Sự thật kinh hoàng trong thế giới thẩm mỹ chui: Trách nhiệm trước hết thuộc sở y tế tỉnh, thành

16/04/2022 08:08 GMT+7

Từ năm 2020 đến 15.4.2022, Sở Y tế TP.HCM kiểm tra 95 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, phạt 86 cơ sở với số tiền hơn 3 tỉ đồng...

Thời gian qua, báo chí đăng tải nhiều loạt bài điều tra phản ánh tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ chui hoạt động ì xèo ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Mặc dù cơ quan chức năng hứa sẽ tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn.

Khách mẫu đang đợi học viên tiêm filler nâng mũi

Thanh Niên

Kiểm tra cơ sở làm đẹp chui mà Báo Thanh Niên phản ánh

Ngay sau khi Báo Thanh Niên số báo ra ngày 13.4 phản ánh về việc học viên tiêm filler cho khách mẫu tại cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chính quyền địa phương đã kiểm tra cơ sở này.

Theo bà Lê Hồng Hạnh, Phó chủ tịch UBND P.3 (Q.Phú Nhuận), khoảng 15 giờ 30 ngày 14.4, tổ công tác liên ngành gồm UBND P.3, Công an P.3 phối hợp Phòng Y tế Q.Phú Nhuận đã đến cơ sở làm đẹp nói trên kiểm tra làm rõ. Theo ghi nhận, trước đây cơ sở này là một tiệm spa, tuy nhiên vì dịch bệnh nên đã đóng cửa. Sau đó, ngày 14.2, bà N.X.H (32 tuổi) thuê lại cơ sở này nhưng chưa đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng.

“Bà H. không thừa nhận hành vi làm đẹp chui cho khách tại địa chỉ này”, bà Hạnh nói rồi cho biết thêm, bà H. không có chứng chỉ nghề thẩm mỹ hay bất cứ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động thẩm mỹ. Bản thân bà H. chỉ đang học nghề thẩm mỹ, chứ chưa có bằng cấp gì.

“Tổ công tác đã lập biên bản ghi nhận một số vi phạm tại địa chỉ trên; đồng thời yêu cầu bà H. viết cam kết không mở cửa hoạt động khi chưa có giấy phép kinh doanh, chứng chỉ nghề”, bà Hạnh nói.

Bắt giam 3 bị can phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người

Ngày 15.4, theo nguồn tin của Thanh Niên, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 (TP.HCM) vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Thu Trang (26 tuổi), Phan Thanh Tùng (34 tuổi) và Nguyễn Ngọc Tú (28 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) cùng về tội “vi phạm quy định về khám bệnh”.

Trước đó, tháng 11.2021, Trang thuê mặt bằng tại P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 (TP.HCM) để kinh doanh thẩm mỹ viện, rồi nhận chị H.T.N (32 tuổi, quê Cà Mau) làm học viên. Sau đó, chị N. đến cơ sở của Trang hút mỡ bụng, nâng mũi với giá 15 triệu đồng. Lúc PTTM cho chị N., Trang nhờ Tú đến hỗ trợ gây mê, giảm đau; Tùng thì phẫu thuật. Ngày 5.12.2021, Trang, Tùng và Tú cùng PTTM nâng mũi, hút mỡ bụng cho chị N. Đến tối cùng ngày (5.12), thấy tình trạng chị N. không ổn nên Trang, Tùng đưa chị vào Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Đến rạng sáng 6.12.2021, nạn nhân tử vong.

Qua điều tra, 3 bị can không có bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề trong việc khám chữa bệnh và chuyên khoa thẩm mỹ, không đăng ký kinh doanh phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Thanh Ngữ

Hôm qua 15.4, trao đổi với PV Thanh Niên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết hằng năm đều có kế hoạch hoặc đột xuất kiểm tra cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), da liễu, chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ. Từ năm 2020 đến 15.4.2022, Sở Y tế kiểm tra 146 cơ sở chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ, xử phạt 66 tổ chức và cá nhân với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng; kiểm tra 95 cơ sở PTTM, phạt 86 cơ sở với số tiền hơn 3 tỉ đồng; kiểm tra 35 cơ sở da liễu, xử phạt hơn 1,5 tỉ đồng. Năm sau số cơ sở được kiểm tra cao hơn năm trước. Các lỗi vi phạm lớn bao gồm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; khám, chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề...

