Đội ngũ khoa học gia của Đại học Queensland (Úc) phân tích một xương hàm hóa thạch được tìm thấy ở vùng đông bắc Queensland cách đây 10 năm. Kết quả cho thấy mẫu vật là một phần của hộp sọ loài thằn lằn có cánh, cũng là loài bò sát bay lớn nhất trong lịch sử nước này.
“Cho đến thời điểm hiện tại, đây là loài động vật gần nhất với loài rồng”, báo USA TODAY hôm 12.8 dẫn lời nghiên cứu sinh Tim Richards.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Journal of Vertebrate Paleontology, loài này có sải cánh bằng chiều dài xe đưa rước học sinh, tức lên đến 7 m, đầu dài gần 1 m và có khoảng 40 răng nhọn. Hàm răng của chúng đủ sức bắt con mồi là những loài khủng long nhỏ hơn và cá các loại.
Được đặt tên Thapunngaka shawi, loài thằn lằn bay được cho từng thống trị vùng biển Eromanga nằm giữa lục địa Úc vào thời tiền sử. Biển Eromanga đã biến mất sau khi một tiểu hành tinh đâm xuống bề mặt Trái đất cách đây khoảng 65 triệu năm và mang đến sự tuyệt chủng hàng loạt cho các loài khủng long.
Việc phát hiện được hóa thạch của loài này là điều hiếm có. Theo ông Richards, xương của thằn lằn bay mỏng, rỗng và dễ vỡ. Đây là loài thằn lằn bay thứ ba được tìm thấy ở Úc.
“Đa số thằn lằn bay rơi xuống biển vào thời điểm tử vong, và bị những loài khác nuốt chửng. Xương của chúng hầu như khó có thể rơi được xuống thềm biển để quá trình hóa thạch có thể bắt đầu”, nghiên cứu sinh Úc cho biết.
Bình luận (0)