Sự thật kinh hoàng trong thế giới thẩm mỹ chui: Những chiêu trò “moi” tiền khách

14/04/2022 07:08 GMT+7

Trong quá trình thâm nhập, PV Thanh Niên được một số “sư phụ” chỉ cho cách thức, mánh khóe để làm nghề thẩm mỹ… Chúng tôi còn ghi nhận cả tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ liên quan nghề thẩm mỹ diễn ra công khai.

Nâng ngực, hút mỡ… là làm ăn lớn

Anh Th. (31 tuổi), người đang làm nghề tiêm filler, tiểu phẫu, nâng mũi tại một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) chui ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ về bí quyết trong nghề: “Tiêm filler ở mũi rất là khó. Lúc tiêm phải nhớ tiêm mồi trước, tức đâm nhẹ mũi kim vào rồi rút ra. Nếu thấy đầu kim dính máu phải đổi vị trí tiêm, khi nào đầu kim không dính máu mới tiêm filler vào. Vì chỗ dính máu có nghĩa là trúng mạch máu, rất dễ gây hoại tử, biến chứng mũi”.

Nữ học viên thực hành tiêm filler vào mũi khách hàng

Thanh Niên

“Còn phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng thì sao?”, chúng tôi hỏi. Th. cho hay, nếu lấn sân sang nâng ngực và hút mỡ là việc “làm ăn lớn” vì việc này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. “Làm ăn lớn thì ai cũng muốn làm. Nâng mũi nó cũng có biến chứng nhưng không có tình trạng đột quỵ hay sốc phản vệ. Còn nâng ngực, hút mỡ dễ xuất hiện tình trạng sốc phản vệ; sốc phản vệ thì khó cứu lắm. Mình làm ăn nhỏ chỉ nên giới thiệu khách cho các cơ sở lớn hơn để ăn chia phần trăm”, Th. tư vấn, rồi nói nếu chúng tôi học ra nghề, anh ta có thể giới thiệu sang Campuchia để tiêm filler. “Làm kiếm tiền, học thêm các khóa tiểu phẫu như cắt mí, nâng cằm, nâng mũi, tân trang “cô bé”… Qua bên Campuchia tiêm filler kiếm chừng 20 triệu đồng/tháng”, Th. chỉ dẫn.

Sau khi tiêm filler, hình ảnh mẫu sẽ được chụp lại, sau đó chỉnh sửa và quảng cáo trên mạng xã hội

Mánh khóe thu hút khách

Nói thêm về bí quyết trong nghề PTTM, Th. khẳng định, bác sĩ phải có khiếu ăn nói để tư vấn cho khách hàng tin tưởng. “Nói không hay nhưng phải rõ ràng. Nói sao để họ nghe chỉ gật đầu, dạ dạ vâng vâng thôi. Cái thứ hai là phải chạy quảng cáo. Ví dụ, khi mình quảng cáo thì nói giá cơ bản, rẻ thôi, nhưng khi họ tới chúng ta sẽ liệt kê thêm các chi phí phát sinh”, Th. bật mí và đưa điện thoại khoe, nói cứ mỗi tin nhắn khách hàng nhắn tin trên Facebook, anh ta phải trả hơn 270.000 đồng phí dịch vụ chạy quảng cáo. “Tốn tiền chạy quảng cáo dữ lắm. Không có quảng cáo thì ai mà biết tới mình. Mỗi ngày, anh phải tốn mấy triệu đồng tiền chạy quảng cáo đó”, Th. nói và cho rằng, để tồn tại được, ngoài một số mánh khóe khi hành nghề, chủ spa, cơ sở làm đẹp phải “biết điều” với một số cơ quan chức năng tại nơi hoạt động.

Ngoài ra, Th. cho biết tuy không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề (CCHN), nhưng sau thời gian dài làm cho khách hàng, tay nghề của anh cũng chẳng thua kém gì các bác sĩ. Với hiểu biết của mình, Th. khẳng định các cơ sở PTTM lớn thường cũng chỉ “hợp tác chuyên môn với bác sĩ” mà thôi. “Bình thường mấy cơ sở này toàn hợp tác với các bác sĩ (tức thuê CCHN), còn người trực tiếp làm là dân tay ngang thôi. Một ê kíp PTTM nếu đúng quy định phải có bác sĩ gây mê, rồi bác sĩ trực tiếp PTTM và cả bác sĩ hồi sức; chưa kể chi phí mặt bằng, chạy quảng cáo…, tiền đâu mà họ thuê hết được!”, Th. tỏ ra am hiểu.

Chứng chỉ nghề thẩm mỹ được rao bán công khai

Theo bà P. (31 tuổi, chủ một cơ sở làm đẹp trên đường Bùi Quang Là ở Q.Gò Vấp), ngoài tiêm filler, tiểu phẫu, nếu muốn ăn nên làm ra phải học nghề nâng mũi. “Em chỉ cần nâng mũi vài ca đẹp thì khách hàng sẽ tự nhiên tìm tới. Làm ca nào xong phải chụp ảnh lại làm mẫu, thậm chí chỉnh sửa hình cho lung linh rồi đăng lên các trang mạng xã hội”, bà P. hướng dẫn và nói, nếu muốn theo nghề, phải lập một tài khoản Facebook mới. Trên đó sẽ quảng cáo mình là bác sĩ, thường xuyên đăng tải hình ảnh mẫu đẹp… để thu hút người theo dõi, dần dà trở nên nổi tiếng và sau đó nhiều người biết đến.

