Sứ mệnh Lucy đã hoàn tất mọi cuộc thử nghiệm trước khi phóng và dự kiến sẽ lên đường vào ngày 16.10 (giờ Mỹ), theo Đài CNN.
Phi thuyền Lucy có chiều dài 14m, phần lớn do các bảng điện mặt trời khổng lồ (bề ngang cỡ xe buýt trường học) dùng để cung cấp năng lượng cho con tàu. Tuy nhiên, Lucy cũng được trang bị năng lượng cho những thao tác nhanh nhẹn nhằm tránh đâm vào các tiểu hành tinh.
Trong 12 năm tới, con tàu sẽ di chuyển hơn 6,43 tỉ km với vận tốc 643.740 km/giờ. Mục tiêu của nó là các tiểu hành tinh Eurybates, Queta, Polymele, Leucus, Orus, Patroclus và Menoetius.
Đây là các thành viên trong số khoảng 7.000 tiểu hành tinh Trojan, được lấy theo tên các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, xoay quanh mặt trời theo hai bầy. Bầy thứ nhất ở phía trước sao Mộc, hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời, và bầy còn lại ở cách xa đằng sau.
Lucy là phi thuyền đầu tiên được thiết kế đến tận nơi quan sát nhóm các tiểu hành tinh vốn là tàn tích còn sót lại từ những ngày đầu tiên của hệ mặt trời. Sứ mệnh này cho phép các nhà nghiên cứu quay ngược lại thời điểm hệ mặt trời hình thành cách đây 4,5 tỉ năm.
Bên cạnh đó, Lucy có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu tại sao những hành tinh đến được vị trí hiện nay trong hệ mặt trời.
Sứ mệnh này được đặt tên theo hóa thạch Lucy, phần còn lại của bộ xương tổ tiên loài người được khai quật ở Ethiopia năm 1974. Đây là hóa thạch giúp các nhà nghiên xâu chuỗi nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình tiến hóa ở loài người.
Vì thế, các thành viên của đội ngũ tham gia sứ mệnh Lucy hy vọng họ sẽ làm được điều tương tự khi nghiên cứu lịch sử hệ mặt trời.
Bình luận (0)