Tàu không cần thủy thủ
Tạp chí công nghệ quốc phòng C4ISRNet, trụ sở tại Virginia, dẫn lời tiến sĩ Mike Leahy, đứng đầu Văn phòng Công nghệ chiến thuật của DARPA, cho hay dự án của nhóm ông là phát triển một lớp tàu hoàn toàn tự vận hành và hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.
Được đặt biệt danh NOMARS, hay “không cần thủy thủ”, đây là nỗ lực độc lập so với dự án USV của hải quân Mỹ. Thế nhưng, những gì thu hoạch được từ NOMARS, nếu thành công, sẽ giúp khái niệm USV của hải quân Mỹ đi trước thời đại đến cả thập niên, theo ông Leahy.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên C4ISR 2020, diễn ra trực tuyến vì dịch Covid-19 vào ngày 6.5, tiến sĩ Leahy cho biết trong khi USV được dựa trên thiết kế khung tàu hiện có, và vẫn có các khoang dành cho thủy thủ, NOMARS có cấu trúc hoàn toàn mới. DARPA sẽ thu thập các yêu cầu của hải quân Mỹ để tiến hành khâu phác thảo ngay từ đầu.
Và theo dự kiến, NOMARS nhiều khả năng có kích thước nhỏ hơn tàu có người lái, vì đội ngũ thiết kế sẽ loại bỏ mọi thứ có liên quan đến sinh hoạt của con người. Điều này có nghĩa là toàn bộ đài chỉ huy của thuyền trưởng, trung tâm thông tin tác chiến, khu phục vụ sinh hoạt của thủy thủ, phòng giải trí, hành lang... sẽ biến mất, cho phép thu hẹp đáng kể kích thước thân tàu.
Trang tin về quân sự Task & Purpose đưa hình ảnh mô phỏng về khái niệm tàu NOMARS cho thấy có sự khác biệt lớn giữa một con tàu hoàn toàn không người lái và tàu có thể tùy chọn vận hành với thủy thủ đoàn.
Theo đó, NOMARS nằm sát mặt nước với cột ăng ten cao chứa cảm biến và hệ thống liên lạc viễn thông. Tàu rô bốt có vẻ như sở hữu đến 4 bệ phóng tên lửa, nhiều khả năng được nạp đạn từ bên trong thân tàu. Con tàu hoàn toàn không có cửa sổ, lan can, lối đi hay bất kỳ thứ gì cho công tác của thủy thủ đoàn.
DARPA thừa nhận rằng dù trên thực tế khó có thể loại bỏ hoàn toàn con người khỏi tàu chiến, NOMARS sẽ chứng minh được vị trí của nó trong hải quân Mỹ.
Lợi thế của tàu rô bốt
Một tàu rô bốt có thể thực hiện công tác tuần tra không mệt mỏi tại những vùng biển như ngoài khơi CHDCND Triều Tiên, sẵn sàng xâm nhập các hoạt động liên lạc qua radar, vô tuyến và trao đổi qua điện thoại.
Trong thời chiến, chúng có thể đóng vai trò như các bệ phóng tên lửa di động trên biển nhằm tăng cường hỏa lực của hạm đội Mỹ, hoặc gây áp lực cho hạm đội đối thủ bằng cách tiếp cận từ một hướng khác. Thậm chí, NOMARS còn có thể bắt chước các tín hiệu điện tử phát ra từ các chiến hạm như tàu tuần dương và cả tàu sân bay, từ đó lôi kéo tầm ngắm của các tên lửa đối hạm từ lực lượng thù địch.
Tàu NOMARS được xem là tương lai của hải quân Mỹ. Gần đây, động lực chủ yếu của các dự án tàu không người lái là giảm chi phí vận hành liên quan đến thủy thủ đoàn. Thế nhưng, dịch Covid-19 đang cung cấp thêm một lý do đầy thuyết phục để hải quân Mỹ đẩy nhanh tiến độ thực hiện: nhân lực trên tàu có thể bị vô hiệu hóa nếu dịch bệnh bùng phát. Với áp lực mới, hải quân Mỹ chắc chắn càng phải đẩy nhanh tiến độ so với dự kiến đối với lớp tàu rô bốt trong tương lai.
Bình luận (0)