Công khai mua bán chứng chỉ nghề thẩm mỹ

Đáng nói, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện thị trường mua bán chứng chỉ nghề thẩm mỹ tràn lan trên mạng xã hội Facebook, Zalo... “Chị nào mở spa mà chưa có bằng để xin giấy phép kinh doanh (GPKD) mở tiệm thì nhắn tin để em tư vấn. Đảm bảo 100% giá trị pháp lý, đầy đủ giấy tờ để mở tiệm”, tài khoản tên M.K quảng cáo.

Một số loại giấy tờ liên quan nghề thẩm mỹ được bán với giá vài triệu đồng

PV gọi điện cho tài khoản tên M.K qua số 03557894xx để liên hệ hỏi mua chứng chỉ nghề thẩm mỹ thì một giọng nam chào mời: “Giá chứng chỉ nghề thẩm mỹ là 1,5 triệu đồng, giấy chứng nhận y tế là 2 triệu đồng. Trong vòng 1 tuần, nhân viên giao hàng sẽ giao tận tay cho khách hàng. Anh mang chứng chỉ nghề và giấy chứng nhận y tế lên phòng kinh doanh của UBND cấp huyện hoặc cấp tương đương để kê khai, xin đăng ký GPKD”.

Để tạo niềm tin, nam thanh niên này gửi những trường hợp khách mua chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận y tế của anh ta đều đăng ký GPKD thành công. Trong đó, có trường hợp của chị C.T.H (32 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ), sau khi làm chứng chỉ nghề đã làm được giấy chứng nhận GPKD, chuyên ngành “kinh doanh dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, cắt mí, tiêm filler - botox. Trị mụn - nám - tàn nhang, trị sẹo, chăm sóc da cơ bản và chuyên sâu”.

Sau đó, ngày 4.4, chúng tôi gửi một số thông tin cá nhân không có thật cho người này, đặt làm một chứng chỉ nghề thẩm mỹ giá 1,5 triệu đồng. Đến chiều 11.4, nhân viên giao hàng đã gọi điện cho chúng tôi giao chứng chỉ nghề thẩm mỹ do “lò” của tài khoản tên M.K làm giả.

Theo ghi nhận của PV, “Chứng chỉ nghề” được làm giống hệt chứng chỉ nghề thật, mực in sắc nét, tinh vi.

Chứng chỉ nghề ghi rõ “Nghề đào tạo: Phun xăm thẩm mỹ chuyên nghiệp; Tiêm filler - botox; Nhấn mí, cắt mí; Tiểu phẫu thẩm mỹ chuẩn phương pháp Y khoa; Tốt nghiệp loại: Xuất sắc do Thẩm mỹ viện Quốc tế P.R cấp”. Ngoài “Chứng chỉ nghề”, “lò” của tài khoản tên M.K kèm theo “Giấy chứng nhận” y tế do Trung tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thuộc Bộ Y tế cấp. Giấy chứng nhận này xác định học viên đã tham gia chương trình khóa học về: “Phòng, chống lây nhiễm các bệnh lây qua máu, dịch sinh học”... được gửi đúng địa chỉ “khách hàng” đặt.

Liên hệ với một đầu nậu khác qua số 09829502xx, chúng tôi tiếp tục được quảng cáo: “Bên em làm chứng chỉ nghề trên toàn quốc anh nhé. Khách của tụi em ở TP.HCM, Đà Nẵng cùng các tỉnh thành khác nhiều lắm. Giờ phải làm giấy tờ để đăng ký kinh doanh cho hợp pháp. Khi cơ quan chức năng kiểm tra đỡ bị phạt anh ạ. Bằng bên em là bằng hợp pháp để đăng ký GPKD. Giá là 1,4 triệu/bằng, từ 3 - 5 ngày bên em làm xong. Anh chuyển trước 400.000 đồng tiền cọc, số còn lại anh nhận bằng rồi thanh toán nốt”.

Dịch vụ cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược vẫn nhan nhản

Ngoài việc mua bán chứng chỉ nghề thẩm mỹ, hiện tình trạng cho thuê CCHN y, dược cũng diễn ra nhan nhản trên mạng xã hội Facebook. Ngày 13.4, trong vai người đang có nhu cầu mở nhà thuốc ở TP.HCM, chúng tôi gọi vào số 09031301xx, được giọng nam xưng tên T. (giới thiệu đang có CCHN dược) chào mời: “Tôi cho thuê CCHN dược với giá 4 triệu đồng/tháng, thời gian thuê bao lâu tùy vào khách”. PV Thanh Niên đặt vấn đề nếu lực lượng chức năng đến kiểm tra, sẽ gọi điện T. đến nhà thuốc làm việc, người này tỏ ra khó hiểu: “Xưa nay tôi cho thuê CCHN thôi chứ hiếm khi đến trực tiếp nhà thuốc lắm. Thường phía nhà thuốc đã “lo liệu” đâu vào đấy hết rồi chứ!?”. Bên cạnh đó, nhiều người cũng ngang nhiên lên các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook quảng cáo cả dịch vụ làm CCHN y, dược một cách công khai.

Trong khi đó, trước đây, Báo Thanh Niên từng đăng loạt bài Loạn làm giả, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược (từ 7 - 8.9.2020), phản ánh tình trạng cho thuê CCHN diễn ra tràn lan. Thậm chí, khách hàng có thể dễ dàng sở hữu tấm bằng bác sĩ đa khoa giả chỉ với giá 3 triệu đồng! Tuy nhiên, sau gần 2 năm, hoạt động này vẫn diễn ra ì xèo.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.