Riêng tư là muốn ở một mình?
Trần Anh Vũ (30 tuổi), ngụ đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh nói rằng sự riêng tư, hiểu rất đơn giản là bản thân cần một mình, một khoảng lặng mà ở đó bản thân không bị tác động bởi bất kỳ ai dù là lời hỏi han.
Theo Vũ, sự riêng tư không phải là ở trong một không gian kín giữa bốn bức tường hay nằm đắp chăn kín từ đầu đến chân trên giường ngủ mà nó còn bao hàm nhiều thứ khác như: suy nghĩ, bí mật đời tư, thông tin cá nhân…
"Tôi vẫn thường ngồi một mình trong quán cà phê đông người ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Khi đó, tôi bỏ mọi thứ ngoài tai để chìm vào suy nghĩ của riêng mình, không muốn chia sẻ với ai. Khi ấy, tôi cũng không nói đến những vấn đề nhu cầu sinh lý bình thường của con người, bởi đó là những thứ cần đóng gói lại", Vũ lấy một ví dụ khi muốn riêng tư.
Còn Trần Phương Thành (31 tuổi, nhân viên của một ngân hàng tại Q.5, TP.HCM) thì cho rằng sự riêng tư với một cá nhân là điều cần tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, sự riêng tư cá nhân phải tùy vào không gian, thời gian và hoàn cảnh lúc đó. "Một người muốn sự riêng tư thì đồng nghĩa không muốn người khác biết, nhìn thấy hay nói gì về mình. Nó như là sự bí mật của đời sống cá nhân. Nếu như vậy thì người đó chỉ cần ở ẩn là đủ", anh Thành bày tỏ.
Chưa kể, Thành nói tiếp: "Sự riêng tư hiện nay không được nhiều người quan tâm và tôn trọng. Ví dụ như sự riêng tư về ánh nhìn, những người thường nhìn chằm chằm vào người khác, khiến họ ái ngại. Hoặc những người vô tình hay cố ý đọc trộm tin nhắn, email, kế hoạch… dù chưa được phép cũng là một dạng xâm phạm sự riêng tư của người khác.
Riêng tư cũng là một quyền cá nhân
Theo Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), từ "riêng tư" có thể được hiểu là riêng của cá nhân, riêng của từng người, ví dụ như tình cảm riêng tư, cuộc sống riêng tư, của cải riêng tư, cảm nhận riêng tư, ý thích riêng tư, không gian riêng tư, sự riêng tư… "Sự riêng tư" có thể là một sở thích cá nhân trong một hoàn cảnh nào đó mà chủ thể muốn bản thân được tôn trọng. Trong đó, có thể riêng tư về đời sống cá nhân, bí mật hoặc tôn trọng không gian riêng mà người đó không muốn người khác xâm hại đến. Do vậy, "Sự riêng tư" cũng thuộc một phần nằm trong "Quyền riêng tư" của mỗi người mà pháp luật đã quy định.
"Hiến pháp Việt Nam có quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn", luật sư Nhật cho biết.
Theo luật sự Quang Nhật, mọi công dân có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Luật sự Quang Nhật nói: "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được Bộ luật Dân sự quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".
Đồng thời, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định; Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cũng theo luật sư Nhật, đối với việc bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử thì Luật Giao dịch điện tử có quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Luật An toàn thông tin mạng quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Theo đó: Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý".
Người nào thực hiện một trong các hành vi dưới đây đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Theo quy định của Bộ luật hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Cụ thể: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Bình luận (0)