trích một thông báo của giới chức Trung Quốc cảnh báo nhân viên của cơ quan hàng không không được quay phim lại vụ phóng hay bàn bạc về chuyện này trên mạng. Các đơn vị cũng được yêu cầu phải tăng cường kiểm soát nhân viên trong thời gian chuyến bay diễn ra để đảm bảo không bị rò rỉ bí mật.
Phi thuyền của Trung Quốc được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F. Theo trang The Drive, tên lửa đẩy Trường Chinh 2F có khả năng mang theo khối lượng hàng hóa khoảng 8,4 tấn, lớn hơn trọng lượng khi phóng của X-37B là 5 tấn.
Trong khi đó, phóng viên Andrew Jones chuyên theo dõi chương trình không gian Trung Quốc của trang Space News cho biết tháp phóng tại Trung tâm Tửu Tuyền đã được chỉnh sửa nhiều trước vụ phóng hôm 4.9. Điều này dẫn đến suy luận rằng phi thuyền vừa được phóng có trọng lượng lớn hơn sức tải trước đó của tên lửa Trường Chinh 2F.

Nhiệm vụ bí mật

Bí ẩn bao trùm vụ phóng phi thuyền của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều đồn đoán cho rằng phương tiện này liên quan đến các chương trình nghiên cứu tuyệt mật, phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự. Nhiều chuyên gia đã so sánh phi thuyền của Trung Quốc với X-37B và cho rằng mục đích sử dụng của hai phương tiện cũng tương tự nhau. Phi thuyền X-37B bí ẩn của Mỹ hoạt động như một tàu con thoi mini, được phóng lên bằng tên lửa đẩy và hạ cánh trên đường băng như máy bay bình thường. Các nhiệm vụ của X-37B được giữ kín cho đến gần đây.
Trong lần phóng hồi giữa tháng 5, không quân Mỹ thông báo X-37B sẽ thử nghiệm hệ thống giúp hấp thu năng lượng mặt trời và chuyển về trái đất dưới dạng chùm tia vi sóng.
Các thiết bị dưới đất sẽ dùng một ăng ten đặc biệt giúp hấp thụ chùm tia năng lượng này và chuyển đổi thành điện năng. Công nghệ này được đánh giá mang tính đột phá, giúp tiếp năng lượng cho các máy bay không người lái hoạt động liên tục trong các nhiệm vụ do thám.
Theo chuyên trang The Drive, phi thuyền giống X-37B của Trung Quốc cũng có tiềm năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công trong không gian như gây nhiễu vệ tinh đối phương, thả tiểu vệ tinh ra vũ trụ để tấn công các vệ tinh khác, do thám từ vũ trụ... Trước khi rời khỏi quỹ đạo vào hôm 6.9, phi thuyền này được phát hiện đã thả một vật thể ra vũ trụ, theo Space News.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình tại Hồng Kông nói với tờ South China Morning Post rằng phi thuyền của Trung Quốc còn có thể được sử dụng cho mục đích dân sự như phóng vệ tinh liên lạc hoặc vận chuyển hàng hóa, phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.