Đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội với dòng trạng thái: “Những giọt nước mắt hạnh phúc khi kết thúc kỳ nấu 21 ngày cho bà con cách ly, mỗi ngày 1.000 phần”. Nội dung clip dài gần 10 giây, ghi lại cảnh 5 người phụ nữ bật khóc nức nở, có người còn dùng áo để lau nước mắt khi được hỏi: “Rồi sao khóc hết trơn vậy. Trời ơi khóc hết trơn vậy trời!”, khiến người xem rưng rưng.
Khóc vì những lời cảm ơn chân thành
Sau vài ngày đăng tải, đoạn clip nhận được hơn 2 triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đoạn clip được anh La Thành Đệ (27 tuổi), trưởng nhóm thiện nguyện Châu Long (xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), quay khi nhóm kết thúc kỳ nấu cơm thiện nguyện gửi đến các chốt kiểm soát, khu cách ly và bệnh viện tại địa phương. Những người phụ nữ trong đoạn clip là các thành viên mẫn cán trong nhóm anh suốt nhiều năm qua.
“Hôm đó là buổi tổng kết, tôi đã đọc nhiều lời cảm ơn, tâm sự từ những người ở khu cách ly đã ăn cơm của nhóm nấu suốt thời gian qua. Nghe xong, mấy cô xúc động quá hay sao mà ai cũng òa khóc nức nở. Mình thấy thương ghê!”, anh tâm sự.
Những người phụ nữ bật khóc sau khi nghe đọc thư cảm ơn |
NVCC |
Bà Trần Thị Ánh (61 tuổi), một trong những người xuất hiện trong đoạn clip, chia sẻ sở dĩ bà và các thành viên khác trong nhóm bật khóc vì khi nghe anh Đệ đọc thư của người nhận cơm thì không kiềm được xúc động. Thêm vào đó, bà nhớ lại hành trình suốt thời gian qua gắn bó với bếp ăn, với các thành viên trong nhóm, nên nước mắt tự nhiên cứ lăn dài.
Suốt 6 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhóm anh Đệ, mùa dịch bà Ánh cũng tích cực tham gia vào bếp ăn thiện nguyện hỗ trợ cho địa phương. Bà nói nhóm có 10 thành viên, đa phần là chị em phụ nữ trong xóm với nhau, người nhỏ nhất U.30, người lớn nhất U.70, chủ yếu làm ruộng. Dù vậy, ai cũng tranh thủ thu xếp việc nhà để tham gia nấu bếp.
Clip các bà, các cô bật khóc ở khu cách ly |
Mỗi ngày, bà thức dậy lúc 3 giờ sáng để hoàn tất các công việc trong nhà, gần 5 giờ thì đi bộ hơn 15 phút đến bếp ăn mượn ở một ngôi chùa gần đó để bắt đầu công việc, đến 17 giờ mới về đến nhà. Dù vậy, các thành viên trong nhóm không ai thấy mệt vì biết rằng những phần cơm của mình sẽ giúp được cho nhiều người.
Khi đoạn clip được lan tỏa trên mạng xã hội, bà Ánh cho biết “rất bất ngờ” và “cũng hơi ngại”, nhất là khi người thân hàng xóm chọc “má 8 nổi tiếng rồi!”. Tuy nhiên, bà cũng rất vui vì có thể góp một chút sức nhỏ của mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nhóm anh Đệ mượn bếp một ngôi chùa và các thành viên bếp ăn đa phần là phụ nữ |
Còn sức là còn nấu ăn từ thiện
Anh Đệ cho biết thêm thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm thường xuyên hỗ trợ các em nhỏ mồ côi, bệnh nhân tâm thần ở Bạc Liêu. Từ đầu tháng 7, nhóm chuyển qua nấu cơm gửi cho các chốt kiểm soát, các bệnh viện và khu cách ly. Trung bình mỗi ngày các thành viên nấu từ 300 - 400 suất. Thời gian gần đây dòng người từ TP.HCM về quê tăng lên, hơn 21 ngày qua đều đặn mỗi ngày 10 thành viên phải nấu hơn 1.000 suất ăn trưa, chiều phục vụ cho người cách ly.
Công việc có phần áp lực hơn nhưng trưởng nhóm thiện nguyện cho biết không ai than vãn một lời nào, vẫn cật lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh phí của bếp ăn do anh Đệ vận động từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, mùa dịch việc kêu gọi gặp nhiều khó khăn nên đôi lúc anh phải tự xuất tiền để duy trì bếp ăn.
“Tôi sống bằng việc kinh doanh nhà trọ, mùa dịch cũng giảm tiền, thậm chí không lấy tiền thuê trọ người thuê nếu họ gặp khó khăn. Dù thế nào thì còn sức chúng tôi vẫn còn làm, duy trì bếp ăn lâu nhất có thể”, anh tâm sự. Cũng theo chia sẻ của anh, sau khi hoàn thành đợt nấu ăn này, hiện nhóm vẫn tiếp tục đỏ lửa mỗi ngày nấu những suất ăn gửi đến các nhân viên y tế, thân nhân các F0 tại Trung tâm y tế H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Bà Nguyễn Thị Tùng (63 tuổi, thành viên bếp ăn) cũng cho biết khi nào bếp còn hoạt động là bà vẫn góp sức để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. “Tôi thì không có tiền, nhưng có sức, người ta còn cần là mình còn nấu à. Đợt rồi nấu nhiều, tôi lớn tuổi rồi cũng đuối nhưng nghĩ tới những người vui khi ăn cơm mình làm là lại có sức”, bà cười nói.
Bình luận (0)