Sở Y tế chuyển cơ quan công an các cấp để thụ lý, điều tra gồm 46 vụ việc. Trong đó, 37 vụ việc Công an TP.Thủ Đức và các quận, huyện đang điều tra chưa có kết quả chuyển Thanh tra Sở Y tế; 1 vụ việc chuyển kết quả về, đã xử lý vi phạm hành chính và được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế; 8 vụ việc chuyển kết quả về, cơ sở đã bỏ trốn, mời họp không lên và Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TP.HCM xác minh để xử lý, hoặc phối hợp các cơ quan có liên quan khác để xác minh làm rõ. 7 cơ sở hiện đang thụ lý nhưng cơ sở không hợp tác làm việc, Thanh tra Sở Y tế phối hợp PC06 xác minh để xử lý. 1 cơ sở chuyển Phòng Y tế kiểm tra, xác minh để làm rõ.

“Bác sĩ giả” đang tư vấn cho khách mẫu tiêm filler

Thanh Niên

Lãnh đạo PC06 cho hay thời gian qua PC06 đã phối hợp với lực lượng chức năng, quận huyện phát hiện và xử lý nhiều cơ sở thẩm mỹ chui; nhưng vẫn còn nhiều cơ sở thẩm mỹ mặc dù không được cấp phép hoạt động, nhân viên không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn cung cấp dịch vụ tiêm, phẫu thuật, hành nghề trái quy định…

“Vì vậy trong thời gian tới cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, kiểm tra nhằm siết chặt quản lý hoạt động PTTM trên địa bàn TP.HCM; cấp chính quyền địa phương cũng phải quản lý thật chặt địa bàn của mình, không để các cơ sở thẩm mỹ chui hoạt động ngang nhiên như vậy. Đồng thời phải xử lý mạnh tay hơn nữa với các cơ sở vi phạm này để răn đe”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra xử phạt, chấn chỉnh hiệu quả, triệt để

Cùng ngày 15.4, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao loạt bài điều tra “thế giới thẩm mỹ chui” do Báo Thanh Niên phản ánh. Theo lãnh đạo Sở Y tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ chui trên địa bàn TP.HCM không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề nóng về nhiều phương diện. Thủ đoạn hành nghề chui ngày càng tinh vi. Trước tình hình trên, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da) đã công bố và chưa công bố; cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Mục đích là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở này.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

UBND P.3 cung cấp

Theo Sở Y tế, cho dù là thuộc loại hình nào, để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế đề nghị các phòng y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và thanh tra các sở khác có liên quan để cương quyết xử lý nghiêm mang tính răn đe. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM, công an địa phương xử lý triệt để các cơ sở hành nghề PTTM trái phép, trá hình.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay PTTM phải được thực hiện tại các cơ sở được cơ quan quản lý thẩm định, cấp phép; người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề. Việc thực hiện có thể có tai biến cần phải kiểm soát tối đa để đảm bảo an toàn, không chỉ về chuyên môn, đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn các điều kiện chống sốc (do gây mê, gây tê); vô khuẩn, chống nhiễm trùng, chăm sóc sau phẫu thuật. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Việc cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm đã phân cấp đến từng địa phương, do các sở y tế trực tiếp chịu trách nhiệm.

Lưu ý thêm về công tác quản lý, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cũng khẳng định, quản lý các cơ sở PTTM trước hết thuộc trách nhiệm của sở y tế các tỉnh, thành. Cùng với việc tăng cường thanh kiểm tra, cơ quan quản lý cần áp dụng việc xử phạt, chấn chỉnh hiệu quả, triệt để; đồng thời cơ quan quản lý cũng cần có các hình thức thông tin để người có nhu cầu làm đẹp tiếp cận được các cơ sở được cấp phép, sử dụng dịch vụ an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.