Nhà cổ sinh vật học Stephen Poropat của Đại học Swinburne tại Melbourne và nhóm của ông vừa xác nhận một mẩu xương cổ dài 5 cm, được tìm thấy cách đây gần 5 năm, thuộc về một loài khủng long có tên elaphrosaur.
Elaphrosaur là một nhóm các khủng long cực hiếm, trước nay hóa thạch của chúng chỉ được tìm thấy tại vài nơi trên thế giới kể từ lần đầu tiên được khai quật ở Tanzania vào đầu thế kỷ 20.
Xương của loài elaphrosaur chưa từng được phát hiện ở Úc trước đó, và dựa trên kết quả phân tích mẩu xương cổ, chúng đã sống ở khu vực hiện là bờ biển phía tây nam bang Victoria khoảng 110 triệu năm trước.
Tiến sĩ Poropat cho hay elaphrosaur thuộc về gia đình khủng long chân thú theropod, cũng là gia đình bao trùm toàn bộ loài khủng long ăn thịt từng xuất hiện trên Trái đất.
Loài elaphrosaur ở Úc có chiều cao khoảng 2m khi trưởng thành, 2 chi trên ngắn, với mỗi chi có 4 ngón, theo báo cáo trên chuyên san Gondwana Research.
“Đây là nhóm đầu tiên được tìm thấy ở Úc, và cũng là loài thứ hai từ Kỷ Phấn Trắng từng được phát hiện trên toàn thế giới”, theo tiến sĩ Poropat.
Do châu Úc nằm ở tít hướng nam cách đây 110 triệu năm, những con khủng long vừa được tìm thấy ở bang Victoria ắt hẳn sinh sống trong phạm vi của Vòng Nam Cực, nơi nhiệt độ luôn rơi xuống ngưỡng – 0oC vào những tháng mùa đông.
Bình luận (0)